Trú ở Sāvatthī.

Rồi một Bà-la-môn thuộc phái Thuận Thế đi đến Thế Tôn…

Ngồi xuống một bên, vị Bà-la-môn thuộc phái Thuận Thế bạch Thế Tôn:

—Thưa Tôn giả Gotama, có phải tất cả đều có?

—Này Bà-la-môn, tất cả đều có, là chấp kiến thứ nhất của thế gian.

—Thưa Tôn giả Gotama, có phải tất cả đều không có?

—Tất cả đều không có, này Bà-la-môn, là chấp kiến thứ hai của thế gian.

—Thưa Tôn giả Gotama, có phải tất cả đều là một?

—Tất cả đều là một, này Bà-la-môn, là chấp kiến thứ ba của thế gian.

—Thưa Tôn giả Gotama, có phải tất cả đều là nhiều?

—Tất cả đều là nhiều, này Bà-la-môn, là chấp kiến thứ tư của thế gian.

Này Bà-la-môn, từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo con đường trung đạo.

Do duyên vô minh nên có hành. Do duyên hành nên có thức… Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

Do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt… Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

Khi nghe nói vậy, vị Bà-la-môn thuộc phái Thuận Thế bạch Thế Tôn:

—Thật là vi diệu, thưa Tôn giả Gotama!… con xin trọn đời quy ngưỡng.



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada