I. (11) Hành.
1.- Này các Tỷ-kheo, Nếu Tỷ-kheo khi đang đi khởi lên dục tầm, hay sân tầm, hay hại tầm mà nếu Tỷ-kheo chấp nhận, không có từ bỏ, không có tẩy sạch, không có chấm dứt, không có đi đến không hiện hữu; này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đang đi có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là người không có nhiệt tình, không có xấu hổ, liên tục thường hằng biếng nhác, tinh tấn hạ liệt. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang đứng ... khi đang ngồi ... khi đang nằm, thức khởi lên dục tầm, hay sân tầm, hay hại tầm mà nếu Tỷ-kheo chấp nhận, không có từ bỏ, không có tẩy sạch, không có chấm dứt, không có đi đến không hiện hữu; này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang nằm, thức có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là người không có nhiệt tình, không có xấu hổ, liên tục thường hằng biếng nhác, tinh tấn hạ liệt.
2. Này các Tỷ-kheo, Nếu Tỷ-kheo khi đang đi khởi lên dục tầm, hay sân tầm, hay hại tầm mà nếu Tỷ-kheo không chấp nhận, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không hiện hữu; này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đang đi có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là người có nhiệt tình, có xấu hổ, liên tục thường hằng tinh cần, tinh tấn, siêng năng. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang đứng ... khi đang ngồi ... khi đang nằm, thức khởi lên dục tầm, hay sân tầm, hay hại tầm mà nếu Tỷ-kheo không chấp nhận, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không hiện hữu; này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang nằm, thức có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là người có nhiệt tình, có xấu hổ, liên tục thường hằng tinh cần, tinh tấn, siêng năng.
Nếu khi đi khi đứng
Khi ngồi hay khi nằm
Khởi lên ác tầm tư
Liên hệ đến gia đình
Thực hành theo ác đạo
Mờ ám bởi si mê
Vị Tỷ-kheo như vậy
Không chứng Vô thượng giác
Ai khi đi khi đứng
Khi ngồi hay khi nằm
Ðiều phục được tâm tư
Yêu thích tầm chỉ tịnh
Vị Tỷ-kheo như vậy
Chứng được Vô thượng giác
(II) (12) Chế Ngự
- Này các Tỷ-kheo, hãy sống đầy đủ giới, đầy đủ giới bổn Pàtimokkha, được chế ngự với sự chế ngự của Pàtimokkha. Hãy sống đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Ðã sống đầy đủ giới, này các Tỷ-kheo, đầy đủ giới bổn Pàtimokkha, đã được chế ngự với sự chế ngự của Pàtimokkha, sống đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp, còn có gì cần phải làm thêm nữa?
Nếu Tỷ-kheo trong khi đi, tham, sân, si được từ bỏ, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi được từ bỏ, tinh cần, tinh tấn, không có thụ động, niệm được an trú không có thất niệm, thân được khinh an, không có cuồng nhiệt, tâm được định tĩnh nhất tâm. Này các Tỷ-kheo, nếu các Tỷ-kheo khi đang đi có sở hành như vậy; vị ấy được gọi là người có nhiệt tâm, có xấu hổ, liên tục thường hằng tinh cần, tinh tấn, siêng năng.
Nếu Tỷ-kheo trong khi đứng, ... nếu Tỷ-kheo trong khi ngồi ... nếu Tỷ-kheo trong khi nằm thức, tham, sân, si được từ bỏ ... hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi được đoạn tận , tinh cần, tinh tấn, không có thụ động, niệm được an trú không có thất niệm, thân được khinh an, không có cuồng nhiệt, tâm được định tĩnh nhất tâm. Này các Tỷ-kheo, nếu các Tỷ-kheo khi đang thức có sở hành như vậy; vị ấy được gọi là người có nhiệt tâm, có xấu hổ, liên tục thường hằng tinh cần tinh tấn, siêng năng.
Ði đứng biết tự chế
Ngồi nằm biết tự chế
Tỷ-kheo biết tự chế
Khi co tay, duỗi tay
Phía trên, ngang cùng khắp
Xa cho đến cùng tột
Bất cứ sanh thú nào
Ở tại thế giới này
Khéo quán sát sanh diệt
Của tất cả pháp uẩn
Tâm chỉ tịnh chánh hạnh
Thường xuyên chuyên học tập
Liên tục, hằng siêng năng
Tỷ-kheo được gọi vậy.
(III) (13) Chánh Cần
- Này các Tỷ-kheo, có bốn chánh cần này. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp từ trước chưa sanh không được sanh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sanh ra được diệt trừ, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp từ trước chưa sanh được sanh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sanh có thể duy trì, không có mù mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; này các Tỷ-kheo, đây là bốn chánh cần.
Với các pháp chánh cần
Chúng chinh phục Ma giới
Không dính chúng vượt qua
Sợ hãi về sanh tử
Hoan hỷ ly dục vọng
Chúng thắng Ma, Ma quân
Mọi lực namuci
Chúng thoát ly, an lạc.
(IV) (14) Chế Ngự
- Này các Tỷ-kheo, có bốn tinh cần này. Thế nào là bốn? Tinh cần chế ngự, tinh cần đoạn tận, tinh cần tu tập, tinh cần hộ trì.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tinh cần chế ngự? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên gì, vì nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thật hành sự hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng ... mũi ngửi hương ... lưỡi nếm vị ... thâm cảm xúc ... ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì ý căn không được chế ngự, khiến tham ái ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thật hành sự hộ trì ý căn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tinh cần chế ngự.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tinh cần đoạn tận? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có chấp nhận dục tầm khởi lên, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, khiến cho không hiện hữu lại; không có chấp nhận sân tầm khởi lên ... không có chấp nhận hại tầm khởi lên, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, khiến cho không hiện hữu lại, không có chấp nhận các ác bất thiện khởi lên, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, khiến cho không hiện hữu lại. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tinh cần đoạn tận.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tinh cần tu tập? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi, y chỉ viễn ly, y chỉ ly tham, y chỉ đoạn diệt, đưa đến xả ly; tu tập trạch pháp giác chi ... tu tập tinh tấn giác chi ... tu tập hỷ giác chi ... tu tập khinh an giác chi ... tu tập định giác chi ... tu tập xả giác chi, y chỉ viễn ly, y chỉ ly tham, y chỉ đoạn diệt, đưa đến xả ly. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tinh cần tu tập.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tinh cần hộ trì? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hộ trì định tướng hiền thiện đã sanh, tướng bộ xương, tướng trùng ăn, tướng bầm xanh, tướng đầy ứ, mủ nồng, tướng nứt nẻ, tướng phồng trướng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tinh cần hộ trì.
Này các Tỷ-kheo, có bốn này tinh cần này.
Chế ngự và đoạn tận
Tu tập và hộ trì
Bốn loại tinh cần này
Ðược bà con mặt trời
Tuyên bố và thuyết giảng
Ở đời vị Tỷ-kheo
Nhiệt tình đối với chúng
Ðạt được diệt khổ tận
(V) (15) Thi Thiết
- Này các Tỷ-kheo, có bốn thi thiết tối thượng này. Thế nào là bốn?
Tối thượng trong những kẻ có tự ngã, này các Tỷ-kheo, tức là Ràhu, A-tu-la vương. Tối thượng trong các vị thọ hưởng các dục, này các Tỷ-kheo, tức là vua Mandhàtà. Tối thượng trong các vị có quyền lực tối thắng, này các Tỷ-kheo, tức là ác Ma. Trong thế giới chư Thiên, Ác ma, Phạm thiên, cùng với các Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, này các Tỷ-kheo, Như Lai được gọi là tối thượng, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.
Này các Tỷ-kheo, có bốn sự thi thiết tối thượng này.
Ràhù là tối thượng
Trong các vị tự ngã
Mandhàtà tối thượng
Trong các vị hưởng dục
Màrà là tối thượng
Giữa những bậc uy quyền
Với thần túc danh xưng
Vị ấy được chói sáng
Phía trên, ngang phía dưới
Khắp sanh thú ở đời
Trong thế giới chư Thiên
Phật được gọi tối thượng.
(VI) (16).- Trí Tế Nhị
- Này các Tỷ-kheo, có bốn trí tế nhị này. Thế nào là bốn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thành tựu trí tế nhị đối với sắc, không thấy một trí tế nhị đối với sắc nào khác tối thượng hơn, thù diệu hơn trí tế nhị thù thắng ấy. Vị ấy không có phát nguyện đạt đến một trí tế nhị đối với sắc nào khác tối thượng hơn, thù diệu hơn trí tế nhị thù thắng ấy. Vị ấy thành tựu trí tế nhị đối với thọ, không thấy một trí tế nhị đối với thọ nào khác tối thượng hơn, thù diệu hơn trí tế nhị thù thắng ấy. Vị ấy không có phát nguyện đạt đến một trí tế nhị đối với thọ nào khác tối thượng hơn, thù diệu hơn trí tế nhị thù thắng ấy. Vị ấy thành tựu trí tế nhị đối với tưởng ... thành tựu trí tế nhị đối với các hành, không thấy một trí tế nhị đối với hành nào khác tối thượng hơn, thù diệu hơn trí tế nhị thù thắng ấy. Vị ấy không có phát nguyện đạt đến một trí tế nhị đối với hành nào khác tối thượng hơn, thù diệu hơn trí tế nhị thù thắng ấy. Này các Tỷ-kheo, đây là bốn trí tế nhị.
Biết trí tế nhị sắc
Biết hiện hữu các thọ
Từ đâu tưởng sanh khởi
Tại đâu tưởng chấm dứt
Biết các hành biến khác
Là không, không là ngã
Nếu Tỷ-kheo thấy chánh
Tịch tịnh, ưa tịch tịnh
Thọ trì thân tối hậu
Thắng Ma và Ma quân.
(VI) (17) Sanh Thú Không Nên Ði
- Này các Tỷ-kheo, có bốn sanh thú này không nên đi đến. Thế nào là bốn?
Ði đến sanh thú vì dục, đi đến sanh thú vì sân, đi đến sanh thú vì si, đi đến sanh thú vì sợ hãi. Có bốn sanh thú này không nên đi đến.
Dắt dẫn bởi dục sân
Bởi sợ hãi si mê
Ai vượt qua chánh pháp
Thời danh xưng người ấy
Bị tổn hại hư hại
Như trăng trong thời tối.
(VIII) (18) Sanh Thú Nên Ði
- Này các Tỷ-kheo, có bốn sanh thú này nên đi đến. Thế nào là bốn?
Không vì dục đi đến sanh thú, không vì sân đi đến sanh thú, không vì si đi đến sanh thú, không vì sợ hãi đi đến sanh thú. Này các Tỷ-kheo, có bốn sanh thú này nên đi đến.
Dắt dẫn bởi dục sân
Bởi sợ hãi si mê
Ai không vượt chánh pháp
Thời danh xưng người ấy
Ðược đầy đủ vuông tròn
Như trăng trong thời sáng
(IX) (19) Không Nên Ði
(Kinh này là kinh 17 và kinh 18 hợp lại)
(X) (20) Người Ðầu Bếp
- Thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, người đầu bếp như vậy tương xứng bị quăng vào địa ngục. Thế nào là bốn?
Ði đến sanh thú vì dục, đi đến sanh thú vì sân, đi đến sanh thú vì si, đi đến sanh thú vì sợ hãi. Thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, một người đầu bếp như vậy tương xứng bị quăng vào địa ngục.
- Thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, một người đầu bếp như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời. Thế nào là bốn?
Không vì dục đi đến sanh thú, không vì sân đi đến sanh thú, không vì si đi đến sanh thú, không vì sợ hãi đi đến sanh thú. Thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời.
Những ai đối với dục
Hạng người không chế ngự
Là hạng người phi pháp
Tôn trọng điều phi pháp
Họ đi bị dắt dẫn
Bởi dục sân, sợ hãi
Làm uế nhiễm hội chúng
Họ được gọi như vậy
Như vậy họ được gọi
Bởi Sa-môn hiểu biết
Do vậy bậc Chân nhân
Các bậc đáng tán thán
Họ trú vào Chánh pháp
Họ không làm điều ác
Họ đi, không bị dẫn
Bởi dục, sân, sợ hãi
Tinh hoa của hội chúng
Họ được gọi như vậy
Như vậy họ được gọi
Bởi Sa-môn hiểu biết
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada