Một thời, Tôn giả Sāriputta và Tôn giả Mahākoṭṭhita trú ở Bārāṇasī (Ba-la-nại), tại Isipatana (chư Tiên đọa xứ) ở Migadāya (rừng nai).

Rồi Tôn giả Mahākoṭṭhita, vào buổi chiều từ chỗ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến Tôn giả Sāriputta; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sāriputta những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, bèn ngồi xuống một bên.

Ngồi xuống một bên, Tôn giả Mahākoṭṭhita nói với Tôn giả Sāriputta:

—Này Hiền giả Sāriputta, già chết do tự mình tạo ra, già chết do người khác tạo ra, già chết do tự mình và do người khác tạo ra, hay già chết không do tự mình tạo ra, không do người khác tạo ra, do tự nhiên sanh?

—Này Hiền giả Koṭṭhita, già chết không do tự mình tạo ra, già chết không do người khác tạo ra, già chết không do tự mình tạo ra và người khác tạo ra, già chết cũng không phải không do tự mình tạo ra, không do người khác tạo ra, không do tự nhiên sanh. Già chết do duyên sanh.

—Này Hiền giả Sāriputta, có phải sanh do tự mình làm ra, sanh do người khác làm ra, sanh do tự mình làm ra và do người khác làm ra, hay sanh không do tự mình làm ra và không do người khác làm ra, do tự nhiên sanh?

—Này Hiền giả Koṭṭhita, sanh không do tự mình làm ra, sanh không do người khác làm ra, sanh không do tự mình làm ra và người khác làm ra, hay sanh cũng không phải không do tự mình làm ra và không phải không do người khác làm ra, cũng không do tự nhiên sanh. Sanh do duyên hữu.

—Này Hiền giả Sāriputta, hữu có phải do tự mình làm ra… thủ có phải do tự mình làm ra… ái có phải do tự mình làm ra… thọ có phải do tự mình làm ra… xúc có phải do tự mình làm ra… sáu xứ có phải do tự mình làm ra…

… Danh sắc có phải do tự mình làm ra, danh sắc có phải do người khác làm ra, danh sắc có phải do tự mình làm ra và do người khác làm ra, hay danh sắc có phải không do tự mình làm ra và không do người khác làm ra, do tự nhiên sanh?

—Này Hiền giả Koṭṭhita, danh sắc không phải do tự mình làm ra, danh sắc không phải do người khác làm ra, danh sắc không phải do tự mình làm ra và do người khác làm ra, hay danh sắc cũng không phải không do tự mình làm ra và không phải không do người khác làm ra, không do tự nhiên sanh. Danh sắc do duyên thức.

—Này Hiền giả Sāriputta, có phải thức do tự mình làm ra, thức do người khác làm ra, thức do tự mình làm ra và do người khác làm ra, hay có phải thức không do tự mình làm ra và không do người khác làm ra, do tự nhiên sanh?

—Này Hiền giả Koṭṭhita, thức không do tự mình làm ra, thức không do người khác làm ra, thức không do tự mình làm ra và không do người khác làm ra, hay thức cũng không phải không do tự mình làm ra và không phải không do người khác làm ra, không do tự nhiên sanh. Thức do duyên danh sắc.

—Nay chúng tôi hiểu lời nói của Hiền giả Sāriputta như sau: “Này Hiền giả Koṭṭhita, danh sắc không do tự mình làm ra, danh sắc không do người khác làm ra, danh sắc không do tự mình làm ra và không do người khác làm ra, danh sắc cũng không phải không do tự mình làm ra và không phải không do người khác làm ra, không do tự nhiên sanh. Danh sắc do duyên thức”.

Và nay chúng tôi hiểu lời nói của Hiền giả Sāriputta như sau: “Này Hiền giả Koṭṭhita, thức không do tự mình làm ra, không do người khác làm ra, không do tự mình làm ra và người khác làm ra, cũng không phải không do tự mình làm ra và không phải không do người khác làm ra, không do tự nhiên sanh. Thức do duyên danh sắc”.

Này Hiền giả Sāriputta, cần phải hiểu như thế nào ý nghĩa lời nói này?

—Vậy này Hiền giả, tôi sẽ nêu một ví dụ. Nhờ có ví dụ, người có trí hiểu được ý nghĩa lời nói.

Ví như hai bó lau dựa vào nhau mà đứng. Cũng vậy, này Hiền giả, do duyên danh sắc, thức sanh khởi. Do duyên thức, danh sắc sanh khởi. Do duyên danh sắc, sáu xứ sanh khởi. Do duyên sáu xứ, xúc sanh khởi… (như trên)… Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Này Hiền giả, nếu một bó lau được kéo qua một bên, bó lau kia liền rơi xuống. Nếu bó lau kia được kéo qua một bên, bó lau này được rơi xuống. Cũng vậy, này Hiền giả, do danh sắc diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt… (như trên)… như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.

—Thật vi diệu thay, Hiền giả Sāriputta! Thật hy hữu thay, Hiền giả Sāriputta! Lời nói khéo nói này của Hiền giả Sāriputta và lời nói với ba mươi sáu sự này của Hiền giả Sāriputta, chúng tôi xin tùy hỷ.

—Này Hiền giả, nếu một Tỷ-kheo thuyết pháp để nhàm chán, ly tham, đoạn diệt già chết, thời đủ để được gọi là vị Tỷ-kheo thuyết pháp. Này Hiền giả, nếu một Tỷ-kheo thực hành để nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, già chết, thời đủ để được gọi là Tỷ-kheo tùy pháp hành. Này Hiền giả, nếu một Tỷ-kheo do nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, vô minh được giải thoát, không có chấp thủ, thời đủ để được gọi vị Tỷ-kheo đã đạt được hiện tại Niết-bàn.



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada