…
Rồi một Tỷ-kheo đi đến một Tỷ-kheo khác, sau khi đến, nói với Tỷ-kheo ấy:
—Cho đến như thế nào, này Hiền giả, sự thấy của Tỷ-kheo khéo thanh tịnh?
—Này Hiền giả, Tỷ-kheo khi nào như thật rõ biết sự tập khởi và sự đoạn diệt của sáu xúc xứ; cho đến như vậy, này Hiền giả, sự thấy của Tỷ-kheo khéo thanh tịnh.
Tỷ-kheo ấy không thỏa mãn với câu trả lời câu hỏi của Tỷ-kheo kia, liền đi đến một Tỷ-kheo khác và nói:
—Này Hiền giả, cho đến như thế nào, sự thấy của Tỷ-kheo khéo thanh tịnh?
—Này Hiền giả, khi nào Tỷ-kheo như thật rõ biết sự tập khởi và sự đoạn diệt của năm thủ uẩn; khi ấy, này Hiền giả, sự thấy của Tỷ-kheo khéo thanh tịnh.
Tỷ-kheo ấy không thỏa mãn với câu trả lời của Tỷ-kheo kia, liền đi đến một Tỷ-kheo khác nữa và nói:
—Này Hiền giả, cho đến như thế nào, sự thấy của Tỷ-kheo khéo thanh tịnh?
—Này Hiền giả, khi nào Tỷ-kheo như thật tuệ tri sự tập khởi và sự chấm dứt của bốn đại chủng; khi ấy, này Hiền giả, sự thấy của Tỷ-kheo khéo thanh tịnh.
Rồi Tỷ-kheo ấy không thỏa mãn …
—Này Hiền giả, khi nào Tỷ-kheo như thật rõ biết rằng, phàm pháp gì được khởi lên, tất cả pháp ấy đều phải đoạn diệt; khi ấy, này Hiền giả, sự thấy của Tỷ-kheo khéo thanh tịnh.
Rồi Tỷ-kheo ấy không thỏa mãn với câu trả lời câu hỏi của Tỷ-kheo kia, liền đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
—Ở đây, bạch Thế Tôn, con đi đến một Tỷ-kheo và nói với Tỷ-kheo ấy: “Cho đến như thế nào, này Hiền giả, sự thấy của Tỷ-kheo khéo thanh tịnh?” Khi được nói vậy, Tỷ-kheo ấy nói với con: “Khi nào như thật tuệ tri sự tập khởi và sự chấm dứt của sáu xúc xứ; khi ấy, này Hiền giả, sự thấy của Tỷ-kheo khéo thanh tịnh”. Bạch Thế Tôn, con không thỏa mãn câu trả lời của Tỷ-kheo kia nên đi đến một Tỷ-kheo khác; sau khi đến, con nói với Tỷ-kheo ấy: “Cho đến như thế nào, này Hiền giả, sự thấy của một Tỷ-kheo khéo thanh tịnh?” Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo ấy nói với con: “Khi nào, này Hiền giả, Tỷ-kheo như thật tuệ tri sự tập khởi và sự chấm dứt của năm thủ uẩn … như thật tuệ tri sự tập khởi và sự chấm dứt của bốn đại chủng … như thật tuệ tri rằng, phàm có pháp gì được tập khởi, tất cả pháp ấy bị đoạn diệt, cho đến như vậy, này Hiền giả, sự thấy của Tỷ-kheo khéo thanh tịnh”. Bạch Thế Tôn, con không thỏa mãn câu trả lời câu hỏi của Tỷ-kheo kia nên con đi đến Thế Tôn và bạch Thế Tôn: “Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, sự thấy của Tỷ-kheo khéo thanh tịnh?”
—Ví như, này Tỷ-kheo, một người chưa từng thấy cây kimsuka, người ấy đi đến một người khác đã thấy cây kimsuka và nói: “Này Bạn, cây kimsuka là thế nào?”. Người ấy đáp như sau: “Này Bạn, cây kimsuma màu đen, như một khúc cây bị cháy”. Như vậy, này Tỷ-kheo, trong thời gian ấy, cây kimsuka đối với người ấy là giống như người kia đã thấy. Rồi, này Tỷ-kheo, người ấy không thỏa mãn với câu trả lời của người kia, liền đi đến một người khác đã thấy cây kimsuka, sau khi đến, hỏi người ấy: “Này Bạn, cây kimsuka là thế nào?” Người kia trả lời: “Này Bạn, cây kimsuka màu đỏ, giống như một đống thịt”. Và này Tỷ-kheo, như vậy trong thời gian ấy, cây kimsuka đối với người ấy là giống như người kia đã thấy. Rồi, này Tỷ-kheo, người ấy không thỏa mãn với câu trả lời của người kia, đi đến một người khác đã thấy cây kimsuka, sau khi đến nói với người ấy: “Này Bạn, cây kimsuka là thế nào?” Người kia trả lời: “Này Bạn, cây kimsuka bị lột vỏ, vỏ bị nứt nẻ ra như cây keo (sirìso)”. Này Tỷ-kheo, trong thời gian ấy, cây kimsuka đối với người ấy là giống như người kia đã thấy. Rồi, này Tỷ-kheo, người ấy không thỏa mãn với câu trả lời của người kia, liền đi đến một người khác đã thấy cây kimsuka, sau khi đến, nói với người ấy: “Này Bạn, cây kimsuka là thế nào?” Người kia nói như sau: “Này Bạn, cây kimsuka có lá rậm rạp, bóng của nó dày và rậm, như cây bàng”. Như vậy, này Tỷ-kheo, trong thời gian ấy, cây kimsuka đối với người ấy là giống như người kia đã thấy. Cũng vậy, này Tỷ-kheo, tùy theo sự thấy của Chân nhân ấy khéo thanh tịnh, tùy thuộc theo đấy, họ đã trả lời.
Ví như, này Tỷ-kheo, có ngôi thành của vua ở biên giới được xây dựng với pháo đài kiên cố, với tường và tháp canh kiên cố và có đến sáu cửa thành. Tại đấy có người giữ cửa thành, là bậc thông minh, có kinh nghiệm và có trí, ngăn chận những người không quen biết, cho vào những người quen biết. Từ phương Ðông, hai người sứ giả cấp tốc đi đến, và nói với người giữ cửa thành: “Này Bạn, vị chủ thành trì này ở đâu?” Người giữa cửa thành ấy nói: “Thưa các Tôn giả, vị ấy đang ngồi giữa ngã tư đường”. Hai người sứ giả ấy cấp tốc tuyên bố lời như thật ngữ cho vị chủ ngôi thành, rồi tiếp tục đi theo con đường họ đến. Từ phương Tây, lại hai người sứ giả cấp tốc đi đến … từ phương Bắc, lại hai người sứ giả cấp tốc đi đến, và nói với người giữ cửa thành: “Này Bạn, vị chủ thành trì này ở đâu?” Người giữ cửa thành ấy nói: “Thưa các Tôn giả, vị ấy đang ngồi giữa ngã tư đường”. Rồi hai người sứ giả ấy cấp tốc tuyên bố lời như thật ngữ cho vị chủ ngôi thành, rồi tiếp tục theo con đường họ đến.
Này Tỷ-kheo, Ta nói ví dụ để giải thích ý nghĩa, và đây là ý nghĩa: Ngôi thành, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với thân do bốn đại chủng tạo thành này, do cha mẹ sanh, do cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, tiêu mòn, tiêu hao, hủy hoại, hủy diệt. Sáu cửa, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với sáu nội xứ. Người giữ cửa, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với niệm. Hai vị sứ giả cấp tốc, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với chỉ và quán. Người chủ ngôi thành là đồng nghĩa với thức. Ở giữa tại ngã tư đường là đồng nghĩa với bốn đại chủng: địa giới, thủy giới, hỏa giới và phong giới. Lời như thật ngữ, này Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với Niết-bàn. Theo con đường họ đến là đồng nghĩa với con đường Thánh đạo Tám ngành. Như chánh tri kiến … chánh định.
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada