Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Vesālī, Ðại Lâm, tại Trùng Các giảng đường.

Lúc bấy giờ Tôn giả Anuràdha ở một cái chòi trong rừng, không xa Thế Tôn bao nhiêu.

Rồi nhiều ngoại đạo du sĩ đi đến Tôn giả Anuràdha; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Anuràdha những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi xuống một bên, các ngoại đạo du sĩ ấy nói với Tôn giả Anuràdha:

—Này Hiền giả Anuràdha, bậc Như Lai ấy là Tối thượng nhân, Tối thắng nhân, đã đạt được Tối thắng quả, bậc Như Lai ấy, được xem là đã tuyên bố theo bốn trường hợp: “Như Lai tồn tại sau khi chết; Như lai không tồn tại sau khi chết; Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết; Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”.

Ðược nói vậy, Tôn giả Anuràdha nói với các ngoại đạo du sĩ ấy:

—Này Chư Hiền, bậc Như Lai, Tối thượng nhân, Tối thắng nhân, bậc đã đạt được Tối thắng quả, bậc Như Lai ấy được xem là đã tuyên bố ra ngoài bốn trường hợp như sau: “Như Lai tồn tại sau khi chết; Như Lai không tồn tại sau khi chết; Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết; Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”.

Ðược nghe nói vậy, các ngoại đạo du sĩ nói với Tôn giả Anuràdha như sau:

—Hoặc là vị Tỷ-kheo này mới tu học, xuất gia không bao lâu. Hay vị này là vị Trưởng lão, nhưng ngu dốt không có học tập.

Rồi các ngoại đạo du sĩ ấy sau khi chỉ trích Tôn giả Anuràdha là mới tu học, là ngu si, liền từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

Rồi Tôn giả Anuràdha, sau khi các ngoại đạo du sĩ ấy ra đi không bao lâu, liền suy nghĩ như sau: “Nếu ngoại đạo du sĩ ấy hỏi ta thêm câu hỏi nữa, ta phải trả lời như thế nào để khi ta nói với các ngoại đạo du sĩ ấy, ta nói lên quan điểm của Thế Tôn, ta không xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật, ta có thể trả lời tùy pháp, thuận với Chánh pháp; và ai là người đồng pháp, nói lên lời thuận với quan điểm của Ngài, sẽ không tìm được lý do để quở trách”.

Rồi Tôn giả Anuràdha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi xuống một bên, Tôn giả Anuràdha bạch Thế Tôn:

—Ở đây, bạch Thế Tôn, con ở trong một cái chòi trong rừng không xa Thế Tôn bao nhiêu. Rồi bạch Thế Tôn, nhiều ngoại đạo du sĩ đi đến con; sau khi đến … nói với con như sau: “Này Hiền giả Anuràdha, bậc Như Lai ấy là Tối thượng nhân, Tối thắng nhân, đã đạt được Tối thắng quả, bậc Như Lai ấy được xem là đã tuyên bố theo bốn trường hợp: ‘Như Lai tồn tại sau khi chết … Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết’”.

Ðược nói vậy, bạch Thế Tôn, con nói với các ngoại đạo du sĩ ấy như sau: “Này chư Hiền.. không tồn tại sau khi chết”.

Ðược nghe nói vậy, các ngoại đạo du sĩ nói với con: “Hoặc là Tỷ-kheo này mới học … nhưng ngu dốt, không có học tập”.

Rồi các ngoại đạo du sĩ ấy sau khi chỉ trích con là mới tu học … liền từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

Rồi bạch Thế Tôn, sau khi các ngoại đạo du sĩ ấy ra đi không bao lâu, con liền suy nghĩ như sau: “Nếu các ngoại đạo du sĩ ấy hỏi ta thêm câu hỏi nữa, ta phải trả lời như thế nào để khi ta nói với các ngoại đạo du sĩ ấy, ta nói lên quan điểm của Thế Tôn. Ta không xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật, ta có thể trả lời với tùy pháp, thuận với Chánh pháp; và ai là người đồng pháp, nói lên lời thuận với quan điểm của Ngài, sẽ không tìm được lý do để quở trách”.

Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, sắc là thường hay vô thường?

—Là vô thường, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

—Là khổ, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: “Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi”?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Thọ … tưởng … các hành … thức là thường hay vô thường?

—Là vô thường, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

—Là khổ, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: “Cái này là của tôi. Cái này là tôi. Cái này là tự ngã của tôi”?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Do vậy … thấy vậy … ” … không còn trở lui trạng thái này nữa”. Vị ấy biết rõ như vậy.

Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, Ông có quán: “Sắc là Như Lai không?”

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

“—Thọ … tưởng … các hành … thức là Như Lai không?”

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, Ông có quán: “Như Lai ở trong sắc không?”

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Ông có quán: “Như Lai ở ngoài sắc không”?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Ông có quán: “Như lai ở trong thọ … ở ngoài thọ … ở trong tưởng … ở ngoài tưởng … ở trong các hành … ở ngoài các hành … ở trong thức không”?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Ông có quán: “Như Lai ở ngoài thức không”?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, Ông có quán: “Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là Như Lai không”?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Ông nghĩ thế nào, này Anuràdha, Ông có quán: “Cái phi sắc, phi thọ, phi tưởng, phi hành, phi thức là Như Lai không”?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Và ở đây, này Anuràdha, ngay trong hiện tại không tìm được một Như Lai thường còn, thường trú, thời có hợp lý chăng khi Ông trả lời: “Này chư Hiền, vị Như Lai nào là bậc Tối thượng nhân, Tối thắng nhân, đã đạt được quả Tối thắng, bậc Như Lai ấy được xem là đã tuyên bố ra ngoài bốn trường hợp như sau: ‘Như Lai tồn tại sau khi chết; Như Lai không tồn tại sau khi chết; Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết; Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết’ ”?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Lành thay, lành thay, này Anuràdha! Trước kia và nay, này Anuràdha, Ta chỉ tuyên bố khổ và đoạn diệt khổ.



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada