1.Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Kuṇḍiyā, ở khu rừng Kuṇḍadhāna.
Vào lúc bấy giờ, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Bị tác động bởi các cảm thọ khổ đau, xót xa, nhức nhối, khốc liệt, nàng ấy chịu đựng nhờ vào ba điều suy tư rằng:
“Quả thật, đức Thế Tôn bậc Chánh Đẳng Giác ấy thuyết giảng Giáo Pháp nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, hội chúng Thinh Văn của đức Thế Tôn ấy đã khéo thực hành, các ngài thực hành nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, Niết Bàn ấy là vô cùng an lạc, nơi ấy không biết đến khổ đau có hình thức như thế này.”
2.Khi ấy, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã bảo người chồng rằng: “Tướng công ơi, chàng hãy lại đây. Chàng hãy đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến hãy đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn với lời nói của thiếp, hãy hỏi thăm về sự ít bệnh, ít mỏi mệt, trạng thái nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống thoải mái (của Ngài) rằng: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn và hỏi thăm về sự ít bệnh, ít mỏi mệt, trạng thái nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống thoải mái (của Ngài).’ Và chàng hãy nói như vầy: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Bị tác động bởi các cảm thọ khổ đau, xót xa, nhức nhối, khốc liệt, nàng ấy chịu đựng nhờ vào ba điều suy tư rằng: Quả thật, đức Thế Tôn bậc Chánh Đẳng Giác ấy thuyết giảng Giáo Pháp nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, hội chúng Thinh Văn của đức Thế Tôn ấy đã khéo thực hành, các ngài thực hành nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, Niết Bàn ấy là vô cùng an lạc, nơi ấy không biết đến khổ đau có hình thức như thế này.’”
3.“Tốt lắm.” Người con trai bộ tộc Koliya ấy[4] nghe theo Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, người con trai bộ tộc Koliya ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn và hỏi thăm về sự ít bệnh, ít mỏi mệt, trạng thái nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống thoải mái (của Ngài). Và nàng nói như vầy: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Bị tác động bởi các cảm thọ khổ đau, xót xa, nhức nhối, khốc liệt, nàng ấy chịu đựng nhờ vào ba điều suy tư rằng: Quả thật, đức Thế Tôn bậc Chánh Đẳng Giác ấy thuyết giảng Giáo Pháp nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, hội chúng Thinh Văn của đức Thế Tôn ấy đã khéo thực hành, các ngài thực hành nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, Niết Bàn ấy là vô cùng an lạc, nơi ấy không biết đến khổ đau có hình thức như thế này.’”
“Mong rằng Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya có được sự an lạc, không có bệnh. Mong rằng đứa con trai được sanh ra không có bệnh.” Và chỉ với lời nói của đức Thế Tôn, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya có được sự an lạc, không có bệnh đã sanh ra đứa con trai không có bệnh.
“Bạch Ngài, xin vâng.” Người con trai bộ tộc Koliya ấy sau khi thỏa thích, tùy hỷ với lời nói của đức Thế Tôn, đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi đi về lại nhà của mình.
4.Người con trai bộ tộc Koliya đã nhìn thấy Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya có được sự an lạc, không có bệnh và đã sanh ra đứa con trai không có bệnh. Sau khi nhìn thấy, vị ấy đã khởi ý điều này: “Thật là kỳ diệu! Thật là phi thường! Đức Như Lai có đại thần lực, có đại oai lực! Bởi vì Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya này, chỉ với lời nói của đức Thế Tôn, thì có được sự an lạc, không có bệnh, và sanh ra đứa con trai không có bệnh.” Vị ấy đã trở nên hoan hỷ, vui mừng, sanh tâm phỉ lạc.
5.Sau đó, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã bảo người chồng rằng: “Tướng công ơi, chàng hãy lại đây. Chàng hãy đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến hãy đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn với lời nói của thiếp rằng: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn.’ Và chàng hãy nói như vầy: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Giờ đây, nàng ấy có được sự an lạc, không có bệnh, và đã sanh ra đứa con trai không có bệnh. Nàng ấy thỉnh mời hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với bữa thọ trai trong bảy ngày. Bạch Ngài, mong rằng đức Thế Tôn cùng với hội chúng tỳ khưu nhận lời về bảy bữa thọ trai của Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya.’”
6.“Tốt lắm.” Người con trai bộ tộc Koliya ấy nghe theo Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, người con trai bộ tộc Koliya ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn. Và nàng nói như vầy: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Giờ đây, nàng ấy có được sự an lạc, không có bệnh, và đã sanh ra đứa con trai không có bệnh. Nàng ấy thỉnh mời hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với bữa thọ trai trong bảy ngày. Bạch Ngài, mong rằng đức Thế Tôn cùng với hội chúng tỳ khưu nhận lời về bảy bữa thọ trai của Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya.’”
7.Vào lúc bấy giờ, hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu đã được một nam cư sĩ thỉnh mời với bữa thọ trai ngày mai. Và nam cư sĩ ấy là người hộ độ của đại đức Mahāmoggallāna. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Mahāmoggallāna rằng: Này Moggallāna, hãy lại đây. Ngươi nên đi đến gặp nam cư sĩ ấy, sau khi đến hãy nói với nam cư sĩ ấy như vầy: ‘Này đạo hữu, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Giờ đây, nàng ấy có được sự an lạc, không có bệnh, và đã sanh ra đứa con trai không có bệnh. Nàng ấy thỉnh mời hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với bữa thọ trai trong bảy ngày. Hãy để cho Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya thực hiện bảy bữa thọ trai, đạo hữu sẽ làm sau.’ Vị ấy là người hộ độ của ngươi.”
8.“Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Mahāmoggallāna nghe theo đức Thế Tôn đã đi đến gặp nam cư sĩ ấy, sau khi đến đã nói với nam cư sĩ ấy điều này: “Này đạo hữu, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Giờ đây, nàng ấy có được sự an lạc, không có bệnh, và đã sanh ra đứa con trai không có bệnh. Nàng ấy thỉnh mời hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với bữa thọ trai trong bảy ngày. Hãy để cho Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya thực hiện bảy bữa thọ trai, đạo hữu sẽ làm sau.” “Thưa ngài, nếu ngài đại đức Mahāmoggallāna là người bảo đảm cho tôi về ba pháp: về của cải, về mạng sống, và về niềm tin, thì hãy để cho Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya thực hiện bảy bữa thọ trai, tôi sẽ làm sau.” “Này đạo hữu, ta là người bảo đảm cho đạo hữu về hai pháp: về của cải và về mạng sống. Trái lại, chính ngươi là người bảo đảm về niềm tin.” “Thưa ngài, nếu ngài đại đức Mahāmoggallāna là người bảo đảm cho tôi về hai pháp: về của cải và về mạng sống, thì hãy để cho Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya thực hiện bảy bữa thọ trai, tôi sẽ làm sau.”
Khi ấy, đại đức Mahāmoggallāna sau khi thuyết phục nam cư sĩ ấy đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Bạch Ngài, nam cư sĩ ấy đã được con thuyết phục. Hãy để cho Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya thực hiện bảy bữa thọ trai, người ấy sẽ làm sau.”
9.Sau đó, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm trong bảy ngày. Và nàng đã bảo đứa bé trai đảnh lễ đức Phật và toàn thể hội chúng tỳ khưu.
10.Khi ấy, đại đức Sāriputta đã nói với đứa bé trai ấy điều này: “Này cậu bé, sức khoẻ của ngươi có khá không? Mọi việc có được tốt đẹp không? Không có khổ sở gì phải không?” “Thưa ngài Sāriputta, do đâu mà có sức khỏe khá? Do đâu mà mọi việc được tốt đẹp? Con đã sống ở trong cái chậu máu bảy năm.”
11.Khi ấy, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya (nghĩ rằng): “Con trai ta chuyện trò với vị Tướng quân Chánh Pháp,” đã trở nên hoan hỷ, vui mừng, sanh tâm phỉ lạc.
12.Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi nhìn thấy Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya hoan hỷ, vui mừng, sanh tâm phỉ lạc đã nói với Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya điều này: “Này Suppavāsā, con có còn ước muốn một người con trai khác như thế này nữa không?” “Bạch đức Thế Tôn, con cũng còn ước muốn bảy người con trai khác như thế này nữa.”
13.Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Không khoái lạc dưới hình thức khoái lạc, không đáng yêu dưới hình thức đáng yêu, khổ đau dưới hình thức hạnh phúc chế ngự kẻ bị xao lãng.”
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada