Lại nữa này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Những dục hiện tại … và những sắc tưởng tương lai, và những bất động tưởng, tất cả tưởng, chỗ nào các tưởng ấy được đoạn diệt không có dư tàn, như vậy là tịch tịnh, như vậy là thù diệu, tức là vô sở hữu”. Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trí trở thành an tịnh trong giới xứ (của nó). Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu Vô sở hữu xứ ngay trong hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, thức diễn tiến ấy có thể tùy theo đây đạt đến Vô sở hữu xứ. Như vậy, này các Tỷ-kheo được gọi là đệ nhất hành đạo về lợi ích Vô sở hữu xứ.

Lại nữa này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử đi đến khu rừng hay đi đến dưới gốc cây và suy nghĩ như sau: “Trống không là tự ngã hay ngã này sở hữu”. Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trí trở thành an tịnh trong giới xứ (của nó). Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu Vô sở hữu xứ ngay trong hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, thức diễn tiến ấy có thể tùy theo đây đạt đến Vô sở hữu xứ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, được gọi là đệ nhị hành đạo về lợi ích Vô sở hữu xứ.

Lại nữa này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử suy nghĩ như sau: “Ta không có bất cứ chỗ nào, cho ai và trong hình thức nào, và sở thuộc của ta không có bất cứ chỗ nào, cho ai và trong hình thức nào”. Trong khi vị ấy hành trì như vậy, an trú nhiều lần như vậy, tâm trí trở thành an tịnh trong trú xứ (của nó). Với tâm an tịnh, vị ấy thành tựu Vô sở hữu xứ trong hiện tại hay thiên nặng về trí tuệ. Sau khi thân hoại mạng chung, sự tình này xảy ra, thức diễn tiến ấy có thể tùy theo đây đạt đến Vô sở hữu xứ. Như vậy, này các Tỷ-kheo được gọi là đệ tam hành đạo về lợi ích Vô sở hữu xứ.



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada