[209] 1. Trong khi gắn bó bản thân vào việc không đáng gắn bó và không gắn bó bản thân vào việc đáng gắn bó, kẻ có sự nắm bắt những điều yêu thích, sau khi từ bỏ mục đích, ganh tị với vị có sự gắn bó bản thân (vào việc tu tập).
[210] 2. Chớ nên tiếp cận với những gì yêu thích và những gì không yêu thích vào bất cứ lúc nào. Không nhìn thấy những gì yêu thích và nhìn thấy những gì không yêu thích là khổ đau.
[211] 3. Vì thế, chớ tạo ra đối tượng yêu thích, bởi vì sự xa lìa những gì yêu thích là điều xấu. Những vị nào không có đối tượng yêu thích và đối tượng không yêu thích, sự ràng buộc không hiện hữu đối với những vị ấy.
[212] 4. Do yêu thích sầu muộn được sanh ra, do yêu thích lo sợ được sanh ra. Đối với người đã thoát ra khỏi sự yêu thích, sầu muộn không có, lo sợ từ đâu có?
[213] 5. Do mến thương sầu muộn được sanh ra, do mến thương lo sợ được sanh ra. Đối với người đã thoát ra khỏi sự mến thương, sầu muộn không có, lo sợ từ đâu có?
[214] 6. Do luyến ái sầu muộn được sanh ra, do luyến ái lo sợ được sanh ra. Đối với người đã thoát ra khỏi sự luyến ái, sầu muộn không có, lo sợ từ đâu có?
[215] 7. Do ham muốn sầu muộn được sanh ra, do ham muốn lo sợ được sanh ra. Đối với người đã thoát ra khỏi sự ham muốn, sầu muộn không có, lo sợ từ đâu có?
[216] 8. Do tham ái sầu muộn được sanh ra, do tham ái lo sợ được sanh ra. Đối với người đã thoát ra khỏi sự tham ái, sầu muộn không có, lo sợ từ đâu có?
[217] 9. (Vị nào) được đầy đủ về giới hạnh và sự nhận thức, đã đứng vững ở Thánh Pháp, có sự hiểu biết về Chân Lý, đang thực hành công việc của mình, dân chúng thể hiện sự yêu mến đối với vị ấy.
[218] 10. Vị đã khởi lên mong muốn về pháp không định nghĩa được (Niết Bàn), nếu được thấm nhuần bởi ý, và có tâm không bị trói buộc ở các dục, được gọi là ‘Bậc Thượng Lưu.’
[219] 11. Khi người có cuộc sống ly hương lâu dài đã trở về an toàn từ phương xa, thân quyến bạn bè và người quen vui mừng người đã trở về.
[220] 12. Tương tợ y như thế, khi người đã làm việc phước thiện từ thế giới này đi đến thế giới khác, các phước báu tiếp đón (người ấy), ví như các quyến thuộc tiếp đón người thân yêu đã trở về.
Phẩm Yêu Thích là thứ mười sáu.
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada