Nhơn duyên ở Sāvatthi.
Tại đấy, Tôn giả Sāriputta gọi các Tỷ-kheo:
—Này các Hiền giả Tỷ-kheo.
—Thưa vâng, Hiền giả.
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sāriputta.
Tôn giả Sāriputta nói:
—Ở đây, này các Hiền giả, trong khi tôi độc trú tĩnh cư, tâm tưởng tư duy như sau được khởi lên: “Có cái gì trong đời, khi bị biến hoại, trạng huống đổi khác, có thể khởi lên nơi ta sầu, bi, khổ, ưu, não?”.
Rồi này các Hiền giả, tôi suy nghĩ: “Không có cái gì trong đời, khi bị biến hoại, trạng huống đổi khác, có thể khởi lên nơi ta sầu, bi, khổ, ưu, não”.
Khi được nói vậy, Tôn giả Ānanda nói với Tôn giả Sāriputta:
—Bậc Ðạo Sư, này Hiền giả Sāriputta, khi bị biến hoại, trạng huống đổi khác, có thể khởi lên nơi Hiền giả sầu, bi, khổ, ưu, não?
—Bậc Ðạo Sư, này Hiền giả Ānanda, khi bị biến hoại, trạng thái đổi khác, không có thể khởi lên nơi ta sầu, bi, khổ, ưu, não. Nhưng ta có thể suy nghĩ: “Mong rằng bậc Ðại Thế Lực, bậc Ðạo Sư có đại thần thông, có đại uy lực chớ có biến diệt! Nếu bậc Thế Tôn ấy an trú lâu dài, thời như vậy thật là hạnh phúc cho quần sanh, thật là an lạc cho quần sanh, vì lòng từ mẫn cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người”.
—Như vậy đối với Tôn giả Sāriputta, ngã kiến, ngã sở kiến, ngã mạn, tùy miên được khéo đoạn trừ đã lâu ngày.
Do vậy, đối với Tôn giả Sāriputta, dầu cho bậc Ðạo Sư có biến hoại, trạng huống có đổi khác, cũng không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada