Trú ở Sāvatthī.
—Này các Tỷ-kheo, do duyên vô minh có hành; do duyên hành có thức… như vậy là tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
—Bạch Thế Tôn, thế nào là già chết? Và già chết này là của ai?
Thế Tôn đáp:
—Câu hỏi không thích hợp. Này Tỷ-kheo, ông có thể nói: “Thế nào là già chết, và già chết này là của ai?”, hay này Tỷ-kheo, ông có thể nói: “Già chết là khác và người già và chết là khác”, hai câu hỏi này nghĩa là một, chỉ có văn sai khác. Này Tỷ-kheo, chỗ nào có (tà) kiến: “Sinh mạng và thân thể là một”, chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này Tỷ-kheo, chỗ nào có (tà) kiến: “Sinh mạng và thân thể là khác”, chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này Tỷ-kheo, từ bỏ hai cực đoan này, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo và nói: “Do duyên sanh nên có già chết”.
—Bạch Thế Tôn, thế nào là sanh và sanh này là của ai?
Thế Tôn đáp:
—Câu hỏi không thích hợp. Này Tỷ-kheo, ông có thể nói: “Thế nào là sanh, và sanh này là của ai?”, hay này Tỷ-kheo, ông có thể nói: “Sanh là khác và người sanh là khác”, hai câu hỏi này có nghĩa là một, chỉ có văn sai khác. Này Tỷ-kheo, chỗ nào có tà kiến: “Sinh mạng và thân thể là một”, chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này Tỷ-kheo, chỗ nào có tà kiến: “Sinh mạng và thân thể là khác”, chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này Tỷ-kheo, từ bỏ hai cực đoan này, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo và nói: “Do duyên hữu nên có sanh”.
—Bạch Thế Tôn, thế nào là hữu và hữu này của ai?
Thế Tôn nói:
—Câu hỏi không thích hợp. Này Tỷ-kheo, ông có thể hỏi: “Thế nào là hữu và hữu này của ai?”, hay ông có thể nói: “Hữu khác và người có hữu này khác”, hai câu hỏi này là một, chỉ có văn sai khác. Này Tỷ-kheo, chỗ nào có tà kiến: “Sinh mạng và thân thể là một”, chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này Tỷ-kheo, chỗ nào có tà kiến: “Sinh mạng và thân thể là khác”, chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này Tỷ-kheo, từ bỏ hai cực đoan này, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo và nói: “Do duyên thủ nên có hữu”.
—Bạch Thế Tôn, thế nào là thủ và thủ này của ai?… “Do duyên ái nên có thủ”.
… “Do duyên thọ nên có ái”.
… “Do duyên xúc nên có thọ”.
… “Do duyên sáu xứ nên có xúc”.
… “Do duyên danh sắc nên có sáu xứ”.
… “Do duyên thức nên có danh sắc”.
… “Do duyên hành nên có thức”.
—Bạch Thế Tôn, thế nào là các hành, và các hành này là của ai?
Thế Tôn đáp:
—Câu hỏi không thích hợp. Này Tỷ-kheo, ông có thể nói: “Thế nào là các hành và các hành này là của ai?”, hay này Tỷ-kheo, ông có thể nói: “Các hành là khác và người có các hành này là khác”, hai câu hỏi này là một, chỉ có văn sai khác. Này Tỷ-kheo, chỗ nào có (tà) kiến: “Sinh mạng và thân thể là một”, chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này Tỷ-kheo, chỗ nào có (tà) kiến: “Sinh mạng và thân thể là khác”, chỗ ấy không có Phạm hạnh trú. Này Tỷ-kheo, từ bỏ hai cực đoan này, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo và nói: “Do duyên vô minh nên có các hành”. Này Tỷ-kheo, do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, các tạp luận (hý luận), dị thuyết, xuyên tạc liên hệ ấy hay bất cứ loại nào… sẽ được đoạn tận.
Như câu hỏi: “Thế nào là già chết và già chết này là của ai?”. Hay “Già chết là khác và người có già chết là khác?” hay “Sinh mạng và thân thể này là một”, hay “Sinh mạng và thân thể là khác”, tất cả đều được đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể hiện hữu, khiến cho tương lai không thể sanh khởi. Này Tỷ-kheo, do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, các tạp luận, dị thuyết, xuyên tạc liên hệ ấy hay bất cứ loại nào… sẽ được đoạn tận.
Như câu hỏi: “Thế nào là sanh và sanh này là của ai?”. Hay “Sanh là khác và người có sanh là khác”, hay “Sinh mạng và thân thể là một”, hay “Sinh mạng và thân thể là khác”, tất cả đều được đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể hiện hữu, khiến trong tương lai không thể sanh khởi. Này các Tỷ-kheo, do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, các tạp luận, dị thuyết, xuyên tạc liên hệ ấy hay bất cứ loại nào… sẽ được đoạn tận.
Thế nào là hữu…
Thế nào là thủ…
Thế nào là ái…
Thế nào là thọ…
Thế nào là xúc…
Thế nào là sáu xứ…
Thế nào là danh sắc…
Thế nào là thức… Này các Tỷ-kheo, do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, các tạp luận, dị thuyết, xuyên tạc liên hệ ấy hay bất cứ loại nào… sẽ được đoạn tận.
Như câu hỏi: “Thế nào là các hành và các hành này là của ai?”. Hay “Các hành là khác và người có các hành này là khác”, hay “Sinh mạng và thân thể là một”, hay “Sinh mạng và thân thể là khác”; tất cả đều được đoạn tận cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể hiện hữu, khiến cho trong tương lai không thể sanh khởi.
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada