[334] 1. Tham ái của kẻ sống xao lãng tăng trưởng giống như dây leo. Kẻ ấy lao từ kiếp sống này sang kiếp sống khác, ví như loài khỉ đang mong muốn trái cây trong rừng (chuyền từ cành cây này sang cành cây khác).

[335] 2. Tham ái thấp hèn, sự vướng mắc vào thế gian, chế ngự kẻ nào, các sầu muộn của kẻ ấy tăng trưởng, ví như cỏ bīraṇa được trời mưa.

[336] 3. Nếu ai chế ngự được tham ái thấp hèn ấy, điều khó dứt bỏ ở thế gian, các sầu muộn rời khỏi người ấy, ví như giọt nước lìa khỏi (lá) sen.

[337] 4. Ta nói với các con điều này: -Mong sao điều tốt đẹp sẽ đến với hết thảy các con đã tụ hội tại đây. Các con hãy đào xới gốc rễ của tham ái, ví, như người có sự cần dùng rễ ngọt usīra (đào xới) cỏ bīraṇa. Chớ để Ma Vương đốn ngã các con đợt này đến đợt khác, ví như dòng nước bẻ gãy cây cỏ sậy.

[338] 5. Giống như khi bộ rễ vẫn chưa bị tổn hại và còn vững chắc, cội cây, mặc dầu đã bị đốn ngã, cũng vẫn đâm chồi trở lại, cũng như vậy, khi sự tiềm ẩn của tham ái chưa bị tận diệt, khổ đau này còn sanh lên đợt này này đến đợt khác.

[339] 6. Người nào có ba mươi sáu dòng chảy[5] hướng đến sự hài lòng thích ý là mạnh mẽ, thì các suy tầm chiều theo luyến ái là luồng chuyển vận cuốn trôi kẻ có quan điểm sái quấy (ấy).

[340] 7. Các dòng chảy trôi đi khắp mọi nơi, loại dây leo tồn tại sau khi đâm chồi. Và sau khi nhìn thấy loại dây leo ấy sanh ra, các ngươi hãy chặt đứt gốc rễ bằng trí tuệ.

[341] 8. Các nỗi niềm yêu thương được tuôn trào và các tâm khoan khoái hiện hữu ở chúng sanh. Những kẻ ấy chiều theo lạc thú, tầm cầu sung sướng, thật vậy những kẻ ấy đi đến sanh và già.

[342] 9. Bị vây hãm bởi tham ái chúng sanh di chuyển loanh quanh, ví như con thỏ bị trói buộc bò vòng quanh. Bị dính mắc bởi các sự trói buộc và quyến luyến, chúng đi đến khổ đau lượt này đến lượt khác trong thời gian lâu dài.

[343] 10. Bị vây hãm bởi tham ái chúng sanh di chuyển loanh quanh, ví như con thỏ bị trói buộc bò vòng quanh. Vì thế, vị tỳ khưu có sự mong muốn xa lìa luyến ái cho bản thân nên tiêu diệt tham ái.

[344] 11. Hãy đến nhìn xem cá nhân kẻ đứng bên ngoài rừng lại bị ám ảnh bởi rừng, đã được thoát ra khỏi rừng lại chạy vào trong rừng, đã được tự do lại chạy đến với sự giam cầm.

[345] 12. Các bậc sáng trí đã nói rằng sự trói buộc làm bằng sắt, bằng gỗ, và bằng dây gai là không chắc chắn. Sự mong muốn, bị luyến ái dính mắc ở các bông tai gắn ngọc ma-ni, ở những người con, và ở những người vợ, ...

[346] 13. ... các bậc sáng trí đã nói rằng sự trói buộc này là chắc chắn, có sự trì xuống, dẻo dai, khó tháo gỡ. Sau khi cắt đứt luôn cả sự trói buộc này, các vị xuất gia, không có mong cầu, sau khi đã dứt bỏ khoái lạc của các dục.

[347] 14. Những người nào, bị luyến ái dục tình, rơi theo dòng chảy, được tạo ra bởi bản thân, ví như con nhện rơi vào cái lưới do nó tạo ra. Sau khi cắt đứt luôn cả điều này, các vị ra đi, không có mong cầu, sau khi đã dứt bỏ tất cả khổ đau.

[348] 15. Hãy buông phía trước (quá khứ), hãy buông phía sau (vị lai), hãy buông phần giữa (hiện tại), sau khi đã đi đến bờ kia của hiện hữu, có tâm đã được giải thoát về mọi phương diện, ngươi sẽ không đi đến sanh và già nữa.

[349] 16. Tham ái gia tăng nhiều hơn nữa đối với kẻ bị suy tư khuấy động, có luyến ái mãnh liệt, thường xem xét về cái đẹp; kẻ ấy quả nhiên làm cho sự trói buộc trở nên bền chắc.

[350] 17. Còn người nào thích thú ở sự tịnh lặng của suy tư, tu tập về bất tịnh (đề mục tử thi), luôn luôn có niệm, người ấy quả nhiên sẽ làm chấm dứt (ái dục), người ấy sẽ cắt đứt sự trói buộc của Ma Vương.

[351] 18. Người đã đạt đến sự hoàn thành, không sợ hãi, tham ái đã lìa, không vết nhơ, đã cắt đứt những mũi tên của hiện hữu; thân này là cuối cùng.

[352] 19. Người có tham ái đã lìa, không nắm giữ, thông thạo về từ ngữ, biết sự kết hợp của các mẫu tự và các thứ tự trước sau; vị ấy quả nhiên có xác thân cuối cùng, có đại trí tuệ, được gọi là ‘đại nhân.’

[353] 20. Ta là vị khuất phục tất cả, vị biết rõ tất cả, không bị nhiễm ô trong tất cả các pháp. Từ bỏ tất cả, được giải thoát trong sự diệt tận về tham ái, sau khi tự mình biết rõ, Ta có thể chỉ định ai (là thầy)?

[354] 21. Bố thí pháp thắng mọi sự bố thí, hương vị của pháp thắng mọi hương vị, sự thích thú trong pháp thắng mọi sự thích thú, sự diệt trừ tham ái thắng mọi khổ đau.

[355] 22. Các của cải giết hại kẻ ngu si, nhưng không (giết hại) những vị tầm cầu đến bờ kia (Niết Bàn). Do tham đắm của cải, kẻ ngu si giết hại bản thân ví như (giết hại) những người khác.

[356] 23. Những thửa ruộng có các cỏ dại là khuyết điểm. Con người này có luyến ái là khuyết điểm. Chính vì điều ấy, vật đã được bố thí ở các vị đã xa lìa luyến ái là có quả báu lớn lao.

[357] 24. Những thửa ruộng có các cỏ dại là khuyết điểm. Con người này có sân hận là khuyết điểm. Chính vì điều ấy, vật đã được bố thí ở các vị đã xa lìa sân hận là có quả báu lớn lao.

[358] 25. Những thửa ruộng có các cỏ dại là khuyết điểm. Con người này có si mê là khuyết điểm. Chính vì điều ấy, vật đã được bố thí ở các vị đã xa lìa si mê là có quả báu lớn lao.

[359] 26. Những thửa ruộng có các cỏ dại là khuyết điểm. Con người này có ước muốn là khuyết điểm. Chính vì điều ấy, vật đã được bố thí ở các vị đã xa lìa ước muốn là có quả báu lớn lao.

Phẩm Tham Ái là thứ hai mươi bốn.



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada