Nhân duyên ở Sāvatthi …

Ở đấy, Thế Tôn nói lên lời cảm hứng như sau:

Nếu trước, Ta không có,
Thời nay không có Ta,
Không tạo nhân sẽ có,
Tương lai sẽ không Ta.
Tỷ-kheo quyết tâm vậy,
Hạ phần kiết sử đoạn.

Ðược nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:

—Như thế nào bạch Thế Tôn:

Nếu trước, Ta không có,
Thời nay không có Ta,
Không tạo nhân sẽ có,
Tương lai sẽ không Ta.
Tỷ-kheo quyết tâm vậy,
Hạ phần kiết sử đoạn?

—Ở đây, này Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh; không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc, quán thọ … quán tưởng … quán các hành … quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức.

Vị ấy không như thật biết rõ (pajànàti) sắc vô thường là sắc vô thường, không như thật biết rõ thọ vô thường là thọ vô thường, không như thật biết rõ tưởng vô thường là tưởng vô thường, không như thật biết rõ hành vô thường là hành vô thường, không như thật biết rõ thức vô thường là thức vô thường.

Không như thật biết rõ sắc khổ là sắc khổ, không như thật biết rõ thọ khổ … tưởng khổ … hành khổ … không như thật biết rõ thức khổ là thức khổ.

Không như thật biết rõ sắc vô ngã là sắc vô ngã, không như thật biết rõ thọ vô ngã … tưởng vô ngã … hành vô ngã … không như thật biết rõ thức vô ngã là thức vô ngã.

Không như thật biết rõ sắc hữu vi là sắc hữu vi, không như thật biết rõ thọ hữu vi … tưởng hữu vi … hành hữu vi … không như thật biết rõ thức hữu vi là thức hữu vi.

Không như thật biết rõ sắc sẽ biến diệt … thọ sẽ biến diệt … tưởng sẽ biết diệt … các hành sẽ biến diệt … không như thật biết rõ thức sẽ biến diệt.

Còn bậc Ða văn Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo thấy rõ các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, thấy rõ các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc, không quán thọ … không quán tưởng … không quán các hành … không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức.

Vị ấy như thật thấy rõ sắc vô thường là vô thường, thọ vô thường … tưởng vô thường … hành vô thường … thức vô thường là thức vô thường.

Vị ấy như thật thấy rõ sắc khổ là sắc khổ, thọ khổ … tưởng khổ … hành khổ … như thật thấy rõ thức khổ là thức khổ.

Vị ấy như thật thấy rõ sắc vô ngã là sắc vô ngã, thọ vô ngã … tưởng vô ngã … các hành vô ngã … thức vô ngã là thức vô ngã.

Vị ấy như thật thấy rõ sắc hữu vi là sắc hữu vi, thọ hữu vi … tưởng hữu vi … các hành hữu vi … thức hữu vi là thức hữu vi.

Vị ấy như thật thấy rõ sắc sẽ biến diệt là sắc sẽ biến diệt, thọ sẽ biến diệt … tưởng sẽ biến diệt … các hành sẽ biến diệt … thức sẽ biến diệt là thức sẽ biến diệt.

Do sắc biến diệt, thọ biến diệt, tưởng biến diệt, hành biến diệt, thức biến diệt, vị Tỷ-kheo nói lên lời cảm hứng:

Nếu trước, ta không có,
Thời nay không có ta,
Không tạo nhân sẽ có,
Tương lai sẽ không ta.
Tỷ-kheo quyết tâm vậy,
Hạ phần kiết sử đoạn.

—Dầu cho quyết tâm như vậy, bạch Thế Tôn, vị Tỷ-kheo có thể cắt đứt hạ phần kiết sử. Nhưng bạch Thế Tôn, biết như thế nào, thấy như thế nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức?

—Ở đây, này Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu hoảng sợ tại chỗ không có gì đáng hoảng sợ; kẻ vô văn phàm phu hoảng sợ như sau:

Nếu trước, ta không có,
Thời nay không có ta,
Không tạo nhân sẽ có.
Tương lai sẽ không ta.

Và vị Ða văn Thánh đệ tử, này Tỷ-kheo, không hoảng sợ tại chỗ không có gì đáng hoảng sợ; vị Ða văn Thánh đệ tử không có hoảng sợ như sau:

Nếu trước, ta không có,
Thời nay không có ta,
Không tạo nhân sẽ có,
Tương lai sẽ không ta.

Này Tỷ-kheo, do tham luyến sắc, thức có chân đứng được an trú. Với sắc là sở duyên, với sắc là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh.

Do tham luyến thọ … do tham luyến tưởng … do tham luyến hành … do tham luyến thức, này Tỷ-kheo, thức có chân đứng được an trú. Với hành là sở duyên, với hành là trú xứ, (thức) hướng tìm hỷ, đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh.

Này Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Ngoài sắc, ngoài thọ, ngoài tưởng, ngoài các hành, tôi sẽ chỉ rõ sự đến hay đi, sự diệt hay sanh, sự tăng trưởng, tăng thịnh, lớn mạnh của thức”, sự việc như vậy không xảy ra.

Này Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với sắc giới; do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không hiện hữu.

Này Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thọ giới …

Này Tỷ-kheo, nếu vị Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với tưởng giới …

Này Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với hành giới …

Này Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đoạn tận tham đối với thức giới, do tham được đoạn tận, sở duyên được cắt đứt, chỗ y chỉ của thức không hiện hữu.

Không có chỗ y chỉ như vậy thức không tăng trưởng, không có hành động, được giải thoát; do giải thoát nên được kiên trú; do kiên trú nên được tri túc; do tri túc nên không có ưu não; do không có ưu não nên tự mình cảm thấy tịch tịnh hoàn toàn. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada