Một thời Tôn giả Mahākassapa trú ở Rājagaha (Vương Xá), Veḷuvana (Trúc Lâm) tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

Lúc bấy giờ, Tôn giả Ānanda đang đi du hành ở Dakkhiṇāgiri (Nam Sơn), cùng với đại chúng Tỷ-kheo.

Lúc bấy giờ có khoảng ba mươi Tỷ-kheo đệ tử của Tôn giả Ānanda, phần lớn còn trẻ tuổi, từ bỏ sự tu học và hoàn tục.

Rồi Tôn giả Ānanda, sau khi du hành ở Nam Sơn, tùy theo ý muốn, rồi đi đến Vương Xá, Trúc Lâm, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc, đi đến Tôn giả Mahākassapa, sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Mahākassapa rồi ngồi xuống một bên.

Tôn giả Mahākassapa nói với Tôn giả Ānanda đang ngồi xuống một bên:

—Duyên bao nhiêu lợi ích, này Hiền giả Ānanda, Thế Tôn chế định điều luật “Chỉ ba người ăn” đối với các gia chủ?

—Duyên ba lợi ích, thưa Tôn giả Kassapa, nên Thế Tôn chế định điều luật “Chỉ ba người ăn” đối với các gia chủ, để ngăn chận các người ác giới, vì sự lạc trú của các Tỷ-kheo chánh hạnh, chớ để cho ai dựa vào những ác đảng phá hoại chúng Tăng, và vì lòng từ mẫn đối với các gia đình. Thưa Tôn giả Kassapa, do duyên ba lợi ích này nên Thế Tôn chế định điều luật “Chỉ ba người ăn” đối với các gia chủ.

—Vậy thời vì sao, này Hiền giả Ānanda, Hiền giả lại cùng du hành với những tân Tỷ-kheo này, những người không hộ trì các căn, không tiết độ trong ăn uống, không chú tâm tỉnh giác? Ta nghĩ Hiền giả hành động thật là kẻ dẫm đạp ngũ cốc! Ta nghĩ Hiền giả hành động thật là kẻ phá hoại lương gia! Hội chúng của Hiền giả, này Hiền giả Ānanda, đang sụp đổ. Ðồ chúng niên thiếu của Hiền giả, này Hiền giả, đang tan rã! Ðứa trẻ này không biết lượng sức mình!

—Thưa Tôn giả Kassapa, trên đầu tôi, tóc bạc đã sanh, tuy vậy, hôm nay Tôn giả Mahākassapa gọi tôi là đứa trẻ, tôi không có phật lòng.

—Thật vậy, này Hiền giả Ānanda, Hiền giả du hành với những tân Tỷ-kheo này, những người không hộ trì các căn, không tiết độ trong ăn uống, không chú tâm tỉnh giác. Ta nghĩ Hiền giả hành động thật là kẻ dẫm đạp ngũ cốc! Ta nghĩ Hiền giả hành động thật là kẻ phá hoại lương gia! Hội chúng của Hiền giả, này Hiền giả Ānanda, đang sụp đổ. Ðồ chúng niên thiếu của Hiền giả, này Hiền giả, đang tiêu diệt. Ðứa trẻ này không biết lượng sức mình.

Tỷ-kheo-ni Thullatissā được nghe Tôn giả Ānanda, bậc Thánh Vedeha lại bị Tôn giả Mahākassapa không hài lòng và gọi là “đứa trẻ”.

Rồi Tỷ-kheo-ni Thullatissā không hoan hỷ và thốt ra những lời không hoan hỷ: “Sao Tôn giả Mahākassapa, trước kia là người theo ngoại đạo, lại nghĩ có thể không hài lòng và gọi Tôn giả Ānanda, bậc Thánh Vedeha là đứa trẻ?”

Tôn giả Mahākassapa được nghe những lời của Tỷ-kheo-ni Thullatissā nói như vậy.

Rồi Tôn giả Mahākassapa nói với Tôn giả Ānanda:

—Này Hiền giả Ānanda, lời nói của Tỷ-kheo-ni Thullatissā thật là đường đột, không đắn đo suy nghĩ! Này Hiền giả, vì rằng ta là người cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, ta không chấp nhận một Ðạo Sư nào khác ngoài Thế Tôn, bậc ứng Cúng, Chánh Ðẳng Giác.

Này Hiền giả, trong khi ta còn là gia chủ, ý nghĩ sau đây được khởi lên: “Chật hẹp thay đời sống tại gia, đầy những bụi đời! Còn xuất gia như đời sống ngoài trời. Thật không dễ dàng ở trong gia đình có thể sống Phạm hạnh, hoàn toàn viên mãn, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình”.

Rồi này Hiền giả, sau một thời gian ta lấy vải cắt làm áo Tăng-già-lê, và theo thông lệ các vị Ứng Cúng ở đời, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Xuất gia như vậy, ta đang đi trên đường, thấy Thế Tôn ngồi tại ngôi đền Bahaputta giữa Rājagaha và Nàlandà. Thấy vậy, ta suy nghĩ như sau: “Ôi thật thế chăng, ta có thể thấy bậc Ðạo Sư, tức là có thể thấy bậc Thế Tôn! Ôi thật thế chăng, ta có thể thấy bậc Thiện Thệ, tức là có thể thấy bậc Thế Tôn! Ôi thật thế chăng, ta có thể thấy bậc Chánh Ðẳng Giác, tức là có thể thấy bậc Thế Tôn?”

Và này Hiền giả, ngay tại chỗ ấy, ta cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

“—Bạch Thế Tôn, Ðạo Sư của con là Thế Tôn. Con là đệ tử”.

Khi nghe nói vậy, này Hiền giả, Thế Tôn nói với ta:

—Này Kassapa, những ai với tâm trọn vẹn đầy đủ, không biết một đệ tử mà nói rằng tôi biết, không thấy mà nói rằng tôi thấy, đầu người ấy sẽ vỡ tan. Còn Ta, này Kassapa, Ta biết thời Ta nói Ta biết, Ta thấy thời Ta nói Ta thấy.

Do vậy, này Kassapa, ông phải học tập như sau: 'Một tâm quý thật sắc sảo sẽ phải được thiết lập giữa các vị Trưởng lão, niên thiếu và trung niên'. Này Kassapa, ông phải học tập như vậy.

Do vậy, này Kassapa, ông phải học tập như sau: 'Phàm pháp gì tôi nghe, liên hệ đến thiện, sau khi đặc biệt chú ý, tác ý, tập trung tất cả tâm (lực), tất cả pháp ấy tôi đều lóng tai nghe'. Này Kassapa, ông phải học tập như vậy.

Do vậy, này Kassapa, ông phải học tập như sau: 'Phàm niệm gì thuộc về thân hành, câu hữu với hỷ, ta sẽ không bỏ niệm ấy'. Này Kassapa, ông phải học tập như vậy”.

Rồi này Hiền giả, Thế Tôn sau khi giáo giới ta với lời giáo giới ấy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

Trong bảy ngày, này Hiền giả, đang còn phiền não, ta ăn món ăn của quốc độ, đến ngày thứ tám, chánh trí khởi lên.

Rồi này Hiền giả, Thế Tôn từ trên đường bước xuống và đi đến một gốc cây.

Rồi này Hiền giả, ta xấp tư tấm y Tăng-già-lê làm bằng vải cắt, rồi bạch Thế Tôn:

“—Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ngồi xuống ở đây, để con được hạnh phúc an lạc lâu dài”.

Này Hiền giả, Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn.

Sau khi ngồi xuống, này Hiền giả, Thế Tôn nói với ta:

“—Thật là mềm dịu, này Kassapa, là tấm y Tăng-già-lê này làm bằng vải cắt của ông”.

“—Bạch Thế Tôn, mong rằng Thế Tôn nhận lấy tấm y làm bằng vải cắt này từ nơi con, vì lòng từ mẫn đối với con”.

“—Này Kassapa, ông có dùng tấm y phấn tảo làm bằng vải gai thô, đáng được quăng bỏ của Ta không?”.

“—Con sẽ dùng, bạch Thế Tôn, tấm y phấn tảo làm bằng vải gai thô, đáng được quăng bỏ của Thế Tôn”.

Như vậy, này Hiền giả, ta cúng cho Thế Tôn tấm y Tăng-già-lê làm bằng vải cắt; còn ta thời dùng tấm y phấn tảo của Thế Tôn, làm bằng vải gai thô đáng được quăng bỏ.

Và này Hiền giả, nếu ai có nói về ta một cách chơn chánh, thời ta là con ruột Thế Tôn, sanh ra từ miệng, do pháp sanh, do pháp hóa sanh, thừa tự Chánh pháp và đã nhận được tấm y phấn tảo, làm bằng vải gai thô, đáng được quăng bỏ.

Này Hiền giả, tùy theo mong muốn, ta ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ.

Và này Hiền giả, tùy theo mong muốn, ta… (chín thứ đệ định và năm thắng trí)…

Và này Hiền giả, do đoạn tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại ta tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt, và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

Này Hiền giả, ai nghĩ rằng có thể che đậy sáu thắng trí của ta được, thời không khác gì nghĩ rằng có thể lấy một lá cây ta-la mà che đậy một con voi lớn đến bảy hay tám khuỷu tay rưởi bề cao.

Nhưng Tỷ-kheo-ni Thullatissā đã từ bỏ đời sống Phạm hạnh.



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada