[383] 1. Này Bà-la-môn, hãy cắt đứt dòng chảy (luân hồi), hãy nỗ lực, hãy xua đuổi các dục. Này Bà-la-môn, sau khi biết được sự hoại diệt của các hành, ngươi trở thành người biết được vô vi (Niết Bàn).

[384] 2. Khi vị Bà-la-môn trở thành người đã đạt đến bờ kia về cả hai pháp,[7] trong lúc vị này đang nhận biết, tất cả các sự ràng buộc đối với vị này đi đến tiêu tan. 

[385] 3. Đối với vị nào, bờ này hoặc bờ kia, hoặc bờ này lẫn bờ kia đều không tìm thấy, đã xa lìa sầu khổ, không bị ràng buộc, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[386] 4. Vị có thiền, không còn ô nhiễm, đã ngồi xuống (đơn độc ở khu rừng), đã làm xong phận sự, không còn lậu hoặc, đã đạt đến mục đích tối thượng, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[387] 5. Mặt trời tỏa sáng ban ngày, mặt trăng chiếu sáng ban đêm, khoác áo giáp vị Sát-đế-lỵ tỏa sáng, có thiền vị Bà-la-môn tỏa sáng, còn đức Phật tỏa sáng hào quang trọn ngày đêm.

[388] 6. Có điều ác đã được xa lánh được gọi là ‘Bà-la-môn,’ có sở hành bình lặng được gọi là ‘Sa-môn.’ Vị đã dứt bỏ ô nhiễm của bản thân, vì thế được gọi là ‘bậc xuất gia.’

[389] 7. Không nên đánh đập vị Bà-la-môn, vị Bà-la-môn không nên bộc phát (sự giận dữ) đến kẻ đã đánh mình. Xấu hổ thay kẻ đánh đập vị Bà-la-môn, càng xấu hổ hơn cho vị bộc phát (sự giận dữ) đến kẻ đã đánh mình.

[390] 8. Vị Bà-la-môn không có việc nào khác tốt hơn việc này, là lúc có sự đình chỉ của tâm đối với các vật đáng yêu. Chừng nào tâm ý hãm hại được dừng lại, chừng ấy khổ đau được thật sự yên lặng .

[391] 9. Đối với vị nào, không có việc làm quấy do thân, do khẩu, do ý, (và) đã được thu thúc ở ba nơi (thân khẩu ý), Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[392] 10. Do vị nào mà ta có thể hiểu biết Giáo Pháp đã được đấng Chánh Đẳng Giác thuyết giảng, ta nên kính lễ vị ấy một cách nghiêm trang, ví như người Bà-la-môn kính lễ ngọn lửa tế thần.

[393] 11. Không do những búi tóc bện, không do dòng họ, không do gia tộc mà trở thành Bà-la-môn. Ở vị nào có sự chân thật và sự ngay thẳng, vị ấy có sự trong sạch, chính vị ấy là Bà-la-môn.

[394] 12. Này kẻ kém trí, có ích gì với những búi tóc bện của ngươi? Có ích gì với y phục bằng da dê của ngươi? Ngươi đánh bóng bên ngoài, bên trong của ngươi là rừng rậm (ô nhiễm).

[395] 13. Người mang y may bằng vải bị quăng bỏ, gầy ốm, nổi đầy gân, một mình đang tham thiền trong rừng, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[396] 14. Và Ta không gọi là Bà-la-môn với kẻ đã được sanh ra từ tử cung (của nữ Bà-la-môn), có sự xuất thân theo người mẹ, kẻ ấy được gọi là ‘người có sự xưng hô với từ Ông’ nếu người ấy có sở hữu gì đó. Còn vị không sở hữu gì, không nắm giữ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[397] 15. Thật vậy, người nào đã cắt đứt tất cả ràng buộc, không run sợ, đã vượt qua các sự dính líu, không còn bị ràng buộc, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[398] 16. Người đã cắt đứt dây buộc (sân hận), dây trói (tham ái), dây thừng (62 tà kiến), cùng với vật phụ tùng (các pháp tiềm ẩn), đã nâng lên thanh chắn (vô minh), đã được giác ngộ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.[8]

[399] 17. Người nào chịu đựng lời khiển trách, sự trừng phạt và giam cầm, mà không sân hận, người có kham nhẫn là sức mạnh, có sức mạnh là quân đội, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[400] 18. Người không nóng giận, có sự hành trì, có giới, không nhiễm dục vọng, đã được rèn luyện, có thân xác cuối cùng, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[401] 19. Ví như nước ở lá sen, ví như hột cải ở đầu mũi kim, người nào không nhiễm bẩn trong các dục, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[402] 20. Người nào nhận biết sự diệt trừ khổ đau của bản thân ngay tại chỗ này, đã đặt xuống gánh nặng, không bị ràng buộc, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[403] 21. Người có tuệ thâm sâu, thông minh, rành rẽ về Đạo Lộ và không phải Đạo Lộ, đã đạt đến mục đích tối thượng, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[404] 22. Người không gần gũi với cả hai hạng tại gia và hạng xuất gia, sống không trú xứ, ít ham muốn, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[405] 23. Sau khi bỏ xuống gậy gộc đối với các chúng sanh di động hay đứng yên, người nào không giết hại, không bảo giết hại, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[406] 24. Người không thù nghịch giữa những kẻ thù nghịch, tịnh lặng giữa những kẻ có gậy gộc, không cố chấp giữa những kẻ cố chấp, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[407] 25. Người nào có sự luyến ái, sân hận, ngã mạn, và gièm pha đã được rơi rụng, ví như hột cải ở đầu mũi kim, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[408] 26. Người thốt lên lời nói chân thật, không thô lỗ, ý nghĩa rõ ràng, không làm mất lòng bất cứ ai với lời nói ấy, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[409] 27. Ở thế gian này, người nào không lấy đi vật không được cho, dầu là dài hay ngắn, nhỏ hay lớn, đẹp hay xấu, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[410] 28. Những mong cầu của người nào về đời này và đời sau không còn tìm thấy, người không mong cầu, không bị ràng buộc, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[411] 29. Những ước muốn của người nào không còn tìm thấy, sau khi biết rõ không có nghi ngờ, đã đạt đến sự thể nhập Bất Tử, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[412] 30. Ở thế gian này, người nào đã vượt qua sự dính líu cả hai pháp thiện và ác, không sầu muộn, không ô nhiễm, trong sạch, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[413] 31. Ví như mặt trăng không bị lấm nhơ, trong sạch, người có tâm thanh tịnh, không bị vẩn đục, đã hoàn toàn cạn kiệt sự vui thích và hiện hữu, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[414] 32. Người nào đã vượt qua con đường hiểm trở, khó đi này, (vòng quay) luân hồi, và sự si mê, đã vượt qua, đã đi đến bờ kia, có thiền, không dục vọng, không nghi ngờ, không chấp thủ, đã tịnh lặng, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[415] 33. Người nào ở đây có thể dứt bỏ các dục, sống hạnh du sĩ, không nhà, đã hoàn toàn cạn kiệt các dục và hiện hữu, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[416] 34. Người nào ở đây có thể dứt bỏ tham ái, sống hạnh du sĩ, không nhà, đã hoàn toàn cạn kiệt tham ái và hiện hữu, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[417] 35. Người đã từ bỏ sự gắn bó thuộc cõi người, đã vượt lên sự gắn bó thuộc cõi trời, không bị ràng buộc với mọi sự gắn bó, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[418] 36. Người đã từ bỏ sự thích thú và không thích thú, có trạng thái mát mẻ, không còn mầm tái sanh, vị đã chế ngự tất cả thế gian, bậc anh hùng, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[419] 37. Người nào đã hiểu biết sự chết và sự tái sanh của chúng sanh về mọi phương diện, không bám víu, đã đi đến nơi an lạc, đã được giác ngộ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[420] 38. Cảnh giới tái sanh của người nào mà chư Thiên, Càn-thát-bà, và loài người không biết được, người có lậu hoặc đã được cạn kiệt, là bậc A-la-hán, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[421] 39. Đối với người nào, phía trước (quá khứ), phía sau (vị lai), và phần giữa (hiện tại) không sở hữu gì, người không sở hữu gì, không nắm giữ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[422] 40. Đấng nhân ngưu, bậc cao quý, bậc anh hùng, bậc đại ẩn sĩ, bậc chiến thắng, bậc không còn dục vọng, người đã rửa sạch (mọi nhiễm ô), đã được giác ngộ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

[423] 41. Người nào biết về kiếp sống trước, nhìn thấy cõi trời và đọa xứ, rồi đạt đến sự diệt trừ tái sanh, là bậc hiền trí, đã được hoàn hảo về thắng trí, có mọi sự hoàn hảo đã được hoàn hảo, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.

Phẩm Bà-la-môn là thứ hai mươi sáu.

 

 



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada