Như vầy tôi nghe.
Một thời Tôn giả Mahākaccāna (Ðại Ca-chiên-diên) trú ở Madhura, tại rừng Gunda.
Vua Madhura Avantiputta được nghe như sau: “Sa-môn Mahākaccāna trú ở Madhura, tại rừng Gunda. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được khởi lên về Tôn giả Kaccāna: “Tôn giả là bậc Hiền giả, bậc Trí giả, thông minh, đa văn, nói năng lưu loát, nhà biện tài lão luyện, bậc trưởng thượng, bậc A-la-hán. Thật tốt lành thay được yết kiến một vị A-la-hán như vậy”.
Rồi vua Madhura Avantiputta cho thắng nhiều cỗ xe thù thắng, leo lên một cỗ xe thù thắng và đi ra khỏi Madhura với uy vệ của bậc đại vương để yết kiến Tôn giả Mahākaccāna. Vua đi xe cho đến chỗ còn có thể đi xe được, rồi xuống xe đi bộ đi đến chỗ Tôn giả Mahākaccāna, sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Tôn giả Mahākaccāna, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, vua Madhura Avantiputta thưa với Tôn giả Mahākaccāna
—Thưa Tôn giả Kaccāna, các vị Bà-la-môn đã nói như sau: “Chỉ có Bà-la-môn là chủng tánh tối thượng, các chủng tánh khác là hạ liệt; chỉ có Bà-la-môn là bạch chủng, các chủng tánh khác là hắc chủng; chỉ có Bà-la-môn là thanh tịnh, các chủng tánh phi Bà-la-môn không như vậy; các Bà-la-môn là con Phạm thiên. Các Bà-la-môn là con chính tông của Phạm thiên, sanh ra từ miệng, sanh ra từ Phạm thiên, tạo tác bởi Phạm thiên, thừa tự Phạm thiên. Ở đây, Tôn giả Kaccāna đã nói gì?
—Thưa Ðại vương, đây chỉ là một âm thanh ở đời (câu nói): “Chỉ có Bà-la-môn là chủng tánh tối thượng, chủng tánh khác là hạ liệt; chỉ có Bà-la-môn là bạch chủng, các chủng tánh khác là hắc chủng; chỉ có Bà-la-môn là thanh tịnh, các chủng tánh phi Bà-la-môn không như vậy. Các Bà-la-môn là con Phạm thiên. Các Bà-la-môn là con chính tông của Phạm thiên sanh ra từ miệng, sanh ra từ Phạm thiên, tạo tác bởi Phạm thiên, thừa tự Phạm thiên”. Ðây chỉ là một pháp môn, với pháp môn này cần được hiểu như là một âm thanh ở đời. (Câu nói): “Chỉ có Bà-la-môn là chủng tánh tối thượng, các chủng tánh khác là hạ liệt … thừa tự Phạm thiên”.
Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu có người Khattiya (Sát-đế-lị) sống sung túc với tài sản, ngũ cốc, vàng hay bạc, người ấy có thể có một người Khattiya khác là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái; hay người ấy có thể có một vị Bà-la-môn, hay người ấy có thể có một vị Vessa (Tỳ-xá, Phệ-xá) hay người ấy có thể có một Sudda (Thủ-đà) là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái?
—Thưa Tôn giả Kaccāna, nếu có người Khattiya sống sung túc với tài sản, ngũ cốc, vàng hay bạc, người ấy có thể có một người Khattiya khác là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái; người ấy cũng có thể có một người Bà-la-môn, hay người ấy có thể có một Vessa, hay người ấy có thể có một người Sudda là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái.
—Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu có một Bà-la-môn sống sung túc với tài sản, ngũ cốc, vàng hay bạc, người ấy có thể có một người Bà-la-môn khác là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái; hay người ấy có thể có một vị Khattiya, hay người ấy có thể có một vị Vessa, hay người ấy có thể có một người Sudda là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái?
—Thưa Tôn giả Kaccāna, nếu có người Bà-la-môn sống sung túc với tài sản, ngũ cốc, vàng hay bạc, người ấy có thể có một người Bà-la-môn khác là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái; hay người ấy có thể có một vị Khattiya, hay người ấy có thể có một vị Vessa, hay người ấy có thể có một vị Sudda là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái.
—Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu có một Vessa sống sung túc với tài sản, ngũ cốc, vàng hay bạc, người ấy có thể có một người Vessa khác là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng người, lời nói kính ái; hay người ấy có thể có một Khattiya hay người ấy có thể có một Bà-la-môn, hay người ấy có thể có một Sudda là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái?
—Thưa Tôn giả Kaccāna, nếu có người Vessa sống sung túc với tài sản, ngũ cốc, vàng hay bạc; người ấy có thể có một người Vessa khác là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái; hay người ấy có thể có một người Khattiya, hay người ấy có thể có một người Bà-la-môn, hay người ấy có thể có một người Sudda là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái.
—Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu có người Sudda sống sung túc với tài sản, ngũ cốc, vàng hay bạc, người ấy có thể có một người Sudda khác, là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái; hay người ấy có thể có một Khattiya, hay người ấy có thể có một người Bà-la-môn, hay người ấy có thể có một người Vessa là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái?
—Thưa Tôn giả Kaccāna, nếu có người Sudda sống sung túc với tài sản, ngũ cốc, vàng hay bạc, người ấy có thể có một người Sudda khác là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái; hay người ấy có thể có một Khattiya, hay người ấy có thể có một Bà-la-môn, hay người ấy có thể có một người Vessa là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái.
—Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu sự tình là như vậy, thời bốn chủng tánh này là đồng đẳng, hay không đồng đẳng? Và ở đây Ðại vương có ý nghĩ như thế nào?
—Thật vậy, thưa Tôn giả Kaccāna, nếu sự tình là như vậy thời bốn chủng tánh này là đồng đẳng. Ở đây, tôi không thấy có sự sai biệt gì.
—Do pháp môn này, thưa Ðại vương, vấn đề này cần phải được hiểu như âm thanh ở trên đời (câu nói): “Chỉ có Bà-la-môn là chủng tánh tối thượng, các chủng tánh khác là hạ liệt … thừa tự Phạm thiên. Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Ở đây, có người Khattiya sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong dâm dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham dục, sân hận, tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy có sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục không, hay không phải thác sanh? Hay ở đây Ðại vương nghĩ thế nào?
—Người Khattiya, thưa Tôn giả Kaccāna, sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong dâm dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham dục, sân hận, tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy có thể sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ở đây, đối với tôi là vậy, và như vậy là điều tôi đã nghe từ các vị A-la-hán.
—Lành thay! Lành thay, thưa Ðại vương! Lành thay Ðại vương! Ở đây, đối với Ðại vương là vậy, và lành thay như vậy là điều Ðại vương đã được nghe từ các vị A-la-hán. Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Ở đây, có người Bà-la-môn; ở đây, có người Vessa; ở đây, có người Sudda sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong dâm dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham dục, sân hận, tà kiến sau khi thân hoại mạng chung, có sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục không, hay không phải thác sanh? Hay ở đây, Ðại vương nghĩ thế nào?
—Người Sudda, thưa Tôn giả Kaccāna, sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời ác ngữ, nói lời phù phiếm, tham dục, sân hận, tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, có thể sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ở đây, đối với tôi là vậy, và như vậy là điều tôi đã nghe từ các vị A-la-hán.
—Lành thay, lành thay, thưa Ðại vương! Lành thay, Ðại vương! Ở đây, đối với Ðại vương là vậy, và lành thay như vậy là điều Ðại vương đã được nghe từ các vị A-la-hán. Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu sự tình là như vậy, thời bốn chủng tánh này là đồng đẳng, hay không đồng đẳng? Và ở đây, Ðại vương có ý nghĩ như thế nào?
—Thật vậy, thưa Tôn giả Kaccāna, nếu sự tình là như vậy thời bốn chủng tánh này là đồng đẳng. Ở đây, tôi không thấy có sự sai biệt gì.
—Do pháp môn này, thưa Ðại vương, vấn đề này cần phải được hiểu như âm thanh ở trên đời, (câu nói): “Chỉ có Bà-la-môn là chủng tánh tối thượng, các chủng tánh khác là hạ liệt … thừa tự Phạm thiên. Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Ở đây, có người Khattiya từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân hận, có chánh kiến, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy có thể sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này không, hay không thể thác sanh? Hay ở đây, Ðại vương nghĩ thế nào?
—Người Khattiya, thưa Tôn giả Kaccāna, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân hận, theo chánh kiến, sau khi thân hoại mang chung, người ấy có thể sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Ở đây, đối với tôi là vậy và như vậy là điều tôi đã nghe từ các vị A-la-hán.
—Lành thay, lành thay, thưa Ðại vương! Lành thay, Ðại vương. Ở đây, đối với Ðại vương là vậy, và lành thay như vậy là điều Ðại vương đã được nghe từ các vị A-la-hán. Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Ở đây, nếu có vị Bà-la-môn, ở đây nếu có vị Vessa, ở đây nếu có vị Sudda từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân hận, theo chánh kiến, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy có thể sanh thiện thú, Thiên giới, cõi đời này hay không, hay không thể thác sanh? Hay ở đây, Ðại vương nghĩ thế nào?
—Người Sudda, thưa Tôn giả Kaccāna, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân hận, theo chánh kiến, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy có thể sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Ở đây, đối với tôi là vậy; và như vậy là điều tôi đã nghe từ các vị A-la-hán.
—Lành thay, lành thay, thưa Ðại vương! Lành thay, Ðại vương! Ở đây, đối với Ðại vương là vậy, và lành thay như vậy là điều Ðại vương đã được nghe từ các vị A-la-hán. Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu sự tình là như vậy, thời bốn chủng tánh này là đồng đẳng hay không đồng đẳng? Và ở đây, Ðại vương có ý nghĩ thế nào?
—Thật vậy thưa Tôn giả Kaccāna, nếu sự tình là như vậy, thời bốn chủng tánh này là đồng đẳng. Ở đây, tôi không thấy có sự sai biệt gì.
—Do pháp môn này, thưa Ðại vương, vấn đề này cần phải được hiểu như âm thanh ở trên đời, (câu nói): “Chỉ có Bà-la-môn là chủng tánh tối thượng, các chủng tánh khác là hạ liệt … là thừa tự Phạm thiên. Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Ở đây, vị Khattiya đột nhập nhà cửa, cướp giật đồ đạc, hành động như kẻ cướp, phục kích các đường lớn hay tư thông vợ người. Và nếu có người bắt người ấy và dẫn người ấy đến trước mặt Ðại vương và thưa: “Tâu Ðại vương, đây là kẻ ăn trộm đã làm hại đến Ðại vương. Nếu Ðại vương muốn, hãy hình phạt nó”. Hay Ðại vương đối xử người ấy như thế nào?
—Thưa Tôn giả Kaccāna, chúng tôi sẽ chém giết người ấy, hay chúng tôi sẽ tra tấn người ấy, chúng tôi sẽ tẩn xuất người ấy hay chúng tôi sẽ áp dụng hình phạt tùy theo tội trạng. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả Kaccāna, danh xưng Khattiya mà xưa kia người ấy được gọi đã biến mất. Nay người ấy chỉ được gọi là tên ăn trộm.
—Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Ở đây, người Bà-la-môn; ở đây, người Vessa; ở đây, người Sudda đột nhập nhà cửa, hay cướp giật đồ đạc, hay hành động kẻ cướp, hay phục kích các đường lớn, hay tư thông vợ người. Và nếu có người bắt người ấy, dẫn người ấy đến trước mặt Ðại vương và thưa: “Tâu Ðại vương, đây là kẻ ăn trộm đã làm hại đến Ðại vương. Nếu Ðại vương muốn, hãy hình phạt nó”. Hay Ðại vương đối xử với nó như thế nào?
—Thưa Tôn giả Kaccāna, chúng tôi sẽ chém giết người ấy hay chúng tôi sẽ tra tấn người ấy, hay chúng tôi sẽ tẩn xuất người ấy, hay chúng tôi sẽ áp dụng hình phạt tùy theo tội trạng. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả Kaccāna, danh xưng Sudda mà xưa kia người ấy được gọi đã biến mất. Nay người ấy chỉ được gọi là tên ăn trộm.
—Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu sự tình là như vậy, thời bốn chủng tánh này là đồng đẳng hay không đồng đẳng? Và ở đây, Ðại vương có ý nghĩ gì?
—Thật vậy, thưa Tôn giả Kaccāna, nếu sự tình là như vậy, thời bốn chủng tánh này là đồng đẳng. Ở đây, tôi không thấy có sự sai biệt gì.
—Do pháp môn này, thưa Ðại vương, vấn đề này cần phải được hiểu như âm thanh ở trên đời, (câu nói): “Chỉ có Bà-la-môn là chủng tánh tối thượng, các chủng tánh khác là hạ liệt … là thừa tự Phạm thiên”. Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Ở đây, vị Khattiya, sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ nói láo, chỉ ăn một bữa, sống Phạm hạnh, trì giới luật, trì thiện pháp; Ðại vương đối xử với vị ấy như thế nào?
—Thưa Tôn giả Kaccāna, tôi sẽ đảnh lễ hay đứng dậy, hay mời chỗ ngồi, hay cúng dường vị ấy bốn loại đồ dùng như y phục, ẩm thực, sàng tọa, y dược trị bệnh, hay chúng tôi sắp đặt sự bảo vệ hộ trì, che chở đúng pháp. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả Kaccāna, danh xưng Sudda mà xưa kia vị ấy được gọi đã biến mất. Nay vị ấy chỉ được gọi là một vị Sa-môn.
—Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Ở đây, người Bà-la-môn, ở đây người Vessa, ở đây người Sudda sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ nói láo, ăn một ngày một bữa, sống Phạm hạnh, trì giới luật, trì thiện pháp; Ðại vương đối xử với vị ấy như thế nào?
—Thưa Tôn giả Kaccāna, tôi sẽ đảnh lễ, hay đứng dậy, hay mời chỗ ngồi, hay cúng dường vị ấy bốn loại đồ dùng, như y phục, ẩm thực, sàng tọa, y dược trị bệnh, hay chúng tôi sắp đặt sự bảo vệ, hộ trì, che chở đúng pháp. Vì sao vậy? Thưa Tôn giả Kaccāna, danh xưng Sudda mà xưa kia vị ấy được gọi đã biến mất. Nay vị ấy chỉ được gọi là một vị Sa-môn.
—Thưa Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu sự tình là như vậy, thời bốn chủng tánh này là đổng đẳng hay không đồng đẳng? Và Ðại vương, ở đây, Ðại vương có ý nghĩ thế nào?
—Thật vậy, thưa Tôn giả Kaccāna, nếu sự tình là như vậy, thời bốn chủng tánh này là đồng đẳng. Ở đây, tôi không thấy có sự sai biệt gì.
—Do pháp môn này, thưa Ðại vương, vấn đề này cần phải hiểu như âm thanh ở trên đời, (câu nói): “Chỉ có Bà-la-môn là chủng tánh tối thượng, các chủng tánh khác là hạ liệt; chỉ có Bà-la-môn là bạch chủng, các chủng tánh khác là hắc chủng, chỉ có Bà-la-môn là thanh tịnh, các chủng tánh phi Bà-la-môn không phải như vậy. Các Bà-la-môn là con Phạm thiên. Các Bà-la-môn là con chính tông của Phạm thiên, sanh ra từ miệng, sanh ra từ Phạm thiên, thừa tự Phạm thiên”.
Khi được nói vậy, vua Madhura Avantiputta thưa với Tôn giả Mahākaccāna
—Thật vi diệu thay, Tôn giả Kaccāna! Thật vi diệu thay, Tôn giả Kaccāna! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho những người đi lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Kaccāna dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Con xin quy y Tôn giả Kaccāna, quy y Pháp, quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Kaccāna nhận con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
—Thưa Ðại vương, Ðại vương chớ có quy y tôi, Ðại vương hãy quy y Thế Tôn, chính tôi đã quy y Thế Tôn.
—Thưa Tôn giả Kaccāna, nay bậc Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ấy trú ở đâu?
—Bậc Thế Tôn ấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, nay đã nhập Niết-bàn rồi, thưa Ðại vương.
—Thưa Tôn giả Kaccāna, nếu chúng tôi được nghe Thế Tôn ở xa mười yojana (do tuần), chúng tôi sẽ đi mười yojana để yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Thưa Tôn giả Kaccāna, nếu chúng tôi được nghe Thế Tôn ở xa hai mươi yojana, ba mươi yojana, bốn mươi yojana, năm mươi yojana, chúng tôi sẽ đi năm mươi yojana, để yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Thưa Tôn giả Kaccāna, vì rằng Thế Tôn đã nhập Niết-bàn rồi, chúng tôi xin quy y Thế Tôn đã nhập Niết-bàn ấy, quy y Pháp, quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Kaccāna nhận con làm Cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada