Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Āḷavi, tại trú xứ của Dạ-xoa Alavakka.

Rồi Dạ-xoa Āḷavaka nói với Thế Tôn:

—Này Sa-môn, hãy đi ra!

—Lành thay, Hiền giả.

Thế Tôn nói và đi ra.

—Này Sa-môn, hãy đi vào.

—Lành thay, Hiền giả.

Thế Tôn nói và đi vào.

Lần thứ hai, Dạ-xoa Āḷavaka nói với Thế Tôn:

—Này Sa-môn, hãy đi ra.

—Lành thay, Hiền giả.

Thế Tôn nói và đi ra.

—Này Sa-môn, hãy đi vào.

—Lành thay, Hiền giả.

Thế Tôn nói và đi vào.

Lần thứ ba, Dạ-xoa Āḷavika nói với Thế Tôn:

—Này Sa-môn, hãy đi ra.

—Lành thay, Hiền giả.

Thế Tôn nói và đi ra.

—Này Sa-môn, hãy đi vào.

—Lành thay, Hiền giả.

Thế Tôn nói và đi vào.

Lần thứ tư, Dạ-xoa Āḷavika nói với Thế Tôn:

—Này Sa-môn, hãy đi ra.

—Này Hiền giả, Ta không đi ra. Hãy làm gì Ông nghĩ là phải làm.

—Này Sa-môn, ta sẽ hỏi Ông một câu hỏi. Nếu Ông không trả lời ta được, ta sẽ làm tâm Ông điên loạn, hay ta làm Ông bể tim, hay nắm lấy chân, ta sẽ quăng Ông qua bờ bên kia sông Hằng.

—Này Hiền giả, Ta không thấy một ai, ở thế giới chư Thiên, Ma giới hay Phạm thiên giới, với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người có thể làm tâm Ta điên loạn, hay làm bể tim Ta hay nắm lấy chân, quăng Ta qua bờ bên kia sông Hằng. Tuy vậy, này Hiền giả, hãy hỏi đi như Ông muốn.

(Dạ-xoa):Cái gì đối người đời,
Là tài sản tối thượng?
Cái gì khéo hành trì,
Ðem lại chơn an lạc?
Cái gì giữa các vị,
Là vị ngọt tối thượng?
Phải sống như thế nào,
Ðược gọi sống tối thượng?

(Thế Tôn):Lòng tin đối người đời,
Là tài sản tối thượng.
Chánh pháp khéo hành trì,
Ðem lại chơn an lạc.
Chân lý giữa các vị,
Là vị ngọt tối thượng.
Phải sống với trí tuệ,
Ðược gọi sống tối thượng.

(Dạ-xoa):Làm sao vượt bộc lưu?
Làm sao vượt biển lớn?
Làm sao siêu khổ não?
Làm sao được thanh tịnh?

(Thế Tôn):Với tín, vượt bộc lưu.
Không phóng dật, vượt biển.
Tinh tấn, siêu khổ não.
Với Trí, được thanh tịnh.

(Dạ-xoa):Làm sao được trí tuệ?
Làm sao được tài sản?
Làm sao đạt danh xưng?
Làm sao kết bạn hữu?
Ðời này qua đời khác,
Làm sao không sầu khổ?

(Thế Tôn):Ai tin tưởng Chánh pháp
Của bậc A-la-hán,
Pháp ấy khiến đạt được,
Niết-bàn (chơn an lạc),
Khéo học, không phóng dật,
Minh nhãn khéo phân biệt,
Nhờ hành trì như vậy,
Vị ấy được trí tuệ.
Làm gì khéo thích hợp,
Gánh vác các trách nhiệm,
Phấn chấn, thích hoạt động,
Như vậy được tài sản,
Chơn thật đạt danh xưng,
Bố thí kết bạn hữu,
Ðời này qua đời khác,
Như vậy không sầu khổ.
Tín nam gia chủ nào,
Tìm cầu bốn pháp này,
Chơn thực và chế ngự,
Kiên trì và xả thí,
Vị ấy sau khi chết,
Không còn phải sầu khổ.
Ðời này qua đời khác,
Sau chết, không sầu khổ.
Ta muốn Ông đến hỏi,
Sa-môn, Bà-la-môn,
Có những pháp nào khác,
Tốt hơn bốn pháp này:
Chơn thực và chế ngự,
Xả thí và kham nhẫn.

(Dạ-xoa):Làm sao nay ta hỏi,
Sa-môn, Bà-la-môn,
Khi nay ta được biết,
Nguyên nhân của đời sau.
Phật đến Āḷavi,
Thật lợi ích cho ta.
Nay ta được biết rõ,
Cho gì được quả lớn.
Nên ta sẽ bộ hành,
Làng này qua làng khác,
Thành này qua thành khác,
Ðảnh lễ Phật Chánh Giác,
Cùng đảnh lễ Chánh pháp,
Các vị chứng Pháp tánh.



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada