…
—Này các Tỷ-kheo, trước khi Ta chưa giác ngộ, chưa thành Chánh đẳng Chánh giác, còn là Bồ-tát, Ta khởi lên ý nghĩ như sau: “Năm dục công đức mà tâm Ta trước kia cảm xúc, đã thuộc quá khứ, đã đoạn diệt, đã biến hoại; ở đây, tâm Ta đi đến cuồng nhiệt khi chúng có mặt hiện tại, và trở thành giảm thiểu khi chúng chưa đến, còn ở vị lai”. Rồi, này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: “Năm dục công đức mà tâm Ta trước kia cảm xúc, đã thuộc quá khứ, đã đoạn diệt, đã biến hoại. Ở đây, vì lợi ích cho chính Ta, hãy sống không phóng dật, gìn giữ tâm chánh niệm”.
Do vậy, này các Tỷ-kheo, đối với năm dục công đức mà tâm các Ông trước đây cảm xúc, đã thuộc quá khứ, đã đoạn diệt, đã biến hoại; ở đây, tâm các Ông đi đến cuồng nhiệt khi chúng có mặt hiện tại, và trở thành giảm thiểu khi chúng chưa đến, còn ở vị lai. Do vậy, này các Tỷ-kheo, đối với năm dục công đức mà tâm các Ông trước đây cảm xúc, đã thuộc quá khứ, đã đoạn diệt, đã biến hoại. Ở đây, vì lợi ích cho chính các Ông, hãy sống không phóng dật, gìn giữ tâm chánh niệm.
Do vậy, này các Tỷ-kheo, các xứ cần phải được hiểu: “Chỗ nào mắt đoạn diệt, sắc tưởng được ly tham; các xứ cần phải được hiểu … Chỗ nào ý được đoạn diệt, pháp tưởng được ly tham, các xứ cần phải được hiểu”. Các xứ cần phải được hiểu như vậy.
Nói vậy xong, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh xá.
Rồi các Tỷ-kheo, sau khi Thế Tôn ra đi chẳng bao lâu, khởi lên ý nghĩ sau đây: “Này chư Hiền, Thế Tôn sau khi nói lên lời thuyết giảng này một cách vắn tắt … Ai có thể phân tích ý nghĩa lời tuyên bố một cách rộng rãi?”
Rồi các Tỷ-kheo ấy lại suy nghĩ như sau: “Tôn giả Ānanda được Thế Tôn tán thán.”.
(Như kinh trên, từ số 5 đến số 9, chỉ khác về lời tuyên bố của Thế Tôn)
—Vậy chư Hiền, hãy lắng và suy nghiệm kỹ. Tôi sẽ nói.
—Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Ānanda.
Tôn giả Ānanda nói như sau:
—Này chư Hiền, sau khi nói lên lời thuyết giảng vắn tắt này, không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy và đi vào tịnh xá: “Do vậy, này các Tỷ-kheo, các xứ cần phải được hiểu: ‘Chỗ nào mắt đoạn diệt, sắc tưởng được ly tham; các xứ cần phải được hiểu … Chỗ nào ý được đoạn diệt, pháp tưởng được ly tham, các xứ cần phải được hiểu’”. Này chư Hiền, lời Thế Tôn nói lên vắn tắt này, không được phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, tôi hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như sau: Lời Thế Tôn nói, này chư Hiền, là thuộc về đoạn diệt sáu xứ. Do vậy, này chư Hiền, các xứ cần phải hiểu: “Chỗ nào mắt đoạn diệt, sắc tưởng được ly tham, các xứ cần phải hiểu … Chỗ nào ý đoạn diệt, các pháp tưởng được ly tham, các xứ cần phải hiểu biết”. Các xứ cần phải được hiểu như vậy.
Này chư Hiền, lời Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt này, ý nghĩa không được phân tích một cách rõ ràng, ý nghĩa ấy tôi hiểu một cách rõ ràng như vậy. Nếu muốn, chư Hiền hãy đi đến Thế Tôn và hỏi về ý nghĩa này. Thế Tôn giải thích như thế nào, chư Hiền hãy như vậy thọ trì.
—Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Ānanda, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
—Bạch Thế Tôn, lời Thế Tôn nói lên vắn tắt cho chúng con, không có phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, Thế Tôn đi vào tịnh xá: “Do vậy, này các Tỷ-kheo, các xứ cần phải được hiểu. ‘Chỗ nào mắt đoạn diệt, chỗ ấy sắc tưởng được ly tham, các xứ cần phải được hiểu … Chỗ nào ý đoạn diệt, chỗ ấy pháp tưởng được ly tham, các xứ phải được hiểu’. Các xứ cần phải hiểu như vậy”. Bạch Thế Tôn, sau khi Thế Tôn ra đi không bao lâu, chúng con suy nghĩ như sau: “Này chư Hiền, sau khi nói lên lời thuyết giảng này cho chúng ta, nhưng không phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy và đi vào tịnh xá: ‘Do vậy, này các Tỷ-kheo, các xứ cần phải được hiểu: ‘Chỗ nào mắt đoạn diệt, chỗ ấy sắc tưởng được ly tham, các xứ cần phải được hiểu … Chỗ nào ý đoạn diệt, chỗ ấy các pháp tưởng được ly tham, các xứ cần phải được hiểu’. Các xứ cần phải hiểu như vậy’, nhưng ý nghĩa không được phân tích một cách rộng rãi, ai có thể phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi?”.
Bạch Thế Tôn, chúng con suy nghĩ như sau: “Tôn giả Ānanda được bậc Ðạo Sư tán thán và được các bậc đồng Phạm hạnh có trí kính trọng. Với lời Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt này, nhưng không được phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi, Tôn giả Ānanda có thể phân tích ý nghĩa một cách rộng rãi. Vậy chúng ta hãy đi đến Tôn giả Ānanda; sau khi đến, hãy hỏi Tôn giả Ānanda về ý nghĩa này”.
Rồi bạch Thế Tôn, chúng con đi đến Tôn giả Ānanda; sau khi đến, chúng con hỏi Tôn giả Ānanda về ý nghĩa này. Bạch Thế Tôn, Tôn giả Ānanda với những lý do này, với những câu này, với những chữ này, đã phân tích ý nghĩa.
—Hiền trí, này các Tỷ-kheo, là Ānanda! Ðại tuệ, này các Tỷ-kheo, là Ānanda! Này các Tỷ-kheo, nếu các Ông hỏi Ta về ý nghĩa này, Ta cũng sẽ trả lời như vậy, như Ānanda đã trả lời. Ðây là ý nghĩa của lời nói ấy, hãy như vậy thọ trì.
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada