[221] 1. Nên từ bỏ sự giận dữ, nên dứt bỏ hẳn sự ngã mạn, nên vượt qua tất cả ràng buộc. Trong khi vị ấy không bám víu vào danh và sắc, các khổ đau không xảy đến cho vị không có vật gì.
[222] 2. Quả vậy, người nào có thể kiềm chế sự giận dữ đã sanh lên, ví như cỗ xe bị chao đảo, Ta gọi người ấy là ‘xa phu,’ người khác là kẻ vịn dây cương.
[223] 3. Nên chinh phục người giận dữ bằng sự không giận dữ, nên chinh phục người xấu bằng điều tốt, nên chinh phục người bỏn xẻn bằng sự bố thí, (nên chinh phục) người có lời nói sai trái bằng sự chân thật.
[224] 4. Nên nói sự thật, không nên giận dữ. Khi được yêu cầu, nên bố thí dầu chỉ có chút ít. Với ba yếu tố này, có thể đi đến nơi hiện diện của chư Thiên.
[225] 5. Các bậc hiền trí nào là những người không hãm hại, thường xuyên thu thúc về thân, các vị ấy đi đến vị thế Bất Tử, là nơi không sầu muộn sau khi đi đến.
[226] 6. Đối với những người luôn luôn tỉnh giác, có sự tu tập ngày đêm, đã hướng tâm đến Niết Bàn, các lậu hoặc (của các vị ấy) đi đến tiêu diệt.
[227] 7. Này A-tu-la, chuyện này là cổ xưa, chuyện này không chỉ là ngày nay, họ chê trách người ngồi im lặng, họ chê trách người nói nhiều, và họ cũng chê trách người nói vừa phải; ở trên đời không có người không bị chê trách.
[228] 8. Đã không có (ở quá khứ), sẽ không có (ở vị lai), và không tìm thấy ở hiện tại người chỉ thuần bị chê trách hoặc chỉ thuần được ngợi khen.
[229] 9. Sau khi xem xét ngày ngày, các bậc tri thức ngợi khen người có hành vi không lỗi lầm, thông minh, được thành tựu trí tuệ và giới hạnh.
[230] 10. Tựa như đồng tiền bằng vàng ròng, ai xứng đáng để chê trách vị ấy? Chư Thiên cũng khen ngợi vị ấy. Vị ấy còn được khen ngợi bởi đấng Phạm Thiên.
[231] 11. Nên canh phòng sự giận dữ (bột phát) ở thân, nên là người đã được thu thúc về thân. Sau khi từ bỏ uế hạnh do thân, nên thực hành thiện hạnh do thân.
[232] 12. Nên canh phòng sự giận dữ của khẩu, nên là người đã được thu thúc về khẩu. Sau khi từ bỏ uế hạnh do khẩu, nên thực hành thiện hạnh do khẩu.
[233] 13. Nên canh phòng sự giận dữ của ý, nên là người đã được thu thúc về ý. Sau khi từ bỏ uế hạnh do ý, nên thực hành thiện hạnh do ý.
[234] 14. Các bậc sáng trí đã được thu thúc về thân, rồi đã được thu thúc về khẩu. Các bậc sáng trí đã được thu thúc về ý. Đúng vậy, các vị ấy đã khéo thu thúc toàn diện.
Phẩm Giận Dữ là thứ mười bảy.
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada