Nhân duyên ở Sāvatthi …

Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:

—Do có cái gì, này các Tỷ-kheo, do chấp thủ cái gì, do thiên chấp cái gì, (tà) kiến này khởi lên: “Gió không thổi, sông không chảy, đàn bà mang thai không sanh, mặt trăng, mặt trời không mọc hay không lặn. Tất cả đều đứng vững như cột trụ”?

—Ðối với chúng con, bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm lãnh đạo, lấy Thế Tôn làm chỗ nương tựa. Lành thay, bạch Thế Tôn! Thế Tôn hãy nói cho chúng con ý nghĩa của lời dạy ấy. Sau khi nghe lời dạy của Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.

—Vậy này các Tỷ-kheo, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.

—Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

—Do có sắc, này các Tỷ-kheo, do chấp thủ sắc, do thiên chấp sắc, (tà) kiến này khởi lên: “Gió không thổi, sông không chảy, đàn bà có thai không sanh, mặt trăng, mặt trời không mọc hay không lặn. Tất cả đều đứng vững như cột trụ”.

Do có thọ … có tưởng … có các hành …

Do có thức, này các Tỷ-kheo, do chấp thủ thức, do thiên chấp thức, (tà) kiến này khởi lên: “Gió không thổi … Tất cả đều đứng vững như cột trụ”.

Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô thường?

—Là vô thường, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

—Là khổ, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái ấy, thời có thể khởi lên (tà) kiến: “Gió không thổi … Tất cả đều đứng vững như cột trụ”?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Thọ … Tưởng … Các hành …

… Thức là thường hay vô thường?

—Là vô thường, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường, là khổ hay lạc?

—Là khổ, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái ấy, thời có thể khởi lên (tà) kiến: “Gió không thổi … Tất cả đều đứng vững như cột trụ”?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Cái gì được thấy, được nghe, được nghĩ đến, được biết, được đạt đến, được tìm cầu, được ý tư duy; cái ấy là thường hay vô thường?

—Là vô thường, bạch Thế Tôn?

—Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

—Là khổ, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái ấy, thời có thể khởi lên (tà) kiến: “Gió không thổi … Tất cả đều đứng vững như cột trụ”?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Khi nào vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, đối với sáu xứ này, nghi hoặc được đoạn trừ; đối với khổ, nghi hoặc được đoạn trừ; đối với khổ tập khởi, nghi hoặc được đoạn trừ; đối với khổ đoạn diệt, nghi hoặc được đoạn trừ; đối với con đường đưa đến khổ đoạn diệt, nghi hoặc được đoạn trừ; như vậy, này các Tỷ-kheo gọi là bậc Thánh đệ tử đã chứng được Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc hướng đến giác ngộ.



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada