Một thời Tôn giả Sāriputta trú tại Sāvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anāthapiṇḍika.

Lúc bấy giờ, Tỷ kheo Yamaka khởi lên ác tà kiến sau đây: “Như ta hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đoạn tận, sẽ diệt tận, không còn gì nữa sau khi chết”.

Nhiều Tỷ-kheo nghe Tỷ-kheo Yamaka khởi lên ác tà kiến sau đây: “Như ta hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đoạn tận, sẽ diệt tận, không còn gì nữa sau khi chết”.

Rồi các Tỷ-kheo ấy đi đến Tôn giả Yamaka; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Yamaka những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.

Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy nói với Tôn giả Yamaka:

—Có thật chăng, này Hiền giả Yamaka, Hiền giả khởi lên ác tà kiến như sau: “Như ta hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đoạn tận, sẽ diệt tận, không còn gì nữa sau khi chết”.

—Này chư Hiền, tôi đã hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp như vầy: “Như ta hiểu lời Thế Tôn … sau khi chết”.

—Chớ có nói vậy, Hiền giả Yamaka! Chớ có xuyên tạc Thế Tôn! Xuyên tạc Thế Tôn là không tốt lành. Thế Tôn không có nói như sau: “Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đoạn tận, sẽ diệt tận, không còn gì nữa sau khi chết”.

Dầu được các Tỷ-kheo ấy nói như vậy, Tôn giả Yamaka vẫn kiên trì, kiên cố chấp nhận ác tà kiến ấy, nói rằng: “Như ta hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đoạn tận, sẽ diệt tận, không còn gì nữa sau khi chết”.

Vì rằng các Tỷ-kheo không thể làm cho Tôn giả Yamaka rời bỏ ác tà kiến ấy, các Tỷ-kheo ấy từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Tôn giả Sāriputta, sau khi đến, thưa với Tôn giả Sāriputta:

—Tỷ-kheo Yamaka, thưa Hiền giả Sāriputta, có khởi lên ác tà kiến như sau: “Như ta hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp, Tỷ-kheo đoạn tận các lậu hoặc, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đoạn tận, sẽ diệt tận, không còn gì nữa sau khi chết”. Lành thay, nếu Tôn giả Sāriputta vì lòng lân mẫn đi đến Tỷ-kheo Yamaka.

Tôn giả Sāriputta im lặng nhận lời.

Rồi Tôn giả Sàsriputta, vào buổi chiều, từ chỗ tịnh cư đứng dậy, đi đến Tôn giả Yamaka; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Yamaka những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sāriputta nói với Tôn giả Yamaka:

—Có thật chăng, Hiền giả Yamaka, Hiền giả có khởi lên ác tà kiến như sau: “Như ta đã hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp … không còn gì nữa sau khi chết”.

—Thưa Hiền giả, tôi hiểu như vậy lời Thế Tôn thuyết pháp: “Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đoạn tận, sẽ diệt tận, không còn gì nữa sau khi chết”.

—Hiền giả nghĩ thế nào, Hiền giả Yamaka, sắc là thường hay vô thường?

—Là vô thường, này Hiền giả.

—Thọ … tưởng … các hành … thức là thường hay vô thường?

—Là vô thường, này Hiền giả.

—Do vậy … thấy vậy … ” … không còn trở lui trạng thái này nữa”. Vị ấy biết rõ như vậy.

Hiền giả nghĩ thế nào, Hiền giả Yamaka? Hiền giả có quán Như Lai là sắc không?

—Thưa không, này Hiền giả.

—Hiền giả có quán Như Lai là thọ … tưởng … hành … thức không?

—Thưa không, này Hiền giả.

—Hiền giả nghĩ thế nào, Hiền giả Yamaka? Hiền giả có quán Như Lai ở trong sắc không?

—Thưa không, này Hiền giả.

—Hiền giả có quán Như Lai ở ngoài sắc không?

—Thưa không, này Hiền giả.

—Hiền giả, có quán Như Lai ở trong thọ không? …

Hiền giả có quán Như Lai ở trong tưởng không? …

Hiền giả có quán Như Lai ở trong các hành không? …

Hiền giả có quán Như Lai ở trong thức không?

—Thưa không, này Hiền giả.

—Hiền giả có quán Như Lai là ngoài thức không?

—Thưa không, này Hiền giả.

—Hiền giả nghĩ thế nào, Hiền giả Yamaka? Hiền giả có quán Như Lai là sắc, thọ, tưởng, hành, thức không?

—Thưa không, này Hiền giả.

—Hiền giả nghĩ thế nào, Hiền giả Yamaka? Hiền giả có quán cái không sắc, không thọ, không tưởng, không hành, không thức là Như Lai không?

—Thưa không, này Hiền giả.

—Và ở đây, Hiền giả Yamaka, ngay trong đời sống hiện tại, cũng không thể tìm được một Như Lai thường chơn, thường trú, thời hợp lý chăng khi Hiền giả trả lời: “Như ta đã hiểu lời Thế Tôn thuyết pháp, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đoạn tận, sẽ tận diệt, không còn gì nữa sau khi chết”.

—Trước đây tôi vô trí nên có ác tà kiến ấy. Nay sau khi nghe Tôn giả Sāriputta thuyết pháp, ác tà kiến ấy được đoạn trừ, và pháp được tôi hoàn toàn chứng tri.

—Hiền giả Yamaka, nếu có người hỏi Hiền giả: “Hiền giả Yamaka, vị Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn tận, sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy sẽ trở thành gì?”; được hỏi như vậy, Hiền giả Yamaka, Hiền giả trả lời như thế nào?

—Thưa Hiền giả, nếu có người hỏi tôi: “Này Hiền giả Yamaka, Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn tận, sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy sẽ trở thành gì?”; được hỏi như vậy, này Hiền giả, tôi sẽ trả lời: “Sắc là vô thường, này Hiền giả, cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ là đoạn diệt, là tiêu diệt. Thọ … Tưởng … Các hành … Thức là vô thường, này Hiền giả, cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ là đoạn diệt, là tiêu diệt”. Ðược hỏi vậy, này Hiền giả, tôi sẽ trả lời như vậy.

Lành thay, lành thay, Hiền giả Yamaka! Hiền giả Yamaka, ta sẽ cho Hiền giả một ví dụ để ý nghĩa này được hiểu rõ thêm nữa. Ví như, này Hiền giả Yamaka, một người gia chủ hay con của người gia chủ, là nhà hào phú, tiền nhiều, của nhiều, lại được bảo vệ. Rồi có người đến, muốn điều bất lợi, muốn điều bất hạnh, muốn điều bất an, muốn đoạt mạng sống người kia. Người ấy suy nghĩ: “Người gia chủ hay con của người gia chủ này là nhà hào phú, tiền nhiều, của nhiều, lại được bảo vệ. Thật không dễ gì đoạt mạng sống nó bằng sức mạnh. Vậy ta hãy tìm cách xâm nhập rồi sẽ đoạt mạng sống”. Người ấy đi đến người gia chủ hay con của người gia chủ kia, và nói như sau: “Thưa Tôn giả, tôi xin được hầu hạ Tôn giả”. Người gia chủ hay con của người gia chủ kia chấp nhận cho người ấy hầu hạ. Người ấy hầu hạ, dậy trước ngủ sau, sự việc nhanh nhẹn, cử chỉ đẹp lòng, lời nói khả ái. Người gia chủ hay con của người gia chủ kia tin tưởng người ấy, xem người ấy như thân hữu, tin tưởng người ấy, xem như tâm hữu, và đặt lòng tín cẩn vào người ấy. Này Hiền giả, khi người ấy đã tin tưởng rằng: “Người gia chủ hay con của người gia chủ này đã tín cẩn ta”, khi bắt gặp người con của gia chủ ở một chỗ thanh vắng, liền lấy con dao sắc bén, đoạt mạng sống người con của gia chủ.

Hiền giả Yamaka, Hiền giả nghĩ thế nào? Khi người ấy đến với người gia chủ hay con của người gia chủ kia và nói: “Thưa Tôn giả, tôi muốn hầu hạ Tôn giả”; khi ấy người ấy có phải là kẻ giết người không? Và dầu cho người ấy là kẻ giết người, người gia chủ hay con của người gia chủ cũng không nghĩ rằng: “Ta có một kẻ giết người”.

Khi người ấy hầu hạ, dậy trước ngủ sau, sự việc nhanh nhẹn, cử chỉ đẹp lòng, lời nói khả ái, khi ấy dầu cho người ấy là kẻ giết người, người gia chủ hay con của người gia chủ cũng không nghĩ rằng: “Ta có một kẻ giết người”.

—Thưa vâng, này Hiền giả.

—Cũng vậy, này Hiền giả, kẻ vô văn phàm phu, không được thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc; quán thọ … quán tưởng … quán các hành … quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức.

“Sắc là vô thường”, người ấy không như thật biết rõ: “Sắc là vô thường”; “Thọ là vô thường”, người ấy không như thật biết rõ: “Thọ là vô thường”; tưởng là vô thường, người ấy không như thật biết rõ: “Tưởng là vô thường”; “Các hành là vô thường”, người ấy không như thật biết rõ: “Các hành là vô thường”; “Thức là vô thường”, người ấy không như thật biết rõ: “Thức là vô thường”.

“Sắc là khổ”, người ấy không như thật biết rõ: “Sắc là khổ”; “Thọ là khổ” … “Tưởng là khổ” … “Các hành là khổ” … “Thức là khổ”, người ấy không như thật biết rõ: “Thức là khổ”.

“Sắc là vô ngã”, người ấy không như thật biết rõ: “Sắc là vô ngã”; “Thọ là vô ngã” … “Tưởng là vô ngã” … “Các hành là vô ngã” … “Thức là vô ngã”, người ấy không như thật biết rõ: “Thức là vô ngã”.

“Sắc là hữu vi”, người ấy không như thật biết rõ: “Sắc là hữu vi”; “Thọ là hữu vi” … “Tưởng là hữu vi” … “Các hành là hữu vi”; “Thức là hữu vi”, người ấy không như thật biết rõ: “Thức là hữu vi”.

“Sắc là kẻ giết người”, người ấy không như thật biết rõ: “Sắc là kẻ giết người”; “Thọ là kẻ giết người” … “Tưởng là kẻ giết người” … “Các hành là kẻ giết người” … “Thức là kẻ giết người”, người ấy không như thật biết rõ: “Thức là kẻ giết người”.

Người ấy đến với sắc, chấp thủ, nhiếp trì: “Sắc là tự ngã của ta”. Người ấy đến với thọ … với tưởng … với các hành … người ấy đến với thức, chấp thủ và nhiếp trì: “Thức là tự ngã của ta”. Năm thủ uẩn này được người ấy đi đến chấp thủ, sẽ đưa đến bất hạnh, đau khổ lâu dài cho người ấy.

Này Hiền giả, bậc Ða văn Thánh đệ tử thấy rõ các bậc Thánh … tu tập pháp các bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc; không quán thọ … không quán tưởng … không quán các hành … không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức.

“Sắc là vô thường”, vị ấy như thật biết rõ: “Sắc là vô thường”; “Thọ là vô thường” … “Tưởng là vô thường” … “Các hành là vô thường” … “Thức là vô thường”, vị ấy như thật biết rõ: “Thức là vô thường”.

“Sắc là khổ”, vị ấy như thật biết rõ: “Sắc là khổ” … “Thọ là khổ” … “Tưởng là khổ” … “Các hành là khổ” … “Thức là khổ”, vị ấy như thật biết rõ: “Thức là khổ”.

“Sắc là vô ngã”, vị ấy như thật biết rõ: “Sắc là vô ngã” … “Thọ là vô ngã” … “Tưởng là vô ngã” … “Các hành là vô ngã” … “Thức là vô ngã”, vị ấy như thật biết rõ: “Thức là vô ngã”.

“Sắc là hữu vi”, vị ấy như thật biết rõ: “Sắc là hữu vi” … “Thọ là hữu vi” … “Tưởng là hữu vi” … “Các hành là hữu vi” … “Thức là hữu vi”, vị ấy như thật biết rõ: “Thức là hữu vi”.

“Sắc là kẻ giết người”, vị ấy như thật biết rõ: “Sắc là kẻ giết người” … “Thọ là kẻ giết người” … “Tưởng là kẻ giết người” … “Các hành là kẻ giết người” … “Thức là kẻ giết người”, vị ấy như thật biết rõ: “Thức là kẻ giết người”.

Vị ấy không đến với sắc, không chấp thủ, không nhiếp trì: “Sắc là tự ngã của ta”. Không đến với thọ … với tưởng … với các hành … Không đến với thức, không chấp thủ, không nhiếp trì: “Thức là tự ngã của ta”. Ðối với năm thủ uẩn này, vị ấy không đi đến, không chấp thủ, sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc cho vị ấy trong một thời gian dài.

—Như vậy, này Hiền giả Sāriputta, các Tôn giả ấy có được người như Hiền giả làm đồng Phạm hạnh, có lòng lân mẫn như vậy, muốn họ được hạnh phúc như vậy, bậc giáo giới như vậy, bậc giảng dạy như vậy.

Và nay, sau khi được nghe Tôn giả Sāriputta thuyết pháp, tâm tôi được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không còn chấp thủ.



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada