—Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết con đường thích hợp đưa đến nhổ lên tất cả tư lường.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường thích hợp đưa đến nhổ lên tất cả tư lường?

Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, mắt là thường hay vô thường?

—Là vô thường, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

—Là khổ, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu quán: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Các sắc … Nhãn thức … Nhãn xúc là thường hay vô thường?

—Là vô thường, bạch Thế Tôn.

—Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là thường hay vô thường?

—Là vô thường, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

—Là khổ, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy: “Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi”?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—… Tai … Các tiếng … Nhĩ thức … Nhĩ xúc …

… Mũi … Các hương … Tỷ thức … Tỷ xúc …

… Thiệt … Các vị … Thiệt thức … Thiệt xúc …

… Thân … Các xúc … Thân thức … Thân xúc …

Ý là thường hay vô thường?

—Là vô thường, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

—Là khổ, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt, nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với nhãn thức, nhàm chán đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; vị ấy nhàm chán đối với cảm thọ ấy … đối với tai … đối với mũi … đối với với lưỡi … đối với thân … nhàm chán đối với ý, nhàm chán đối với các pháp, nhàm chán đối với ý thức, nhàm chán đối với ý xúc. Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; vị ấy nhàm chán đối với cảm thọ ấy. Do nhàm chán nên vị ấy ly tham. Do ly tham nên vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết rằng: “Ta đã giải thoát”. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, nay không còn trở lui trạng thái này nữa”.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, là con đường thích hợp đưa đến nhổ lên tất cả tư lường.



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada