1.Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Mahākaccāyana ngụ trong xứ Avanti, ở thành Kuraraghara, tại núi Pavatta.[9] Vào lúc bấy giờ, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa là người hộ độ cho đại đức Mahākaccāyana. Khi ấy, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: “Theo như ngài đại đức Mahākaccāyana thuyết Pháp thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Có lẽ ta nên cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà?”
2.Khi ấy, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã đi đến gặp đại đức Mahākaccāyana, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Mahākaccāyana rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã nói với đại đức Mahākaccāyana điều này: “Thưa ngài, ở đây con trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: ‘Theo như ngài đại đức Mahākaccāyana thuyết Pháp thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Có lẽ ta nên cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà.’ Thưa ngài, xin ngài đại đức Mahākaccāyana hãy cho con xuất gia.”
3.Khi được nói như vậy, đại đức Mahākaccāyana đã nói với nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa điều này: “Này Soṇa, việc ăn một bữa, ngủ một mình, hành Phạm hạnh cho đến trọn đời là việc khó làm. Này Soṇa, vậy ngay ở chỗ này, trong khi là người tại gia, ngươi hãy thực tập lời dạy của chư Phật tức là ăn một bữa, ngủ một mình, hành Phạm hạnh trong khoảng thời gian quy định.” Khi ấy, ước muốn xuất gia của nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã được dịu đi.
4.Đến lần thứ nhì, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: “Theo như ngài đại đức Mahākaccāyana thuyết Pháp thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Có lẽ ta nên cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà.” Đến lần thứ nhì, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã đi đến gặp đại đức Mahākaccāyana, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Mahākaccāyana rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã nói với đại đức Mahākaccāyana điều này: “Thưa ngài, ở đây con trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: ‘Theo như ngài đại đức Mahākaccāyana thuyết Pháp thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Có lẽ ta nên cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà.’ Thưa ngài, xin ngài đại đức Mahākaccāyana hãy cho con xuất gia.”
5.Đến lần thứ nhì, đại đức Mahākaccāyana đã nói với nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa điều này: “Này Soṇa, việc ăn một bữa, ngủ một mình, hành Phạm hạnh cho đến trọn đời là việc khó làm. Này Soṇa, vậy thì ngay ở chỗ này, trong khi là người tại gia, ngươi hãy thực tập lời dạy của chư Phật tức là ăn một bữa, ngủ một mình, hành Phạm hạnh trong khoảng thời gian quy định.” Đến lần thứ nhì, ước muốn xuất gia của nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã được dịu đi.
6.Đến lần thứ ba, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: “Theo như ngài đại đức Mahākaccāyana thuyết Pháp thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Có lẽ ta nên cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà.”
Đến lần thứ ba, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã đi đến gặp đại đức Mahākaccāyana, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Mahākaccāyana rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã nói với đại đức Mahākaccāyana điều này: “Thưa ngài, ở đây con trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: ‘Theo như ngài đại đức Mahākaccāyana thuyết Pháp thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Có lẽ ta nên cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà.’ Thưa ngài, xin ngài đại đức Mahākaccāyana hãy cho con xuất gia.”
7.Khi ấy, đại đức Mahākaccāyana đã cho nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa xuất gia. Vào lúc bấy giờ, ở khu vực phía nam của xứ Avanti có ít tỳ khưu. Khi ấy, đại đức Mahākaccāyana trải qua ba năm với nỗi cực nhọc khó khăn đã triệu tập được hội chúng tỳ khưu gồm mười vị từ nơi này nơi khác rồi đã cho đại đức Soṇa tu lên bậc trên.
8.Sau đó, khi đã sống qua mùa (an cư) mưa, đại đức Soṇa trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Ta chưa được nhìn thấy tận mặt đức Thế Tôn ấy, tuy nhiên ta đã được nghe rằng: ‘Đức Thế Tôn ấy là vị như vầy và như vầy.’ Nếu thầy tế độ cho phép ta, thì ta nên đi để diện kiến đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy.”
Sau đó vào lúc chiều tối, đại đức Soṇa đã xuất khỏi thiền tịnh rồi đi đến gặp đại đức Mahākaccāyana, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Mahākaccāyana rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Soṇa đã nói với đại đức Mahākaccāyana điều này: “Thưa ngài, ở đây con trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: - Ta chưa được nhìn thấy tận mặt đức Thế Tôn ấy, tuy nhiên ta đã được nghe rằng: ‘Đức Thế Tôn ấy là vị như vầy và như vầy.’ Nếu thầy tế độ cho phép ta, thì ta nên đi để diện kiến đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy.” “Này Soṇa, tốt lắm, tốt lắm. Này Soṇa, ngươi hãy đi để diện kiến đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy.”
9.“Này Soṇa, ngươi sẽ thấy đức Thế Tôn ấy dễ mến, đáng tin, có giác quan thanh tịnh, có tâm ý thanh tịnh, đã đạt đến sự tĩnh lặng và thu thúc tột đỉnh, là đấng voi chúa đã được huấn luyện, đã được hộ trì, có giác quan đã được kiểm soát. Sau khi nhìn thấy, ngươi hãy đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn, hãy hỏi thăm về sự ít bệnh, ít mỏi mệt, trạng thái nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống thoải mái (của Ngài) với lời của ta rằng: ‘Bạch Ngài, thầy tế độ của con là đại đức Mahākaccāyana xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn, và hỏi thăm về sự ít bệnh, ít mỏi mệt, trạng thái nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống thoải mái (của Ngài).’” “Thưa ngài, xin vâng.” Đại đức Soṇa đã thích thú và tùy hỷ với lời nói của đại đức Mahākaccāyana, rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đại đức Mahākaccāyana, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi thu xếp chỗ trú ngụ, cầm bình bát và y, ra đi về phía thành Sāvatthi. Trong khi tuần tự du hành, vị ấy đã đi đến thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika, gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Soṇa đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, thầy tế độ của con là đại đức Mahākaccāyana xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn, và hỏi thăm về sự ít bệnh, ít mỏi mệt, trạng thái nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống thoải mái (của Ngài).” “Này tỳ khưu, sức khoẻ có khá không? Mọi việc có được tốt đẹp không? Ngươi đi đến đường xa có được ít mệt nhọc không? Và ngươi không có mệt nhọc với việc khất thực phải không?” “Bạch Thế Tôn, sức khoẻ có khá. Bạch Thế Tôn, mọi việc được tốt đẹp. Và Bạch Ngài, con đi đường xa ít có mệt nhọc và con không có mệt nhọc với việc khất thực.”
10.Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, hãy sắp đặt chỗ trú ngụ cho vị tỳ khưu vãng lai này.” Khi ấy, đại đức Ānanda đã khởi ý điều này: “Liên quan đến vị nào mà đức Thế Tôn ra lệnh cho ta rằng: ‘Này Ānanda, hãy sắp đặt chỗ trú ngụ cho vị tỳ khưu vãng lai này’? Có phải đức Thế Tôn muốn ngụ trong cùng một trú xá với vị tỳ khưu ấy? Có phải đức Thế Tôn muốn ngụ trong cùng một trú xá với đại đức Soṇa?” rồi đã sắp đặt chỗ trú ngụ cho đại đức Soṇa trong trú xá đức Thế Tôn đang ngự. Sau đó, đức Thế Tôn, sau khi đã ngồi và trải qua gần trọn đêm ở ngoài trời, đã rửa chân rồi đi vào trú xá. Đại đức Soṇa, sau khi cũng đã ngồi và trải qua gần trọn đêm ở ngoài trời, đã rửa chân rồi đi vào trú xá. Sau đó, khi đã thức dậy vào lúc hừng sáng của đêm, đức Thế Tôn đã yêu cầu đại đức Soṇa rằng: “Này tỳ khưu, mong rằng có đề tài Pháp gây hứng thú cho ngươi để thuyết giảng.” “Bạch Ngài, xin vâng.” Nghe theo đức Thế Tôn, đại đức Soṇa đã thuyết lại đầy đủ toàn bộ mười sáu phần của phẩm Nhóm Tám một cách mạch lạc. Sau đó, vào lúc kết thúc cuộc thuyết giảng mạch lạc của đại đức Soṇa, đức Thế Tôn đã khen ngợi rằng: “Này tỳ khưu, tốt lắm, tốt lắm! Này tỳ khưu, mười sáu phần của phẩm Nhóm Tám đã được ngươi khéo học tập, khéo suy nghĩ, khéo ghi nhớ. Ngươi có giọng nói êm dịu, rõ ràng, không có khó nghe, làm rõ được ý nghĩa. Này tỳ khưu, ngươi (xuất gia) được bao nhiêu năm?” “Bạch đức Thế Tôn, con được một năm.” “Này tỳ khưu, tại sao ngươi thực hiện (việc tu lên bậc trên) chậm trễ như vậy?” “Bạch Ngài, từ lâu con đã thấy được sự tai hại trong các dục, nhưng vì cuộc sống tại gia có nhiều cản trở, có nhiều phận sự, có nhiều việc cần phải làm.”
11.Sau đó, khi đã hiểu ra sự việc ấy, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Sau khi nhìn thấy sự tai hại ở thế gian, sau khi hiểu được Pháp không đưa đến tái sanh, bậc Thánh không thích thú điều ác, vị trong sạch không thích thú điều ác.”
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada