…
—Ví như, này các Tỷ-kheo, có người thân bị thương tích, thân bị lở loét, đi vào một khu rừng đầy gai góc. Cỏ và gai đâm thủng chân người ấy, và cào rách thân lở loét của người ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, người ấy do nhân duyên ấy còn cảm thọ khổ ưu nhiều hơn nữa. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có Tỷ-kheo đi vào làng hay đi vào rừng gặp người chỉ trích Tỷ-kheo ấy, và người chỉ trích nói rằng: “Tôn giả làm như vậy, sở hành như vậy là gai bất tịnh trong làng”. Biết rằng vị ấy là gai, sau khi biết như vậy, cả hai (người Tỷ-kheo và người chỉ trích) cần phải hiểu là không hộ trì và có hộ trì.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là không hộ trì? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, thiên chấp sắc khả ái, ghét bỏ sắc không khả ái, sống với thân niệm không an trú, với tâm nhỏ hẹp. Vị ấy không như thật tuệ tri tâm giải thoát, tuệ giải thoát; chính ở nơi đây, các ác bất thiện pháp ấy khởi lên không được đoạn diệt không có dư tàn … khi tai nghe tiếng … khi mũi ngửi hương … khi lưỡi nếm vị … khi thân cảm xúc … khi ý nhận biết pháp, thiên chấp pháp khả ái, ghét bỏ pháp không khả ái, sống với thân niệm không an trú, với tâm nhỏ hẹp. Vị ấy không như thật tuệ tri tâm giải thoát, tuệ giải thoát; chính ở nơi ấy, các ác, bất thiện pháp ấy khởi lên không được đoạn diệt không có dư tàn …
Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bắt được sáu sinh vật, giới loại khác nhau, chỗ tìm món ăn khác nhau, và cột chúng với một sợi dây vững chắc. Sau khi bắt được con rắn, người ấy cột với sợi dây vững chắc. Sau khi bắt được con cá sấu, người ấy cột một sợi dây vững chắc. Sau khi bắt được con chim, người ấy cột với sợi dây vững chắc … Sau khi bắt được con chó, người ấy cột với một sợi dây vững chắc. Sau khi bắt được con giả can, người ấy cột với một sợi dây vững chắc. Sau khi bắt được con khỉ, người ấy cột với một sợi dây vững chắc. Sau khi cột chúng với những sợi dây vững chắc, người ấy cột một cái gút ở chính giữa và thả chúng đi. Này các Tỷ-kheo, sáu con sinh vật ấy, với giới loại sai khác, với chỗ tìm món ăn sai khác, mỗi con sẽ lôi kéo tùy theo chỗ tìm món ăn và giới loại sai biệt của mình. Con rắn lôi kéo, nghĩ rằng: “Ta sẽ đi vào gò mối”. Con cá sấu lôi kéo, nghĩ rằng: “Ta sẽ đi vào trong nước”. Con chim lôi kéo, nghĩ rằng: “Ta sẽ bay lên trời”.Con chó lôi kéo, nghĩ rằng: ” Ta sẽ đi vào làng”. Con giả can lôi kéo, nghĩ rằng: “Ta sẽ đi vào nghĩa địa”. Con khỉ lôi kéo, nghĩ rằng: “Ta sẽ đi vào rừng”. Này các Tỷ-kheo, khi nào sáu con sinh vật ấy trở thành mệt mỏi, khi ấy, con sinh vật nào mạnh hơn các sinh vật còn lại, được chúng đi theo, chúng tuân theo, chúng phục tùng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo thân niệm không tu tập, không làm cho sung mãn, con mắt sẽ lôi cuốn nó đối với các sắc khả ái và ghét bỏ đối với các sắc không khả ái … Ý sẽ lôi cuốn nó đối với các pháp khả ái và ghét bỏ đối với các pháp không khả ái.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là không hộ trì.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hộ trì?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc, không thiên chấp các sắc khả ái, không ghét bỏ các sắc không khả ái, sống với thân niệm an trú, với tâm vô lượng. Vị ấy như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát; chính ở nơi đây, các ác bất thiện pháp khởi lên được đoạn diệt không có dư tàn … khi tai nghe tiếng … khi mũi ngửi hương … khi lưỡi nếm vị … khi thân cảm xúc … khi ý biết các pháp, không thiên chấp các pháp khả ái, không ghét bỏ các pháp không khả ái, an trú thân niệm, với tâm vô lượng. Vị ấy như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát; chính ở nơi đây các ác bất thiện pháp ấy khởi lên được đoạn diệt không có dư tàn.
Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bắt được sáu con sinh vật, giới loại khác nhau, chỗ tìm món ăn khác nhau, và cột chúng với một sợi dây vững chắc. Sau khi bắt được con rắn, người ấy cột với một sợi dây vững chắc. Sau khi bắt được con cá sấu … Sau khi bắt được con chim … Sau khi bắt được con chó … Sau khi bắt được con giả can … Sau khi bắt được con khỉ, người ấy cột với sợi dây vững chắc. Sau khi cột chúng với sợi dây vững chắc, người ấy cột vào một cái cột hay cái trụ vững chắc. Rồi, này các Tỷ-kheo, sáu con sinh vật ấy, với giới loại sai khác, với chỗ tìm món ăn sai khác, mỗi con sẽ lôi kéo, tùy theo chỗ tìm món ăn và giới loại sai biệt của mình. Con rắn lôi kéo, nghĩ rằng: “Ta sẽ đi vào gò mối”. Con cá sấu lôi kéo, nghĩ rằng: “Ta sẽ đi vào trong nước”. Con chim lôi kéo nghĩ rằng: “Ta sẽ bay lên trời”. Con chó lôi kéo, nghĩ rằng: “Ta sẽ đi vào làng”. Con giả can lôi kéo nghĩ rằng: “Ta sẽ đi đến nghĩa địa”. Con khỉ lôi kéo, nghĩ rằng: “Ta sẽ đi vào rừng”. Này các Tỷ-kheo, khi nào sáu con sinh vật ấy trở thành mệt mỏi, chúng sẽ đứng gần bên, ngồi gần bên, nằm gần bên cái cột ấy hay cái trụ ấy. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo thân niệm được tu tập, được làm sung mãn, con mắt không lôi kéo vị ấy theo các sắc khả ái, đối với các sắc không khả ái, không ghét bỏ … lưỡi không lôi kéo vị ấy theo các vị khả ái, đối với vị không khả ái, không có ghét bỏ … ý không lôi kéo vị ấy theo các pháp khả ái, đối với pháp không khả ái, không có ghét bỏ.
Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hộ trì.
Cái cột hay cái trụ vững chắc, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với thân niệm. Do vậy, này các Tỷ-kheo, hãy học tập như sau: “Chúng ta sẽ tu tập thân niệm, làm cho sung mãn, làm cho như thành cỗ xe, làm cho như thành cơ sở, an trú, tích tập, khéo nỗ lực”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập.
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada