Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Rājagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Rājagaha để khất thực.

Lõa thể Kassapa thấy Thế Tôn từ xa đi đến. Sau khi thấy, lõa thể Kassapa đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền đứng một bên.

Ðứng một bên, lõa thể Kassapa bạch Thế Tôn:

—Chúng tôi muốn hỏi Tôn giả Gotama về một vấn đề. Nếu Tôn giả Gotama cho phép, chúng tôi sẽ hỏi câu hỏi.

—Này Kassapa, nay không phải thời để hỏi. Chúng ta đã vào trong làng.

Lần thứ hai, lõa thể Kassapa bạch Thế Tôn:

—Chúng tôi muốn hỏi Tôn giả Gotama về một vấn đề. Nếu Tôn giả Gotama cho phép, chúng tôi sẽ hỏi câu hỏi.

—Này Kassapa, nay không phải thời để hỏi. Chúng ta đã vào trong làng.

Lần thứ ba, lõa thể Kassapa … (như trên) … Chúng ta đã vào trong làng.

Khi được nói vậy, lõa thể Kassapa bạch Thế Tôn:

—Nhưng không phải chúng tôi muốn hỏi Tôn giả Gotama nhiều chuyện.

—Vậy hãy hỏi đi, này Kassapa, như Ông muốn.

—Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ do tự mình làm ra?

Thế Tôn đáp:

—Không phải vậy, này Kassapa.

—Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ do người khác làm ra?

Thế Tôn đáp:

—Không phải vậy, này Kassapa.

—Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ do mình làm ra và do người khác làm ra?

Thế Tôn đáp:

—Không phải vậy, này Kassapa.

—Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ không do tự mình làm ra, không do người khác làm ra, khổ do tự nhiên sanh?

Thế Tôn đáp:

—Không phải vậy, này Kassapa.

—Thưa Tôn giả Gotama, có phải khổ không có?

—Này Kassapa, không phải khổ không có. Khổ có, này Kassapa.

—Như vậy, Tôn giả Gotama không biết, không thấy khổ.

—Này Kassapa, không phải Ta không biết, không thấy khổ. Này Kassapa, Ta biết khổ, này Kassapa, Ta thấy khổ.

—Ðược hỏi: “Tôn giả Gotama, khổ có phải tự mình làm ra”, Ngài trả lời: “Không phải vậy, này Kassapa”. Ðược hỏi: “Tôn giả Gotama, khổ có phải do người khác làm ra?”, Ngài trả lời: “Không phải vậy, này Kassapa”. Ðược hỏi: “Tôn giả Gotama, khổ có phải do tự mình làm ra và do người khác làm ra?”, Ngài trả lời: “Không phải vậy, này Kassapa”. Ðược hỏi: “Tôn giả Gotama, có phải khổ không do tự mình làm ra và không do người khác làm ra, khổ do tự nhiên sanh?”, Ngài trả lời: “Không phải vậy, này Kassapa”. Ðược hỏi: “Tôn giả Gotama, có phải khổ không có?”, Ngài trả lời: “Không phải khổ không có. Khổ có, này Kassapa”. Ðược hỏi: “Như vậy Tôn giả Gotama, không biết, không thấy khổ?”, Ngài trả lời: “Này Kassapa, không phải Ta không biết, không thấy khổ. Này Kassapa, Ta biết khổ, này Kassapa, Ta thấy khổ”. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy nói lên cho con về khổ, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết cho con về khổ.

—Một người làm và chính người làm ấy cảm thọ (kết quả). Này Kassapa, như Ông gọi ban đầu “khổ do tự mình làm ra”, như vậy có nghĩa là thường kiến.

Một người khác làm và một người khác cảm thọ. Này Kassapa, như vậy đối với người bị cảm thọ, được xảy ra như: “Khổ do người khác làm ra”, như vậy có nghĩa là đoạn kiến.

Này Kassapa, từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo con đường trung đạo. Vô minh duyên hành, hành duyên thức … Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Nhưng do ly tham và đoạn diệt hoàn toàn vô minh, các hành diệt. Do các hành diệt nên thức diệt … (như trên) … Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.

Khi được nghe nói vậy, lõa thể Kassapa bạch Thế Tôn:

—Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Và nay con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, con xin xuất gia với Thế Tôn, con xin thọ đại giới.

—Này Kassapa, ai trước kia là ngoại đạo nay muốn xuất gia, muốn thọ đại giới trong Pháp và Luật này, phải sống bốn tháng biệt trú; sau khi sống bốn tháng biệt trú, nếu chúng Tăng đồng ý sẽ cho xuất gia, cho thọ đại giới để thành vị Tỷ-kheo. Nhưng Ta nhận thấy cá tánh con người sai biệt nhau.

—Bạch Thế Tôn, nếu những người xưa kia là ngoại đạo nay muốn xuất gia, muốn thọ đại giới trong Pháp và Luật này, phải sống bốn tháng biệt trú; sau khi sống bốn tháng biệt trú, chúng Tăng nếu đồng ý sẽ cho xuất gia, cho thọ đại giới, thời con sẽ xin sống biệt trú bốn năm, sau khi sống biệt trú bốn năm nếu chúng Tăng đồng ý, mong chúng Tăng cho con xuất gia, cho con thọ đại giới để thành vị Tỷ-kheo.

Và lõa thể Kassapa được xuất gia với Thế Tôn và được thọ đại giới.

Thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Kassapa ở một mình, an tịnh, không phóng dật, sống nhiệt tâm, tinh cần. Và không bao lâu vị này chứng được mục đích tối cao mà con cháu các lương gia đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến; đó là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh ngay trong đời sống hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị này chứng tri: “Sanh đã tận. Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa”.

Và Tôn giả Kassapa trở thành một vị A-la-hán nữa.



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada