Nhân duyên ở Sāvatthi …

—Vô thỉ, này các Tỷ-kheo, là sự luân hồi này. Ðiểm bắt đầu không thể nêu rõ đối với chúng sanh bị vô minh che đậy, bị khát ái trói buộc, phải lưu chuyển, luân hồi.

Ví như, này các Tỷ-kheo, có con chó bị dây thằng trói chặt vào một cây cột trụ vững chắc. Nếu nó có đi, nó chỉ đi tới cây cột hay cột trụ ấy. Nếu nó đứng, nó chỉ đứng gần cây cột hay cột trụ ấy. Nếu nó ngồi, nó chỉ ngồi gần cây cột hay cột trụ ấy. Nếu nó nằm, nó chỉ nằm gần cây cột hay cột trụ ấy.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu quán sắc: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”, quán thọ … quán tưởng … quán các hành … quán thức: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”. Nếu người ấy có đi, người ấy chỉ đi tới năm thủ uẩn này. Nếu người ấy đứng, người ấy chỉ đứng gần năm thủ uẩn này. Nếu người ấy ngồi, người ấy chỉ ngồi gần năm thủ uẩn này. Nếu người ấy nằm, người ấy chỉ nằm gần năm thủ uẩn này.

Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải luôn luôn quán sát tâm của mình như sau: “Trong một thời gian dài, tâm này bị tham, sân, si nhiễm ô. Do tâm nhiễm ô, này các Tỷ-kheo, chúng sanh bị nhiễm ô. Do tâm thanh tịnh, chúng sanh được thanh tịnh”.

Này các Tỷ-kheo, các Ông có thấy một bức họa gọi là danh họa không?

—Thưa có, bạch Thế Tôn.

—Này các Tỷ-kheo, bức danh họa ấy do tâm tư họa mà thành. Do vậy, này các Tỷ-kheo, tâm còn đa dạng hơn cả danh họa ấy.

Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải luôn luôn quán sát tâm của mình như sau: “Trong một thời gian dài, tâm này bị tham, sân, si làm nhiễm ô. Do tâm nhiễm ô, này các Tỷ-kheo, chúng sanh bị nhiễm ô. Do tâm thanh tịnh, chúng sanh được thanh tịnh”.

Này các Tỷ-kheo, Ta không quán thấy một bộ loại nào khác lại đa dạng như tâm. Như các hữu tình thuộc loại bàng sanh; các hữu tình thuộc loại bàng sanh ấy, này các Tỷ-kheo, do tâm tư duy (mà thành). Do vậy, này các Tỷ-kheo, tâm ấy lại đa dạng hơn các hữu tình thuộc loại bàng sanh ấy.

Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải luôn luôn quán sát tâm của mình như sau: “Trong một thời gian dài, tâm này bị tham, sân, si làm nhiễm ô. Do tâm nhiễm ô, này các Tỷ-kheo, chúng sanh bị nhiễm ô. Do tâm thanh tịnh, chúng sanh được thanh tịnh”.

Ví như, này các Tỷ-kheo, một người thợ nhuộm hay một họa sĩ, nếu người ấy có thuốc nhuộm, hay lạc, hay nghệ, hay màu xanh, hay màu đỏ tía, hay một tấm gỗ khéo bào, hay một bức tường, hay một tấm vải. Người ấy có thể vẽ hình người đàn bà hay hình người đàn ông với đầy đủ tất cả chi tiết. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, liên tục làm cho hiện hữu sắc … thọ … tưởng … các hành … liên tục làm cho hiện hữu thức.

Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, sắc là thường hay vô thường?

—Vô thường, bạch Thế Tôn.

—Thọ … tưởng … các hành … thức là thường hay vô thường?

—Vô thường, bạch Thế Tôn.

—Do vậy, này các Tỷ-kheo … Thấy vậy … ” … không còn trở lui trạng thái này nữa”. Vị ấy biết rõ như vậy.



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada