1.Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Anupiyā, nơi Ambavana (rừng xoài). Vào lúc bấy giờ, đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: “Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!”[6] Nhiều vị tỳ khưu đã nghe được đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: “Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!” Sau khi nghe được, các vị ấy đã khởi ý rằng: “Chắc chắn rằng đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā không thỏa thích thực hành Phạm hạnh, là việc trong khi hồi tưởng lại sự khoái lạc vương giả trước đây, vị ấy mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng đã nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’”
2.Sau đó, nhiều vị tỳ khưu đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’ Bạch Ngài, chắc chắn rằng đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā không thỏa thích thực hành Phạm hạnh, là việc trong khi hồi tưởng lại sự khoái lạc vương giả trước đây, vị ấy mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’”
3, Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo một vị tỳ khưu khác rằng: “Này tỳ khưu, hãy lại đây. Ngươi hãy bảo tỳ khưu Bhaddiya với lời nói của Ta rằng: ‘Này đại đức Bhaddiya, bậc Đạo Sư gọi đại đức.’”
“Bạch Ngài, xin vâng.” Vị tỳ khưu ấy nghe theo đức Thế Tôn đã đi đến gặp đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā, sau khi đến đã nói với đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā điều này: “Này đại đức Bhaddiya, bậc Đạo Sư gọi đại đức.”
“Này đại đức, xin vâng.” Đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā nghe theo vị tỳ khưu ấy đã đi đến gặp đức Thế tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi vị ấy đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā điều này: “Này Bhaddiya, nghe nói ngươi mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’ có đúng không vậy?” “Bạch Ngài, đúng vậy.” “Này Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā, trong khi cảm nhận được lợi ích gì khiến ngươi mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng, vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’ vậy?”
“Bạch Ngài, trước đây khi con còn là người thế tục đang cai quản vương quốc, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên trong hậu cung, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên ngoài hậu cung, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên trong thành phố, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên ngoài thành phố, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên trong xứ sở, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên ngoài xứ sở, bạch Ngài, trong khi được bảo vệ và được an toàn như vậy, con đây sống vẫn cảm thấy sợ hãi, khiếp đảm, lo âu, hồi hộp. Bạch Ngài, thế mà giờ đây con mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng, một mình, vẫn không sợ hãi, không khiếp đảm, không lo âu, không hồi hộp, vô tư lự, điềm tĩnh, tùy thuận sự bố thí của người khác, sống với tâm như loài thú rừng. Bạch Ngài, trong khi cảm nhận được lợi ích này nên con mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng, vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’”
4.Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với người nào mà các sự bực tức không hiện diện ở trong tâm, đã vượt qua khỏi hữu và phi hữu như thế, vị ấy đã không còn sự sợ hãi, có sự an lạc, không sầu muộn, chư Thiên không đạt được việc nhìn thấy vị ấy.”
Phẩm Mucalinda là thứ nhì.
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada