Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở Ñātika, trong căn nhà gạch.
Rồi Thế Tôn trong khi độc cư Thiền tọa tuyên thuyết pháp môn này:
—Do duyên con mắt và các sắc nên nhãn thức sanh khởi. Do ba cái tụ họp nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do duyên ái nên có thủ… Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
Do duyên lỗ tai và các tiếng…
Do duyên lỗ mũi và các hương…
Do duyên lưỡi và các vị…
Do duyên thân và các xúc…
Do duyên ý và các pháp nên ý thức khởi lên. Do ba cái tụ họp nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do duyên ái nên có thủ… Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
Do duyên con mắt và các sắc nên nhãn thức sanh khởi. Do ba cái tụ họp nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do sự ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt… Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.
Do duyên lỗ tai và các tiếng…
Do duyên lỗ mũi và các hương…
Do duyên lưỡi và các vị…
Do duyên thân và các xúc…
Do duyên ý và các pháp nên ý thức sanh khởi. Do ba cái tụ họp nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do sự ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt… Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.
Lúc bấy giờ, một vị Tỷ-kheo đang đứng nghe trộm Thế Tôn.
Thế Tôn thấy vị Tỷ-kheo đang đứng nghe trộm.
Sau khi thấy, Thế Tôn nói với vị Tỷ-kheo ấy:
—Này Tỷ-kheo, ông có nghe pháp môn này không?
—Thưa có, bạch Thế Tôn.
—Này Tỷ-kheo, ông hãy học pháp môn này. Này Tỷ-kheo, ông hãy học thuộc lòng pháp môn này. Này Tỷ-kheo, pháp môn này liên hệ đến mục đích và căn bản Phạm hạnh.
46. Một Vị Bà-la-môn: Aññatarabrāhmaṇa
Trú Tại Sāvatthī.
Rồi một vị Bà-la-môn đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu bèn ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, vị Bà-la-môn ấy bạch Thế Tôn:
—Thưa Tôn giả Gotama, có phải người hành động là người cảm thọ?
—Này Bà-la-môn, người hành động là người cảm thọ, ấy là một cực đoan.
—Thưa Tôn giả Gotama, có phải người hành động khác, người cảm thọ khác?
—Người hành động khác, và người cảm thọ khác, ấy là cực đoan thứ hai. Này Bà-la-môn, từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo.
Do duyên vô minh nên có hành. Do duyên hành nên có thức. Do duyên thức nên có danh sắc… Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
Do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt… Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.
Khi được nói vậy, vị Bà-la-môn ấy bạch Thế Tôn:
—Thật là vi diệu, thưa Tôn giả Gotama! Thật là vi diệu, thưa Tôn giả Gotama!… Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng.
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada