1.Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn, trong khi đi du hành ở xứ sở của những người Mallā cùng với đại chúng tỳ khưu, đã ngự đến thành Pāvā. Tại đó, nơi thành Pāvā, đức Thế Tôn ngụ ở vườn xoài của Cunda, con trai người thợ rèn.
2.Cunda, con trai người thợ rèn, đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn trong khi đi du hành ở xứ sở của những người Mallā cùng với đại chúng tỳ khưu, đã đi đến thành Pāvā. Ở thành Pāvā, Ngài ngụ ở vườn xoài của ta.” Sau đó, Cunda, con trai người thợ rèn, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi Cunda, con trai người thợ rèn, đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho người ấy bằng bài Pháp thoại.
3.Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, Cunda, con trai người thợ rèn, đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn cùng với hội chúng tỳ khưu nhận lời bữa trai phạn của con vào ngày mai.” Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, Cunda, con trai người thợ rèn, hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
4.Sau đó, khi trải qua đêm ấy, Cunda, con trai người thợ rèn, đã cho chuẩn bị vật thực cứng mềm hảo hạng và dồi dào món thịt heo hầm tại tư gia, rồi cho thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn: “Bạch Ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.” Khi ấy, vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã quấn y (nội), rồi cầm bình bát và y cùng với hội chúng tỳ khưu đi đến tư gia của Cunda, con trai người thợ rèn, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt. Sau khi đã ngồi xuống, đức Thế Tôn đã bảo Cunda, con trai người thợ rèn, rằng: “Này Cunda, món thịt heo hầm nào đã được ngươi chuẩn bị thì hãy dọn cho Ta món ấy. Còn các vật thực cứng mềm nào khác đã được chuẩn bị thì hãy dọn cho hội chúng tỳ khưu món ấy.”
5.“Bạch Ngài, xin vâng.” Cunda, con trai người thợ rèn, nghe theo đức Thế Tôn và món thịt heo hầm nào đã được chuẩn bị thì đã dọn cho đức Thế Tôn món ấy. Còn vật thực cứng mềm nào khác đã được chuẩn bị thì đã dọn cho hội chúng tỳ khưu món ấy.
6.Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo với Cunda, con trai người thợ rèn, rằng: “Này Cunda, phần thịt heo hầm của ngươi còn thừa lại, hãy chôn nó xuống ở hố. Này Cunda, Ta không nhìn thấy người nào ở thế gian, tính luôn cõi chư Thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm Thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài người, mà món ăn ấy khi đã được người ấy ăn vào có thể đi đến sự tiêu hóa tốt đẹp, ngoại trừ đức Như Lai.” “Bạch Ngài, xin vâng.” Cunda, con trai người thợ rèn, nghe theo đức Thế Tôn đã chôn phần thịt heo hầm còn thừa lại xuống ở hố, rồi đã đi đến gặp đức Thế tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi Cunda, con trai người thợ rèn, đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho người ấy bằng bài Pháp thoại, rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
7.Sau đó, khi đức Thế Tôn đã ăn xong bữa ăn của Cunda, con trai người thợ rèn, có cơn bệnh dữ dội đã phát khởi đến Ngài, với triệu chứng tiêu chảy ra máu và các cảm thọ khốc liệt kề cận cái chết. Tại đó, đức Thế Tôn đã chịu đựng, có niệm, có sự nhận biết rõ, không sầu khổ.
8.Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, chúng ta hãy đến, chúng ta sẽ đi đến Kusinārā.” “Bạch Ngài, xin vâng,” đại đức Ānanda đã đáp lời đức Thế Tôn.
“Tôi đã nghe rằng: Sau khi thọ thực bữa ăn của người thợ rèn Cunda,
bậc Sáng Trí đã tiếp cận cơn bệnh khốc liệt, kề cận cái chết.
Và khi đã ăn vào món thịt heo hầm,
cơn bệnh khốc liệt đã phát khởi đến bậc Đạo Sư.
Trong khi được xổ, đức Thế Tôn đã nói rằng:
‘Chúng ta hãy đi đến thành Kusinārā.’”
9.Khi ấy, đức Thế Tôn đã rời con đường lộ rồi đi đến gần gốc cây nọ, sau khi đến đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, vậy ngươi hãy xếp đặt y hai lớp được gấp tư lại. Này Ānanda, Ta đang mệt, Ta sẽ ngồi xuống.” “Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Ānanda nghe theo đức Thế Tôn đã xếp đặt y hai lớp được gấp tư lại. Đức Thế Tôn đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt sẵn. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, vậy ngươi hãy mang nước lại. Này Ānanda, Ta bị khát, Ta sẽ uống nước.” Khi được nói như vậy, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, giờ đây các cỗ xe hàng số lượng năm trăm vừa đi qua. Nước ấy, bị bánh xe chạy qua, trở nên ít ỏi, bị quậy lên, bị vẩn đục, trôi chảy. Bạch Ngài, con sông Kukutthā ở nơi không xa, có nước trong, có nước lành, có nước mát, có nước sạch, có bến nước xinh xắn. Ở nơi này, đức Thế Tôn sẽ uống nước và sẽ làm mát mẻ cơ thể.” Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, vậy ngươi hãy mang nước lại. Này Ānanda, Ta bị khát, Ta sẽ uống nước.” Đến lần thứ nhì, —như trên— sẽ làm mát mẻ cơ thể.” Đến lần thứ ba, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, vậy ngươi hãy mang nước lại. Này Ānanda, Ta bị khát, Ta sẽ uống nước.” “Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Ānanda nghe theo đức Thế Tôn đã cầm lấy cái bình bát đi đến gần con sông ấy.
10.Khi ấy, con sông ấy, bị bánh xe chạy qua, trở nên ít ỏi, bị quậy lên, bị vẩn đục, đang trôi chảy, trong khi đại đức Ānanda đang đi đến gần, thì trở nên trong sạch, không bị vẩn đục, tinh khiết, trôi chảy. Khi ấy, đại đức Ānanda đã khởi ý điều này: “Thật là kỳ diệu! Thật là phi thường! Đức Như Lai có đại thần lực, có đại oai lực! Bởi vì con sông này đây, bị bánh xe chạy qua, trở nên ít ỏi, bị quậy lên, bị vẩn đục, đang trôi chảy, trong khi ta đang đi đến gần, thì trở nên trong sạch, không bị vẩn đục, tinh khiết, trôi chảy.” Sau khi lấy nước uống bằng cái bình bát, đại đức Ānanda đã đi gặp đến đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, thật là kỳ diệu! Bạch Ngài, thật là phi thường! Đức Như Lai có đại thần lực, có đại oai lực! Bạch Ngài, bởi vì con sông này đây, bị bánh xe chạy qua, trở nên ít ỏi, bị quậy lên, bị vẩn đục, đang trôi chảy, trong khi con đang đi đến gần, thì trở nên trong sạch, không bị vẩn đục, tinh khiết, trôi chảy. Xin đức Thế Tôn hãy uống nước, xin đấng Thiện Thệ hãy uống nước.” Khi ấy, đức Thế Tôn đã uống nước.
11.Sau đó, đức Thế Tôn cùng với đại chúng tỳ khưu đã đi đến sông Kukutthā, sau khi đến đã đi xuống sông Kukutthā, tắm, và đi trở lên rồi đi đến vườn xoài, sau khi đến đã bảo đại đức Cundaka rằng: “Này Cundaka, vậy ngươi hãy xếp đặt y hai lớp được gấp tư lại. Này Ānanda, Ta đang mệt, Ta sẽ nằm xuống.” “Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Cundaka nghe theo đức Thế Tôn đã xếp đặt y hai lớp được gấp tư lại. Sau đó, đức Thế Tôn đã nằm thế nằm của loài sư tử bằng hông bên phải, đặt bàn chân này lên bàn chân kia, có niệm, có sự nhận biết rõ, sau khi đã tác ý đến tư tưởng về việc đứng dậy, còn đại đức Cundaka đã ngồi xuống ngay tại chỗ ấy, phía trước đức Thế Tôn.
“Đức Phật sau khi đi đến con sông Kukutthā,
có nước trong sạch, có nước lành, có nước tinh khiết,
bậc Đạo Sư, với dáng vẻ vô cùng mệt nhọc, đã lội xuống,
đức Như Lai, không người sánh bằng, ở thế gian này.
Bậc Đạo Sư, sau khi tắm và uống nước, đã đi lên,
được tôn vinh, ở giữa một nhóm tỳ khưu,
bậc Đạo Sư, đức Thế Tôn, người chuyển vận Giáo Pháp ở nơi này,
vị ẩn sĩ vĩ đại đã đi đến vườn xoài.
Ngài đã bảo vị tỳ khưu tên Cundaka rằng:
‘Hãy trải ra (y hai lớp) được gấp tư lại làm chỗ nằm cho Ta,
được nhắc nhở bởi bậc có bản thân đã được tu tập, vị Cunda ấy
ngay lập tức đã trải ra (y hai lớp) được gấp tư lại.
Bậc Đạo Sư, với dáng vẻ vô cùng mệt nhọc, đã nằm xuống,
vị Cunda cũng đã ngồi tại nơi ấy, ở phía trước mặt.”
12.Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, hơn nữa nếu người nào khơi dậy sự ân hận cho Cunda, con trai người thợ rèn, rằng: ‘Này đạo hữu Cunda, thật là điều không lợi ích đã có cho ngươi đây! Này đạo hữu Cunda, thật là điều đạt được xấu xa đã có cho ngươi đây! Bởi vì đức Thế Tôn sau khi thọ thực món thí thực cuối cùng của ngươi đây đã viên tịch Niết Bàn.’ Này Ānanda, nỗi ân hận như thế của Cunda, con trai người thợ rèn, cần được xua tan rằng: ‘‘Này đạo hữu Cunda, thật là điều lợi ích đã có cho ngươi đây! Này đạo hữu Cunda, thật là điều đạt được tốt đẹp đã có cho ngươi đây! Bởi vì đức Thế Tôn sau khi thọ thực món thí thực cuối cùng của ngươi đây đã viên tịch Niết Bàn. Này đạo hữu Cunda, điều này đã được tôi trực tiếp nghe, trực tiếp thọ nhận từ đức Thế Tôn rằng: ‘Hai phần thí thực này có quả báu như nhau, có quả thành tựu như nhau, có quả báu lớn hơn và phước báu lớn hơn rất nhiều so với các món thí thực khác. Hai phần thí thực nào? Phần thí thực mà sau khi thọ dụng đức Như Lai giác ngộ phẩm vị Chánh Đẳng Giác tối thượng, và phần thí thực sau khi thọ dụng đức Như Lai viên tịch Niết Bàn ở cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót. Hai phần thí thực này có quả báu như nhau, có quả thành tựu như nhau, có quả báu lớn hơn và phước báu lớn hơn rất nhiều so với các món thí thực khác. Nghiệp đưa đến tuổi thọ đã được vị đáng kính Cunda tích lũy. Nghiệp đưa đến sắc đẹp đã được vị đáng kính Cunda tích lũy. Nghiệp đưa đến hạnh phúc đã được vị đáng kính Cunda tích lũy. Nghiệp đưa đến danh tiếng đã được vị đáng kính Cunda tích lũy. Nghiệp đưa đến cõi Trời đã được vị đáng kính Cunda tích lũy. Nghiệp đưa đến uy quyền đã được vị đáng kính Cunda tích lũy.’ Này Ānanda, nỗi ân hận như thế của Cunda, con trai người thợ rèn, cần được xua tan.”
2.Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Phước thiện tăng trưởng cho người bố thí, sự thù oán không được tích lũy đối với người đang tự chế ngự, và người hiền thiện từ bỏ điều ác, do sự diệt tận luyến ái, sân hận, và si mê, vị ấy được tịch diệt.”
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada