1.Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, tu viện Pubba, ở tòa nhà dài của Mẹ của Migāra. Vào lúc bấy giờ, nhằm lúc chiều tối đức Thế Tôn đã xuất khỏi thiền tịnh rồi đã ngồi xuống ở bên ngoài cánh cửa chánh.
Khi ấy, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Vào lúc bấy giờ, có bảy đạo sĩ tóc bện, bảy đạo sĩ Nigaṇṭha, bảy đạo sĩ lõa thể, bảy đạo sĩ theo hạnh mặc một tấm choàng, và bảy du sĩ, có móng tay chân, có lông ở nách và ở thân thể được để mọc dài, mang theo túi vật dụng đi ngang qua ở nơi không xa đức Thế Tôn.
2.Đức vua Pasenadi xứ Kosala đã nhìn thấy bảy đạo sĩ tóc bện, bảy đạo sĩ Nigaṇṭha, bảy đạo sĩ lõa thể, bảy đạo sĩ theo hạnh mặc một tấm choàng, và bảy du sĩ ấy, có móng tay chân, có lông ở nách và ở thân thể được để mọc dài, mang theo túi vật dụng đang đi ngang qua ở nơi không xa đức Thế Tôn. Sau khi nhìn thấy, đức vua đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, quỳ đầu gối bên phải ở trên đất, chắp tay hướng về bảy đạo sĩ tóc bện, bảy đạo sĩ Nigaṇṭha, bảy đạo sĩ lõa thể, bảy đạo sĩ theo hạnh mặc một tấm choàng, và bảy du sĩ ấy, thông báo danh tánh ba lần: “Thưa các ngài, trẫm là vua Pasenadi xứ Kosala.”
3.Sau đó, trong khi bảy đạo sĩ tóc bện, bảy đạo sĩ Nigaṇṭha, bảy đạo sĩ lõa thể, bảy đạo sĩ theo hạnh mặc một tấm choàng, và bảy du sĩ ấy ra đi không bao lâu, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, những người này là những vị nào đó trong số các vị A-la-hán hoặc các vị đang thực hành đạo lộ A-la-hán ở thế gian.”
“Thưa đại vương, điều này quả là khó biết được đối với đại vương là người tại gia, có sự thọ hưởng ngũ dục, đang sống chung đụng với con cái, đang thưởng thức trầm hương của xứ Kāsī, đang đeo tràng hoa, dầu thơm, và son phấn, đang chấp nhận vàng bạc: ‘Những người này là các vị A-la-hán hay những người này đang thực hành đạo lộ A-la-hán.’ Thưa đại vương, do cộng trú, giới có thể được nhận biết. Và điều ấy là với thời gian dài không phải ngắn hạn, bởi người chú ý không phải bởi người không chú ý, bởi người có trí tuệ không phải bởi người có tuệ tồi. Thưa đại vương, do giao tiếp, sự liêm khiết có thể được nhận biết. Và điều ấy là với thời gian dài —như trên— không phải do người có tuệ tồi. Thưa đại vương, khi có những nỗi bất hạnh, sự vững chãi có thể được nhận biết. Và điều ấy là với thời gian dài —như trên— không phải do người có tuệ tồi. Thưa đại vương, do đàm luận, trí tuệ có thể được nhận biết. Và điều ấy là với thời gian dài —như trên— không phải do người có tuệ tồi.”
4.“Bạch Ngài, thật là kỳ diệu! Bạch Ngài, thật là phi thường! Và Bạch Ngài, điều này thật sự đã được khéo nói bởi đức Thế Tôn rằng: ‘Thưa đại vương, điều này quả là khó biết được —như trên— đang thực hành đạo lộ A-la-hán.’ Thưa đại vương, do cộng trú —như trên— không phải do người có tuệ tồi.’ Bạch Ngài, những người này là những nam nhân, những kẻ cải trang, những người trinh sát của trẫm, họ trở về sau khi đã đi thanh tra xứ sở. Sự việc được họ điều tra trước, sau đó trẫm sẽ duyệt lại. Bạch Ngài, giờ đây sau khi rũ bỏ bụi bặm và cáu ghét, họ được tắm, được thoa dầu kỹ lưỡng, có tóc râu được sửa soạn, mặc vải trắng, được thọ hưởng, được cung ứng năm loại dục lạc, họ sẽ tiêu khiển.”
5.Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Không nên nỗ lực ở mọi nơi, không nên là người (phục vụ) của kẻ khác, không nên sống nương nhờ kẻ khác, không nên làm thương mại với Giáo Pháp.”
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada