Một thời Thế Tôn ở Rājagaha, Veluvana, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
Bà-la-môn Bilangika Bharadvāja được nghe: “Bà-la-môn thuộc dòng họ Bharadvāja đã xuất gia với Sa-môn Gotama, từ bỏ gia đình, sống không gia đình”.
Phẫn nộ, không hoan hỷ, vị ấy đi đến Thế Tôn; sau khi đến, giữ yên lặng, đứng một bên.
Rồi Thế Tôn, với tâm tư của mình, biết được tâm tư của Bà-la-môn Bilangika Bharadvāja, liền nói lên bài kệ cho Bà-la-môn Bilangika Bharadvāja:
Ai hại người hiền thiện,
Thanh tịnh, không cấu nhiễm,
Ác hạnh được chín mùi,
Phản lại hại người ngu,
Chẳng khác gì ngược gió,
Lại tung vãi bụi trần.
Ðược nghe nói vậy, Bà-la-môn Bilangika Bharadvāja bạch Thế Tôn:
—Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! … Nay con quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và Tỷ-kheo Tăng. Mong cho con được xuất gia với Tôn giả Gotama…,…, Ðó là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa”.
Và Tôn giả Bharadvāja trở thành một vị A-la-hán nữa.
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada