Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sāvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anāthapiṇḍika.

Tỷ-kheo-ni Alavikà, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Sāvatthi để khất thực. Khất thực ở Sāvatthi xong, sau buổi ăn, trên con đường khất thực trở về, Tỷ-kheo-ni đi đến rừng Andha để tìm sự yên tĩnh viễn ly.

Ác ma muốn làm Tỷ-kheo-ni Alavikà run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn nàng từ bỏ yên tĩnh viễn ly, nên đi đến Tỷ-kheo-ni Alavikà và nói lên bài kệ:

Ðời không có xuất ly,
Sống viễn ly làm gì?
Hãy trọn hưởng dục lạc,
Chớ hối hận về sau.

Tỷ-kheo-ni Alavikà suy nghĩ: “Ai đã nói lên bài kệ này? Người hay không phải người?”

Tỷ-kheo-ni Alavikà suy nghĩ: “Chính Ác ma muốn làm ta run sợ, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, muốn làm ta từ bỏ yên tĩnh viễn ly nên đã nói lên bài kệ đó”.

Tỷ-kheo-ni Alavikà biết được: “Ðấy là Ác ma”, liền nói lên bài kệ:

Ở đời có xuất ly,
Nhờ trí tuệ, ta chứng.
Này Bà con phóng dật,
Biết sao được pháp ấy?
Ái dục như kiếm thương,
Ðài chém đầu các uẩn.
Ðiều Ông gọi dục lạc,
Ta gọi là bất lạc.

Ác ma biết được: “Tỷ-kheo-ni Alavikà đã biết ta”, nên buồn khổ, thất vọng, liền biến mất tại chỗ ấy.



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada