[256] 1. Kẻ phân xử sự việc theo lối áp đặt, như thế không có công minh. Còn bậc sáng suốt là người có thể xác định cả hai: sự việc đúng và không đúng.

[257] 2. Người phân xử những kẻ khác không theo lối áp đặt, đúng pháp, công bằng, được bảo vệ bởi pháp, thông minh, được gọi là ‘công minh.’

[258] 3. Dầu cho nói nhiều, không vì thế trở thành sáng suốt. Người có sự điềm tĩnh, không thù hận, không lo sợ, được gọi là ‘sáng suốt.’ 

[259] 4. Dầu cho nói nhiều, không vì thế là người nắm giữ Giáo Pháp. Nhưng vị nào dầu chỉ nghe chút ít mà nhìn thấy Giáo Pháp bằng thân, thật vậy vị ấy là người nắm giữ Giáo Pháp, là người không xao lãng Giáo Pháp. 

[260] 5. Mặc dầu đầu của vị ấy bạc tóc, không vì thế trở thành trưởng lão. Vị có tuổi thọ đã được chín muồi ấy được gọi là ‘già vô vị.’ 

[261] 6. Sự chân thật, sự đúng đắn, việc không hãm hại, việc chế ngự, việc rèn luyện có ở vị nào, vị ấy quả thật là bậc sáng trí, có ô nhiễm đã được tẩy trừ, được gọi là ‘trưởng lão.’

[262] 7. Không phải chỉ do việc nói năng hay trạng thái xinh đẹp của dáng vóc mà người trở thành mẫu mực (trong khi) là người có sự ganh tỵ, bỏn xẻn, xảo trá.

[263] 8. Tuy nhiên, đối với vị nào điều ấy đã được cắt đứt, gốc rễ đã được tiêu diệt, đã được bứng lên, vị ấy, có tật xấu đã được tẩy trừ, thông minh, được gọi là ‘mẫu mực.’ 

[264] 9. Không phải do đầu cạo trọc mà trở thành Sa-môn nếu là kẻ không có sự hành trì, kẻ nói lời giả dối. Làm sao kẻ có sự ham muốn và tham lam sẽ trở thành Sa-môn được? 

[265] 10. Còn người nào lắng dịu các điều ác lớn nhỏ về mọi mặt, chính do trạng thái đã lắng dịu đối với các điều ác mà được gọi là ‘Sa-môn.’ 

[266] 11. Cho dầu đi khất thực nơi những kẻ khác, không vì thế trở thành tỳ khưu. Người chấp nhận pháp thế tục, do vậy mà không trở thành tỳ khưu. 

[267] 12. Ở đây, người nào đã lìa khỏi việc phước thiện và điều ác xấu, có thực hành Phạm hạnh, sống ở đời với sự hiểu biết, thật vậy người ấy được gọi là ‘tỳ khưu.’ 

[268] 13. Kẻ có dáng vẻ khờ khạo, ngu dốt, dầu với trạng thái im lặng cũng không trở thành bậc hiền trí. Nhưng người nào, tựa như người nắm lấy cái cân, chọn lấy điều cao quý là người sáng suốt. 

[269] 14. Người lánh xa hẳn các điều ác, người ấy là bậc hiền trí, do việc ấy người ấy trở thành bậc hiền trí. Người nào hiểu rõ cả hai thế giới (nội tâm và ngoại cảnh), do việc ấy được gọi là hiền trí. 

[270] 15. Kẻ hãm hại các sinh mạng, vì thế không phải là thánh thiện. Do việc không hãm hại tất cả các sinh mạng, được gọi là ‘thánh thiện.’ 

[271] 16. Không phải chỉ do giới hạnh và việc hành trì, hay do sự học nhiều, hoặc do việc đạt được thiền định, hay do sự nằm ngủ đơn độc, ...

[272] 17. ... (mà nghĩ rằng): ‘Ta chạm đến sự an lạc của xuất ly mà những kẻ phàm phu không được hưởng,’ vị tỳ khưu không thể đạt đến sự tự tin khi chưa đạt được sự diệt trừ các lậu hoặc.

Phẩm Công Minh là thứ mười chín.



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada