Trú ở Sāvatthi.
—Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông lý duyên khởi và các pháp duyên sanh. Hãy lắng nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ giảng.
—Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
Thế Tôn nói như sau:
—Và này các Tỷ-kheo, thế nào là lý duyên khởi? Do duyên sanh, này các Tỷ-kheo, già, chết khởi lên. Dầu các Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện, an trú là giới tánh ấy, pháp trú tánh ấy, pháp quyết định tánh ấy, y duyên tánh ấy. Như Lai hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn chứng đạt định lý ấy. Sau khi hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn chứng đạt, Như Lai tuyên bố, tuyên thuyết, tường thuyết, khai hiển, khai thị, phân biệt, minh hiển, minh thị.
Do duyên sanh, này các Tỷ-kheo, nên có già, chết. Do duyên hữu, này các Tỷ-kheo, nên có sanh. Do duyên thủ, này các Tỷ-kheo, nên có hữu. Do duyên ái, này các Tỷ-kheo, nên có thủ. Do duyên thọ, này các Tỷ-kheo, nên có ái. Do duyên xúc, này các Tỷ-kheo, nên có thọ. Do duyên sáu xứ, này các Tỷ-kheo, nên có xúc. Do duyên danh sắc, này các Tỷ-kheo, nên có sáu xứ. Do duyên thức, này các Tỷ-kheo, nên có danh sắc. Do duyên các hành, này các Tỷ-kheo, nên có thức. Do duyên vô minh, này các Tỷ-kheo, nên có hành. Dầu cho Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện, an trú là giới tánh ấy, pháp trú tánh ấy, pháp quyết định tánh ấy, y duyên tánh ấy. Như Lai hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn chứng đạt tánh ấy. Sau khi hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn chứng đạt, Như Lai tuyên bố, tuyên thuyết, tường thuyết, khai hiển, khai thị, phân biệt, minh hiển, minh thị.
Do duyên vô minh, này các Tỷ-kheo, có các hành. Như vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây là như tánh, bất hư vọng tánh, bất dị như tánh, y duyên tánh ấy. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là lý duyên khởi.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là duyên sanh pháp? Già, chết, này các Tỷ-kheo, là vô thường, hữu vi, duyên sanh, biến hoại tánh, biến diệt tánh, ly tham tánh, đoạn diệt tánh.
Sanh, này các Tỷ-kheo, là vô thường, hữu vi, duyên sanh, biến hoại tánh, biến diệt tánh, ly tham tánh, đoạn diệt tánh.
Hữu, này các Tỷ-kheo, là vô thường, hữu vi, duyên sanh, biến hoại tánh, biến diệt tánh, ly tham tánh, đoạn diệt tánh.
—16) Thủ, này các Tỷ-kheo … ái, này các Tỷ-kheo … Thọ, này các Tỷ-kheo … Xúc, này các Tỷ-kheo … Sáu xứ, này các Tỷ-kheo … Danh sắc, này các Tỷ-kheo … Thức, này các Tỷ-kheo … Các hành, này các Tỷ-kheo …
Vô minh, này các Tỷ-kheo, là vô thường hữu vi, duyên sanh, biến hoại tánh, biến diệt tánh, ly tham tánh, đoạn diệt tánh. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, được gọi là duyên sanh pháp.
Do vì, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử khéo thấy như chơn với chánh trí tuệ lý duyên khởi này và các pháp duyên sanh này, nên chắc chắn vị ấy không chạy theo quá khứ (với những câu hỏi): “Ta có mặt trong quá khứ? Ta không có mặt không quá khứ? Ta là gì trong quá khứ? Ta có mặt như thế nào trong quá khứ? Hay trước ta đã là gì, và nay trong quá khứ ta là gì?”
Hay không chạy theo tương lai (với những câu hỏi): “Ta có mặt trong tương lai? Ta không có mặt trong tương lai? Ta sẽ làm gì trong tương lai? Ta có mặt như thế nào trong tương lai? Hay trước ta là gì, và nay trong tương lai ta sẽ là gì?”
Hay nay các vị ấy sẽ khởi lên những nghi ngờ về tự mình trong hiện tại như sau: “Ta hiện có mặt? Ta hiện không có mặt? Ta hiện là gì? Ta hiện có mặt như thế nào?” Sự kiện như vậy không xảy ra.
Vì sao? Vì rằng vị Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, đã khéo thấy như chơn với chánh trí tuệ, định lý duyên khởi này với các pháp duyên sanh này.
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada