…
—Ái nhiễm, này các Tỷ-kheo, là bệnh tật, ái nhiễm là mụt nhọt, ái nhiễm là mũi tên. Do vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai sống không ái nhiễm, không bị mũi tên bắn.
Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu có mong ước, hãy mong ước không ái nhiễm, không bị mũi tên bắn.
Chớ có nghĩ đến mắt, chớ có nghĩ đến trong mắt, chớ có nghĩ đến từ mắt, chớ có nghĩ đến: “Mắt là của ta”. Chớ có nghĩ đến các sắc, chớ có nghĩ đến trong các sắc, chớ có nghĩ đến từ các sắc, chớ có nghĩ đến: “Các sắc là của ta”. Chớ có nghĩ đến nhãn thức … Chớ có nghĩ đến nhãn xúc … Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; chớ có nghĩ đến cảm thọ ấy, chớ có nghĩ đến trong cảm thọ ấy, chớ có nghĩ đến từ cảm thọ ấy, chớ có nghĩ đến: “Cảm thọ ấy là của ta”. Này các Tỷ-kheo, nghĩ đến cái gì, nghĩ đến trong cái gì, nghĩ đến từ cái gì, nghĩ đến: “Cái gì là của ta”, từ đấy cái ấy đổi khác. Vì rằng bị đổi khác, vì chấp trước tái sanh (Bhavasatto), nên thế giới hoan hỷ tái sanh … tai … mũi …
… lưỡi … thân …
Chớ có nghĩ đến ý, chớ có nghĩ đến trong ý, chớ có nghĩ đến từ ý, chớ có nghĩ đến: “Ý là của ta”. Chớ có nghĩ đến các pháp, chớ có nghĩ đến trong các pháp, chớ có nghĩ đến từ các pháp, chớ có nghĩ đến: “Các pháp là của ta”. Chớ có nghĩ đến ý thức, chớ có nghĩ đến trong ý thức, chớ có nghĩ đến từ ý thức, chớ có nghĩ đến: “Ý thức là của ta”. Chớ có nghĩ đến ý xúc, chớ có nghĩ đến trong ý xúc, chớ có nghĩ đến từ ý xúc, chớ có nghĩ đến: “Ý xúc là của ta”. Do duyên ý xúc, khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; chớ có nghĩ đến cảm thọ ấy, chớ có nghĩ đến trong cảm thọ ấy, chớ có nghĩ đến từ cảm thọ ấy, chớ có nghĩ đến: “Cảm thọ ấy là của ta”. Này các Tỷ-kheo, nghĩ đến cái gì, nghĩ đến trong cái gì, nghĩ đến từ cái gì, nghĩ đến: “Cái gì là của ta”, từ đấy cái ấy đổi khác. Vì rằng bị đổi khác, vì chấp trước tái sanh, nên thế giới hoan hỷ tái sanh.
Này các Tỷ-kheo, cho đến uẩn, giới, xứ … chớ có nghĩ đến cái ấy, chớ có nghĩ đến trong cái ấy, chớ có nghĩ đến từ cái ấy, chớ có nghĩ đến: “Cái ấy là của ta”. Vị ấy không nghĩ đến như vậy nên không chấp thủ một cái gì trong đời. Do không chấp thủ nên không có dao động. Do không có dao động, vị ấy tự mình tịch tịnh một cách hoàn toàn. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.
iv: phẩm channa
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada