[129] 1. Tất cả khiếp sợ hành phạt, tất cả sợ hãi Tử Thần. Sau khi lấy bản thân làm ví dụ, chớ nên giết hại, chớ nên bảo (kẻ khác) giết hại.
[130] 2. Tất cả khiếp sợ hành phạt, tất cả xem mạng sống là yêu quý. Sau khi lấy bản thân làm ví dụ, chớ nên giết hại, chớ nên bảo (kẻ khác) giết hại.
[131] 3. Kẻ nào hãm hại các chúng sanh có sự mong mỏi hạnh phúc bằng hành phạt trong khi tầm cầu hạnh phúc cho mình, kẻ ấy không đạt được hạnh phúc sau khi chết.
[132] 4. Kẻ nào không hãm hại các chúng sanh có sự mong mỏi hạnh phúc bằng hành phạt trong khi tầm cầu hạnh phúc cho mình, kẻ ấy đạt được hạnh phúc sau khi chết.
[133] 5. Ngươi chớ nói điều thô lỗ đến bất cứ ai. Những người đã bị (ngươi) nói có thể nói lại ngươi. Những lời nói cộc cằn quả là tai hại, (bởi vì) các sự đánh trả lại có thể giáng xuống cho ngươi.
[134] 6. Nếu ngươi không dao động bản thân giống như cái chuông đã bị bể, chính ngươi đã đạt đến Niết Bàn, sự thù hằn không tìm thấy ở ngươi.
[135] 7. Giống như người chăn bò dùng gậy gộc lùa bầy bò ra đồng cỏ, tương tự như thế sự già và sự chết xua đuổi tuổi thọ của các chúng sanh.
[136] 8. Và trong khi làm các việc ác, kẻ ngu không được sáng suốt. Kẻ có trí tồi bị hối hận bởi các hành động của mình, ví như bị đốt thiêu bởi ngọn lửa.
[137] 9. Kẻ nào dùng gậy gộc gây hại đến các bậc không có gậy gộc, không bị ô nhiễm, ngay lập tức bị đọa vào một trong mười trường hợp:
[138] 10. (Kẻ ấy) có thể gánh chịu cảm thọ khốc liệt, sự mất mát tài sản, và sự tổn thương của cơ thể, hoặc là bịnh hoạn trầm trọng, hoặc sự mất trí.
[139] 11. Hoặc là sự phiền hà từ nhà vua, hay sự cáo tội khắc nghiệt, hoặc là sự tổn thất về thân quyến, hay sự tiêu tán về các của cải.
[140] 12. Hoặc là ngọn lửa phát khởi thiêu đốt các gian nhà của kẻ ấy. Do sự hoại rã của thân, kẻ thiếu trí tuệ ấy bị sanh vào địa ngục.
[141] 13. Không phải sự thực hành lõa thể, không phải các búi tóc, không phải (sự bôi trét) các bùn đất, không phải sự tuyệt thực, hoặc sự nằm trên mặt đất, không phải bụi bặm và cáu ghét, không phải sự ra sức ngồi chồm hổm làm trong sạch con người chưa vượt qua sự nghi hoặc.
[142] 14. Mặc dầu đã được trang sức, mà có thể thực hành sự trầm tĩnh, được an tịnh, đã được rèn luyện, quả quyết, có Phạm hạnh, đã buông bỏ sự hành hạ đối với tất cả chúng sanh, vị ấy là Bà-la-môn, vị ấy là Sa-môn, vị ấy là tỳ khưu.
[143] 15. Người có sự tự ngăn ngừa bằng pháp hổ thẹn (tội lỗi) khó tìm thấy ở thế gian, là người không khơi dậy lời chê trách, ví như con ngựa hiền không phải dùng đến cây roi.
[144] 16. Giống như con ngựa hiền được điều khiển bởi cây roi, các ngươi hãy có sự nhiệt tâm, có sự năng nổ. Với tín, với giới, và với tấn, với định, và với sự thẩm định về pháp, có minh và hạnh đầy đủ, có niệm, các ngươi hãy dứt bỏ sự khổ đau không phải là nhỏ nhoi này.
[145] 17. Thật vậy, những người đào kênh dẫn nước, những thợ làm tên uốn nắn cây tên, những người thợ mộc tạo dáng thanh gỗ, những vị có sự hành trì tốt đẹp rèn luyện bản thân.
Phẩm Hình Phạt là thứ mười.
[1] tiṇṇamaññataraṃ yāmaṃ: Chú giải giải thích là một trong ba giai đoạn của cuộc đời, chứ không phải một trong ba canh của đêm (DhA. iii, 138).
[2] Không ghi theo nghĩa thông thường của seti là ‘nằm, ngủ.’ Chú Giải giải thích từ seti là viharati: ‘sống, sinh hoạt’ (DhA. iii, 165).
[3] Theo Chú Giải, bệnh (ātura) ở đây có nghĩa là ô nhiễm (kilesa), không bệnh nghĩa là không có ô nhiễm (DhA. iii, 257).
[4] atidhonacārinaṃ: ‘kẻ có sự thọ dụng bốn món vật dụng thiếu sự quán xét’ ý nghĩa này được ghi theo lời giải thích của Chú Giải (DhA. iii, 344).
[5] Ba mươi sáu dòng chảy: nói đến sáu ái liên quan nội phần và sáu ái liên quan ngoại phần, ở vào ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai (DhA. iv, 48).
[6] Các chú thích ở trong ngoặc đơn được thêm vào căn cứ theo Chú Giải (DhA. iv, 108).
[7] Về cả hai pháp: nói đến samathavipassanā, chỉ tịnh và minh sát (DhA. iv, 140).
[8] Các chú thích ở trong ngoặc đơn được thêm vào căn cứ theo Chú Giải (DhA. iv, 160).
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada