[89]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1.“Này các tỳ khưu, bị chế ngự, có tâm bị nắm giữ bởi ba điều phi diệu pháp, Devadatta là kẻ sanh đọa xứ, là kẻ đi địa ngục, phải chịu đựng trọn kiếp, không thể cứu chữa được. Ba điều nào?
Này các tỳ khưu, bị chế ngự, có tâm bị nắm giữ bởi ước muốn ác xấu, Devadatta là kẻ sanh đọa xứ, là kẻ đi địa ngục, phải chịu đựng trọn kiếp, không thể cứu chữa được. Này các tỳ khưu, bị chế ngự, có tâm bị nắm giữ bởi bạn hữu ác xấu, Devadatta là kẻ sanh đọa xứ, là kẻ đi địa ngục, phải chịu đựng trọn kiếp, không thể cứu chữa được. Hơn nữa, trong khi có việc hơn nữa cần phải làm, Devadatta đã đạt đến việc dừng lại ở khoảng giữa với sự đắc chứng đặc biệt có tính chất thấp thỏi (là các tầng thiền và các pháp thần thông).
Này các tỳ khưu, bị chế ngự, có tâm bị nắm giữ bởi ba điều phi diệu pháp, Devadatta là kẻ sanh đọa xứ, là kẻ đi địa ngục, phải chịu đựng trọn kiếp, không thể cứu chữa được.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2.“Đương nhiên, bất cứ người nào có ước muốn xấu xa chớ được sanh lên ở thế gian. Cũng bởi điều này đây, các ngươi hãy biết là có cảnh giới tương ứng dành cho những kẻ có ước muốn xấu xa.
3.Được nhận biết là ‘người sáng suốt,’ được công nhận ‘bản thân đã chứng thiền,’ Devadatta được nổi tiếng là ‘đã trụ vững tựa như đang chói sáng với danh tiếng.’
4.Kẻ ấy, thực hành có hạn lượng, sau khi công kích đấng Như Lai ấy, đã đi đến địa ngục Avīci có bốn cửa, chốn gây nên nỗi kinh hoàng.
5.Bởi vì kẻ nào gây hại đến bậc không (có tâm) xấu xa, đến bậc không làm hành động ác xấu, (quả) ác xấu xảy đến cho chính kẻ có tâm xấu xa, không có sự tôn trọng ấy.
6.Kẻ nào suy nghĩ để làm ô nhiễm đại dương bằng lọ thuốc độc, với vật ấy kẻ ấy không thể làm ô nhiễm bởi vì đại dương là bao la, to lớn.
7.Tương tự y như thế, kẻ nào dùng lời nói hãm hại đấng Thiện Thệ, bậc đã đạt đến sự hoàn hảo, có tâm thanh tịnh; lời nói (bôi nhọ) không có tác động ở nơi vị ấy.
8.Người sáng suốt nên kết bạn hữu với bậc như thế ấy, và nên phục vụ bậc ấy. Vị tỳ khưu đi theo đường lối của bậc ấy sẽ đạt được sự diệt trừ khổ đau.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
Phẩm thứ tư.
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada