(I) (111) Kesi

1. Rồi Kesi, người đánh xe điều phục ngựa đi đến Thế tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế tôn nói với Kesi, người đánh xe điều phục ngựa đang ngồi một bên:

2. - Này Kesi, Ông là người đánh xe điều phục ngựa, có chế ngự. Và này Kesi, Ông nhiếp phục ngựa như thế nào?

- Bạch Thế tôn, con nhiếp phục ngựa đáng được điều phục với lời nói mềm mỏng; con nhiếp phục ngựa đáng được điều phục với lời thô ác; con nhiếp phục ngựa đáng được điều phục với lời nói mềm mỏng và thô ác.

- Này Kesi, nếu con ngựa đáng được điều phục không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng, không chịu nhiếp phục với lời nói thô ác, không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng và thô ác, thời Ông làm gì với con ngựa ấy?

- Bạch Thế tôn, nếu con ngựa đáng được điều phục không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng, không chịu nhiếp phục với lời nói thô ác, không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng và thô ác của con, thời bạch Thế tôn, con giết nó. Vì sao? Vì mong rằng nó không làm mất danh dự cho gia đình thầy của con! Nhưng bạch Thế tôn, Thế tôn là bậc Vô thượng, đánh xe điều ngự những ai đáng được điều ngự, như thế nào Thế tôn nhiếp phục những ai đáng được điều phục?

3 - Này Kesi, Ta nhiếp phục người đáng được nhiếp phục với lời nói mềm mỏng, Ta nhiếp phục với lời nói cứng rắn, Ta nhiếp phục với lời nói vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn.

Tại đây, này Kesi, đây là với lời nói mềm mỏng: Ðây là thân làm thiện, đây là quả báo thân làm thiện. Ðây là lời nói thiện, đây là quả báo lời nói thiện. Ðây là ý nghĩ thiện, đây là quả báo ý nghĩ thiện, Ðây là chư Thiên. Ðây là loài Người.

Tại đây, này Kesi, đây là với lời nói cứng rắn: Ðây là thân làm ác, đây là quả báo thân làm ác. Ðây là lời nói ác, đây là quả báo lời nói ác. Ðây là ý nghĩ ác, đây là quả báo ý nghĩ ác. Ðây là địa ngục. Ðây là loài bàng sanh. Ðây là loại ngạ quỷ.

Tại đây, này Kesi, đây là lời nói vừa mềm mỏng vừa cứng rắn: Ðây là thân làm thiện, đây là quả báo thân làm thiện. Ðây là thân làm ác, đây là quả báo thân làm ác. Ðây là lời nói thiện, đây là quả báo lời nói thiện. Ðây là lời nói ác, đây là quả báo lời nói ác. Ðây là ý nghĩ thiện, đây là quả báo ý nghĩ thiện. Ðây là ý nghĩ ác, đây là quả báo ý nghĩ ác. Ðây là chư Thiên. Ðây là loài Người. Ðây là địa ngục. Ðây là loài bàng sanh. Ðây là ngạ quỷ.

- Bạch Thế tôn, nếu người đáng được điều phục không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng của Thế tôn, không chịu nhiếp phục với lời nói cứng rắn, không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng và cứng rắn, thời Thế tôn làm gì với người ấy?

- Này Kesi, nếu người đáng được điều phục không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng của Ta, không chịu nhiếp phục với lời nói cứng rắn, không chịu nhiếp phục với lời nói vừa mềm mỏng vừa cứng rắn, này Kesi, thời Ta giết hại người ấy!

4. - Nhưng bạch Thế tôn, sát sanh không xứng đáng với Thế tôn. Tuy vậy, Thế tôn nói: "Này Kesi, Ta giết hại người ấy".

- Thấy vậy, này Kesi, sát sanh không xứng đáng với Như Lai. Nhưng người đáng được điều phục ấy không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng, không chịu nhiếp phục với lời nói cứng rắn, không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng và cứng rắn, Như Lai nghĩ rằng người ấy không xứng đáng để được nói đến, để được giáo giới. Và các vị đồng Phạm hạnh có trí nghĩ rằng người ấy không xứng đáng để được nói đến, để được giáo giới. Bị giết hại, này Kesi là con người này, trong giới luật của bậc Thánh, bị Như Lai nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới, bị các vị đồng Phạm hạnh có trí nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới.

- Bạch Thế tôn, người ấy bị bậc Thiện Thệ giết hại là người nào bị Như Lai nghĩ rằng không xứng đáng được nói đến, không xứng đáng được giáo giới, bị các vị đồng Phạm hạnh có trí nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới. Thật vi diệu thay, bạch Thế tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế tôn! ... bắt đầu từ nay, mong Thế tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

(II) (112) Tốc Ðộ

1. - Thành tựu với bốn chi phần, này các Tỷ-kheo, một con ngựa thuần thục hiền thiện của vua, xứng đáng cho nhà vua, là vật sở hữu của vua, được xem là biểu tượng của vua. Thế nào là bốn? Với trực tánh, với tốc độ, với nhẫn nhục, với thiện ngôn.

Thành tựu với bốn chi phần này, này các Tỷ-kheo, một con ngựa thuần thục, hiền thiện của vua, xứng đáng cho nhà vua, là vật sở hữu của vua, được xem là biểu tượng của vua.

2. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu với bốn pháp, Tỷ-kheo xứng đáng được cung kính, xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là với bốn? Với trực tánh, với tốc độ, với kham nhẫn, với thiện ngôn.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo xứng đáng được cung kính, xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng được chắp tay, xứng đáng được cúng dường, là ruộng phước vô thượng ở đời.

(III) (113) Gậy Thúc Ngựa

1. - Có bốn loài ngựa hiền thiện thuần thục này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có loài ngựa hiền thiện thuần thục, thấy bóng cây gậy thúc ngựa liền bị dao động, kích thích nghĩ rằng: "Hôm nay, người đánh xe điều ngự ngựa sẽ bảo ta làm gì, và ta đáp ứng thế nào?" Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây là loại ngựa hiền thiện thuần thục. Này các Tỷ-kheo, đây là loại ngựa hiền thiện thuần thục thứ nhất, có mặt, hiện hữu ở đời.

2. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có loài ngựa hiền thiện thuần thục, thấy bóng cây gậy thúc ngựa, không bị dao động, kích thích. Nhưng khi bị gậy thúc ngựa đâm vào lông, nó liền bị dao động, kích thích, nghĩ rằng: "Hôm nay, người đánh xe điều ngự ngựa sẽ bảo ta làm gì, và ta đáp ứng thế nào?" Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây là loài ngựa hiền thiện thuần thục. Này các Tỷ-kheo, đây là loài ngựa hiền thiện thuần thục thứ hai, có mặt, hiện hữu ở đời.

3. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có loài ngựa hiền thiện thuần thục, thấy bóng cây gậy thúc ngựa, không bị dao động, kích thích. Khi bị gậy thúc ngựa đâm vào lông, nó không bị dao động, kích thích. Nhưng khi bị cây gậy thúc ngựa đâm vào thịt, liền bị dao động, kích thích, nghĩ rằng: "Hôm nay, người đánh xe điều ngự ngựa sẽ bảo ta làm gì và ta đáp ứng thế nào?" Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây là loài ngựa hiền thiện, thuần thục. Này các Tỷ-kheo, đây là loài ngựa hiền thiện thuần thục thứ ba, có mặt, hiện hữu ở đời.

4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có loài ngựa hiền thiện thuần thục, thấy bóng cây gậy thúc ngựa, không bị dao động, kích thích; bị cây gậy thúc ngựa đâm vào lông, không bị dao động, kích thích; bị cây gậy thúc ngựa đâm vào thịt, không bị dao động, kích thích; bị cây gậy thúc ngựa đâm vào xương, bị dao động, kích thích, nghĩ rằng: "Hôm nay, người đánh xe điều ngự ngựa sẽ bảo ta làm gì và ta đáp ứng thế nào?" Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây là loài ngựa hiền thiện, thuần thục. Này các Tỷ-kheo, đây là loài ngựa hiền thiện, thuần thục thứ tư, có mặt, hiện hữu ở đời.

Này các Tỷ-kheo, có bốn loài ngựa hiền thiện, thuần thục, có mặt, hiện hữu ở đời.

5. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người hiền thiện, thuần thục này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người hiền thiện, thuần thục nghe tại một làng hay thị trấn kia, có người đàn bà hay người đàn ông bị khổ đau hay bị mạng chung; người ấy do vậy bị dao động, kích thích. Bị kích thích, vị ấy như lý tinh cần. Do tinh cần, với thân, vị ấy chứng ngộ được tối thắng sự thật; với trí tuệ, vị ấy sau khi thể nhập, thấy được sự thật ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, con ngựa hiền thiện, thuần thục ấy, thấy bóng cây gậy thúc ngựa, bị dao động kích thích, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, con người hiền thiện thuần thục này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người hiền thiện. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người hiền thiện thuần thục thứ nhất có mặt, hiện hữu ở đời.

6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người hiền thiện, thuần thục không có nghe tại một làng hay thị trấn kia, có người đàn bà hay người đàn ông bị đau khổ hay bị mệnh chung, nhưng khi tự mình thấy người đàn bà hay người đàn ông khổ đau hay mệnh chung, người ấy do vậy bị dao động, kích thích. Bị kích thích, vị ấy như lý tinh cần. Do tinh cần, với thân, vị ấy chứng ngộ được sự thật tối thắng; với trí tuệ, vị ấy sau khi thể nhập, thấy được sự thật ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, con ngựa hiền thiện thuần thục ấy, khi bị cây gậy thúc ngựa đâm vào da, bị dao động, kích thích, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, con người hiền thiện thuần thục này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người hiền thiện. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người hiền thiện thuần thục thứ hai có mặt, hiện hữu ở đời.

7. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người hiền thiện, thuần thục không có nghe tại một làng hay thị trấn kia, có người đàn bà hay người đàn ông bị khổ đau hay bị mệnh chung, không có tự mình thấy người đàn bà hay người đàn ông khổ đau hay mệnh chung. Nhưng, khi có một người bà con hay người đồng một huyết thống khổ đau hay bị mệnh chung, người ấy do vậy bị dao động, kích thích. Bị kích thích, vị ấy như lý tinh cần. Do tinh cần, với thân vị ấy chứng ngộ được sự thật tối thắng; với trí tuệ, vị ấy sau khi thể nhập, thấy được sự thật ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, con ngựa hiền thiện thuần thục ấy, khi bị cây gậy thúc ngựa đâm vào thịt, bị dao động, kích thích, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, con người hiền thiện thuần thục này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người hiền thiện. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người hiền thiện thuần thục thứ ba có mặt, hiện hữu ở đời.

8. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người hiền thiện thuần thục không có nghe tại một làng hay thị trấn kia, có người đàn bà hay người đàn ông bị khổ đau hay mệnh chung, không có tự mình thấy người đàn bà hay người đàn ông khổ đau hay bị mệnh chung, không có người bà con hay người đồng một huyết thống khổ đau hay bị mệnh chung. Nhưng khi tự mình cảm xúc những cảm thọ về thân khổ đau, nhói đau, chói đau, mãnh liệt, kịch liệt, không phải khả hỷ, không khả ý, đoạt mạng sống, vị ấy bị dao động, kích thích. Bị kích thích, vị ấy như lý tinh cần. Do tinh cần, với thân, vị ấy chứng ngộ được sự thật tối thắng; với trí tuệ, vị ấy sau khi thể nhập, thấy được sự thật ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, con ngựa hiền thiện thuần thục ấy, khi bị cây gậy thúc ngựa đâm vào xương mới bị dao động, kích thích, Ta nói rằng, này các Tỷ-kheo, con người hiền thiện thuần thục này giống như ví dụ ấy. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây có hạng người hiền thiện thuần thục. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người hiền thiện thuần thục thứ tư có mặt, hiện hữu ở đời.

Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người hiền thiện thuần thục này có mặt, hiện hữu ở đời.

(IV) (114) Con Voi

1. - Thành tựu bốn chi phần này, này các Tỷ-kheo, con voi của vua xứng đáng cho vua, là tài sản của Vua, được xem là biểu tượng của vua. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua biết nghe, biết sát hại, biết nhẫn, biết đi đến.

2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con voi của vua biết nghe?

đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua, khi người nài sai làm một công tác, hoặc đã làm từ trước hay chưa làm từ trước, sau khi nhiệt tâm tác ý, hoàn toàn chú tâm lóng tai và lắng nghe. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là con voi của vua biết nghe.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con voi của vua biết sát hại?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua sau khi đi đến chiến trận, giết voi, giết người cưỡi voi, giết ngựa, giết người cưỡi ngựa, giết hại xe, giết hại người cưỡi xe, giết các bộ binh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là con voi của vua biết sát hại.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con voi của vua biết kham nhẫn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua sau khi đi đến chiến trường, chịu đựng cây giáo đâm, chịu đựng kiếm chém, chịu đựng tên bắn, chịu đựng búa chặt, chịu đựng tiếng trống lớn, tiếng thanh la, tiếng tù và, tiếng trống nhỏ và các tiếng ồn ào khác. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là con voi của vua biết kham nhẫn.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con voi của vua biết đi đến?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, con voi của vua, khi người nài sai đi đến hướng nào, hoặc trước kia đã có đi hay trước kia không có đi, liền đi đến chỗ ấy một cách mau mắn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là con voi của vua biết đi đến.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, là con voi của vua xứng đáng là của vua, là tài sản của vua, đi đến làm biểu tượng của vua.

6. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu với bốn pháp, Tỷ-kheo xứng đáng được cung kính, xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng được chắp tay, xứng đáng được cúng dường, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là bốn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết nghe, biết sát hại, biết kham nhẫn, biết đi đến.

7. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo biết nghe?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, sau khi nhiệt tâm tác ý hoàn toàn, chú tâm và lắng nghe. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo biết nghe.

8. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo biết sát hại?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có chấp nhận dục tầm đã khởi lên, từ bỏ, gạn lọc, chấm dứt, làm cho không hiện hữu, không có chấp nhận sân tầm đã khởi lên ... không có chấp nhận hại tầm đã khởi lên, từ bỏ, gạn lọc, chấm dứt, làm cho không hiện hữu. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo biết sát hại.

9. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo biết kham nhẫn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo kham nhẫn lạnh, kham nhẫn nóng, kham nhẫn đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát, kham nhẫn những cách nói chửi mắng, phỉ báng, chịu đựng các cảm thọ về thân, khổ đau, nhói đau, mãnh liệt, không khả hỷ, không khả ý, chết điếng người. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo biết kham nhẫn.

10. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo biết đi?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo theo phương hướng nào từ trước chưa từng đi, tại đấy, mọi hành được chỉ tịnh, mọi sanh y được từ bỏ, ái được đoạn diệt. Niết-bàn, vị ấy đi đến chỗ ấy một cách mau chóng. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo biết đi.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo xứng đáng được cung kính, xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng được chắp tay, xứng đáng được cúng dường, là ruộng phước vô thượng ở đời.

(V) (115) Các Trường Hợp

- Này các Tỷ-kheo, có bốn trường hợp này. Thế nào là bốn?

Có trường hợp, này các Tỷ-kheo, làm không thích ý, đưa đến không lợi ích cho người làm. Có trường hợp, này các Tỷ-kheo, làm không thích ý, đưa đến lợi ích cho người làm. Có trường hợp, này các Tỷ-kheo, làm được thích ý, không đưa đến lợi ích cho người làm. Có trường hợp, này các Tỷ-kheo, làm được thích ý, đưa đến lợi ích cho người làm.

2. Tại đây, này các Tỷ-kheo, trường hợp này làm không thích ý; không đem lại lợi ích cho người làm; trong trường hợp này, này các Tỷ-kheo, nghĩ rằng về cả hai phương diện không nên làm. Trường hợp này làm không thích ý, đây là trường hợp nghĩ rằng không nên làm. Trường hợp làm không đem lại lợi ích cho người làm, đây là trường hợp nghĩ rằng không nên làm. Ðây là trường hợp, này các Tỷ-kheo, nghĩ rằng về cả hai phương diện không nên làm.

3. Tại đây, này các Tỷ-kheo, trường hợp này làm không thích ý, nhưng đem lại lợi ích cho người làm; trong trường hợp này, này các Tỷ-kheo, người ta có thể biết kẻ ngu, bậc trí, về sức kiên trì của con người, tinh tấn của con người, nỗ lực của con người. Và này các Tỷ-kheo, người ngu không suy xét rằng: "Dầu trường hợp này không thích ý, nhưng trường hợp này đem lại lợi ích cho người làm". Người ấy không làm trường hợp này. Do không làm trường hợp này, nên không đưa lại lợi ích cho người ấy. Còn người trí, này các Tỷ-kheo, suy xét rằng: "Dầu trường hợp này làm không được thích ý, nhưng trường hợp này đem lại lợi ích cho người làm". Người ấy làm trường hợp này. Do làm trường hợp này, nên đem lại lợi ích cho người ấy.

4. Tại đây, này các Tỷ-kheo, trường hợp này làm được thích ý, nhưng không đem lại lợi ích cho người làm; trong trường hợp này, này các Tỷ-kheo, người ta có thể biết kẻ ngu, bậc trí, về sức kiên trì của con người, tinh tấn của con người, nỗ lực của con người. Này các Tỷ-kheo, người ngu không suy xét rằng: "Dầu trường hợp này, làm được thích ý, nhưng trường hợp này không đem lại lợi ích cho người làm". Người ấy làm trường hợp này không đem lại lợi ích cho người làm. Người ấy làm trường hợp này, và trường hợp này không đem lại lợi ích cho người ấy. Còn người trí, này các Tỷ-kheo, suy xét như sau: "Dầu trường hợp này làm được thích ý, nhưng không đem lại lợi ích cho người làm". Vị ấy không làm trường hợp này, do không làm trường hợp này, nên đem lại lợi ích cho người ấy.

5. Tại đây, này các Tỷ-kheo, trường hợp này làm được thích ý, và đem lại lợi ích cho người làm; trong trường hợp này, này các Tỷ-kheo, nghĩ rằng về cả hai phương diện đều nên làm. Trường hợp này, làm được thích ý, đây là trường hợp nghĩ rằng cần phải làm. Trường hợp này đem lại lợi ích cho người làm, đây là trường hợp nghĩ rằng cần phải làm. Trường hợp này, này các Tỷ-kheo, nghĩ rằng về cả hai phương diện đều phải làm.

Này các Tỷ-kheo, có bốn trường hợp này.

(VI) (116) Không Phóng Dật

1. - Trong bốn trường hợp, này các Tỷ-kheo, cần phải không phóng dật. Thế nào là bốn?

Hãy từ bỏ thân làm ác, này các Tỷ-kheo, hãy tu tập thân làm lành, và ở đây chớ có phóng dật. Hãy từ bỏ lời nói ác, này các Tỷ-kheo, hãy tu tập lời nói lành, và ở đây chớ có phóng dật. Hãy từ bỏ ý nghĩ ác, này các Tỷ-kheo, hãy tu tập ý nghĩ lành, và ở đây chớ có phóng dật. Hãy từ bỏ tà kiến, này các Tỷ-kheo, hãy tu tập chánh kiến, và ở đây chớ có phóng dật.

2. Khi nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã từ bỏ thân làm ác, tu tập thân làm lành ... (như trên) ... đã từ bỏ tà kiến, đã tu tập chánh kiến, vị ấy không sợ hãi về đời sau, về chết.

(VII) (117) Hộ Trì

1. - Trong bốn trường hợp, này các Tỷ-kheo, không phóng dật, niệm và tâm hộ trì cần phải làm do tự mình. Thế nào là bốn?

Với ý nghĩ: "Mong rằng đối với các pháp khiến cho tham đắm, tâm ta chớ có tham đắm!", không phóng dật, niệm và tâm hộ trì cần phải làm do tự mình. Với ý nghĩ: "Mong rằng đối với các pháp khiến cho sân hận, tâm ta chớ có sân hận!", không phóng dật, niệm ... do tự mình. Với ý nghĩ: "Mong rằng đối với các pháp khiến cho si mê, tâm ta chớ có si mê!", không phóng dật, niệm ... do tự mình. Với ý nghĩ: "Mong rằng đối với các pháp khiến cho say đắm, tâm ta chớ có say đắm!", không phóng dật, niệm và tâm hộ trì cần phải làm do tự mình.

2. Khi nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các pháp khiến cho tham đắm, tâm không tham đắm, tự ngã được ly tham; đối với các pháp khiến cho sân hận, tâm không sân hận, tự ngã được ly sân; đối với các pháp khiến cho si mê, tâm không si mê, tự ngã được ly si; đối với các pháp khiến cho say đắm, tâm không say đắm, tự ngã được ly đắm say; thời vị ấy không có sợ hãi, không có dao động, không có hốt hoảng, không rơi vào hoảng sợ, không có đi do nhân các Sa-môn có nói gì.

(VIII) (118) Xúc Ðộng

1. - Có bốn trú xứ, này các Tỷ-kheo, khi một tín nam thấy cần phải xúc động mãnh liệt. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai sanh. Ðây là trú xứ khi một tín nam thấy, cần phải xúc động mãnh liệt. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai đã giác ngộ Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác. Ðây là trú xứ khi một tín nam thấy, cần phải xúc động mãnh liệt. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai chuyển pháp luân vô thượng. Ðây là trú xứ khi một tín nam thấy, cần phải xúc động mãnh liệt. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai đã nhập Niết-bàn giới, không có dư. Ðây là trú xứ khi một tín nam thấy, cần phải xúc động mãnh liệt.

Có bốn trú xứ, này các Tỷ-kheo, khi một tín nam thấy cần phải xúc động mãnh liệt.

(IX) (119) Sợ Hãi (1)

- Này các Tỷ-kheo, có bốn sự sợ hãi này. Thế nào là bốn? Sợ hãi về sanh, sợ hãi về già, sợ hãi về bệnh, sợ hãi về chết.

- Này các Tỷ-kheo, có bốn sự sợ hãi này.

(X) (120) Sợ Hãi (2)

- Này các Tỷ-kheo, có bốn sự sợ hãi này. Thế nào là bốn? Sợ hãi về lửa, sợ hãi về nước, sợ hãi về vua, sợ hãi về ăn trộm.

- Này các Tỷ-kheo, có bốn sự sợ hãi này.



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada