Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn ở Sāvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), tại tinh xá ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc).

Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”, “Thưa vâng, bạch Thế Tôn”. Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng Ðại Kinh Sáu Xứ. Hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.

—Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn giảng như sau

—Này các Tỷ-kheo, không biết, không thấy như chơn mắt; không biết, không thấy như chơn các sắc; không biết, không thấy như chơn nhãn thức; không biết, không thấy như chơn nhãn xúc; do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ; không biết, không thấy như chơn cảm thọ ấy, vị ấy ái trước đối với mắt, ái trước đối với các sắc, ái trước đối với nhãn thức, ái trước đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, vị ấy ái trước đối với cảm thọ ấy.

Khi vị ấy trú, quán sát vị ngọt, bị ái trước, hệ lụy và tham đắm, nên năm thủ uẩn đi đến tích trữ trong tương lai. Và ái của vị ấy đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm sự hoan lạc chỗ này, chỗ kia; ái ấy được tăng trưởng; những thân ưu não tăng trưởng; những tâm ưu não tăng trưởng; những thân nhiệt não tăng trưởng; những tâm khổ não tăng trưởng. Vị ấy cảm thọ thân khổ và tâm khổ.

Này các Tỷ-kheo, không thấy và không biết như chơn tai…; này các Tỷ-kheo, không thấy và không biết như chơn mũi…; này các Tỷ-kheo, không thấy và không biết như chơn lưỡi…; này các Tỷ-kheo, không thấy và không biết như chơn thân…; này các Tỷ-kheo, không thấy và không biết như chơn ý; này các Tỷ-kheo, không thấy và không biết như chơn các pháp; này các Tỷ-kheo, không thấy và không biết như chơn ý thức; này các Tỷ-kheo, không thấy và không biết như chơn ý xúc. Do duyên ý xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ; không thấy và không biết như chơn cảm thọ ấy, vị ấy ái trước đối với ý, ái trước đối với pháp, ái trước đối với ý thức, ái trước đối với ý xúc. Do duyên ý xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ, … vị ấy cảm thọ thân khổ và tâm khổ.

Này các Tỷ-kheo, thấy và biết như chơn mắt, thấy và biết như chơn các sắc, thấy và biết như chơn nhãn thức, thấy và biết như chơn nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, thấy và biết như chơn cảm thọ ấy; vị ấy không ái trước đối với con mắt, không ái trước đối với các sắc, không ái trước đối với nhãn thức, không ái trước đối với nhãn xúc. Do duyên nhãn xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; vị ấy không ái trước đối với cảm thọ ấy.

Khi vị ấy trú, quán sát vị ngọt, không bị ái trước, hệ lụy và tham đắm, nên năm thủ uẩn đi đến tàn diệt trong tương lai. Và ái của vị ấy, đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm sự hoan lạc chỗ này chỗ kia; ái ấy được đoạn tận; những thân ưu não của vị ấy được đoạn tận; những tâm ưu não được đoạn tận; những thân nhiệt não được đoạn tận; những tâm nhiệt não được đoạn tận; những thân khổ não được đoạn tận; những tâm khổ não được đoạn tận; vị ấy cảm thọ thân lạc và tâm lạc.

Kiến gì như chơn của vị ấy, kiến ấy là chánh kiến. Tư duy gì như chơn của vị ấy, tư duy ấy là chánh tư duy. Tinh tấn gì như chơn của vị ấy, tinh tấn ấy là chánh tinh tấn. Niệm gì như chơn của vị ấy, niệm ấy là chánh niệm. Ðịnh gì như chơn của vị ấy, định ấy là chánh định. Thân nghiệp, ngữ nghiệp, sinh mạng của vị ấy được thanh tịnh tốt đẹp. Và Thánh đạo Tám ngành này đi đến tu tập và phát triển sung mãn cho vị ấy. Do sự tu tập Thánh đạo Tám ngành này như vậy, bốn niệm xứ đi đến tu tập và phát triển sung mãn; bốn chánh tinh tấn cũng đi đến tu tập và phát triển sung mãn; bốn như ý túc cũng đi đến tu tập và phát triển sung mãn; năm căn cũng đi đến tu tập và phát triển sung mãn; năm lực cũng đi đến tu tập và phát triển sung mãn; bảy giác chi cũng đi đến tu tập và phát triển sung mãn. Và nơi vị ấy, hai pháp này được chuyển vận song hành: Chỉ và Quán. Với thượng trí, vị ấy liễu tri những pháp cần phải liễu tri với thượng trí. Với thượng trí, vị ấy đoạn tận những pháp cần phải đoạn tận với thượng trí. Với thượng trí vị ấy, tu tập những pháp cần phải tu tập với thượng trí. Với thượng trí, vị ấy chứng ngộ những pháp cần phải chứng ngộ với thượng trí.

này các Tỷ-kheo, thế nào là những pháp cần phải liễu tri với thượng trí? Cần phải trả lời là năm thủ uẩn, tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Những pháp này là những pháp cần phải liễu tri với thượng trí.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp cần phải đoạn tận với thượng trí? Vô minh và hữu ái, những pháp này cần phải đoạn tận với thượng trí.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp cần phải tu tập với thượng trí? Chỉ và Quán, những pháp này cần phải tu tập với thượng trí.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những pháp cần phải chứng ngộ với thượng trí? Minh và giải thoát, những pháp này cần phải chứng ngộ với thượng trí.

Này các Tỷ-kheo, thấy và biết như chơn tai…; này các Tỷ-kheo, thấy và biết như chơn mũi…; này các Tỷ-kheo, thấy và biết như chơn lưỡi…; này các Tỷ-kheo, thấy và biết như chơn thân…; này các Tỷ-kheo, thấy và biết như chơn ý; này các Tỷ-kheo, thấy và biết như chơn các pháp; này các Tỷ-kheo, thấy và biết như chơn ý thức; này các Tỷ-kheo, thấy và biết như chơn ý xúc. Do duyên ý xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ; thấy và biết như chơn cảm thọ ấy, nên vị ấy không ái trước đối với ý, không ái trước đối với các pháp, không ái trước đối với ý thức, không ái trước đối với ý xúc. Do duyên ý xúc này khởi lên lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; vị ấy không ái trước đối với cảm thọ ấy … tâm khổ não được đoạn tận. Vị ấy cảm thọ thân lạc và tâm lạc. Kiến gì như chơn của vị ấy, kiến ấy là chánh kiến. Tư duy gì như chơn của vị ấy … hoạt mạng của vị ấy đi đến thanh tịnh tốt đẹp. Và Thánh đạo Tám ngành này đi đến tu tập và phát triển sung mãn cho vị ấy. Do sự tu tập Thánh đạo Tám ngành này như vậy … Và này các Tỷ-kheo, thế nào là những pháp cần phải chứng ngộ với thượng trí? Minh và giải thoát, những pháp này cần phải chứng ngộ với thượng trí.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada