[116] 1. Nên mau mắn trong việc tốt, nên ngăn chặn tâm khỏi điều ác, bởi vì khi người làm việc phước thiện một cách chậm chạp, tâm của người thích thú trong việc ác.

[117] 2. Nếu người làm việc ác, không nên tiếp tục làm việc ấy nữa. Không nên tạo ra sự mong muốn về việc ấy, sự tích lũy việc ác là khổ đau.

[118] 3. Nếu người làm việc phước thiện, nên tiếp tục làm việc ấy. Nên tạo ra sự mong muốn về việc ấy, sự tích lũy việc phước thiện là hạnh phúc.

[119] 4. Người làm ác cũng gặp được điều lành khi nào việc ác chưa được chín muồi. Và khi nào việc ác được chín muồi, khi ấy người làm ác gặp những điều xấu xa.

[120] 5. Người làm lành cũng gặp điều xấu xa khi nào việc lành chưa được chín muồi. Và khi nào việc lành được chín muồi, khi ấy người làm lành gặp những điều tốt lành.

[121] 6. Chớ xem thường việc ác (nghĩ rằng): ‘Điều ấy sẽ không đến cho ta.’ Với việc nhỏ xuống từng giọt nước, bình nước cũng được tràn đầy, trong khi tích lũy (việc ác) dầu chỉ từng chút từng chút, kẻ ngu bị ngập tràn việc ác.

[122] 7. Chớ xem thường việc phước (nghĩ rằng): ‘Điều ấy sẽ không đến cho ta.’ Với việc nhỏ xuống từng giọt nước, bình nước cũng được tràn đầy, trong khi tích lũy (việc phước) dầu chỉ từng chút từng chút, người sáng trí được ngập tràn việc phước.

[123] 8. Nên lánh xa các việc ác, ví như người thương buôn có đoàn lữ hành ít ỏi mà có tài sản lớn lao nên lánh xa con đường nguy hiểm, ví như người có ý muốn sống nên lánh xa thuốc độc.

[124] 9. Có thể nắm lấy thuốc độc bằng bàn tay nếu ở bàn tay không có vết thương; thuốc độc không ngấm vào chỗ không có vết thương, không có điều ác cho người không làm (ác).

[125] 10. Kẻ nào bôi nhọ người không bị ô nhiễm, người trong sạch, không vết nhơ, điều xấu xa quay về chính kẻ ngu ấy, ví như bụi bặm li ti được tung ra ngược chiều gió.

[126] 11. Một số sanh vào bào thai, những kẻ có nghiệp ác sanh vào địa ngục, những người có hạnh lành đi đến cõi trời, các bậc vô lậu viên tịch Niết Bàn.

[127] 12. Không phải ở bầu trời, không phải ở giữa biển khơi, không phải đã đi vào khe của những ngọn núi, không tìm thấy khu vực ấy ở trên trái đất, nơi mà người đứng ở đó có thể thoát khỏi nghiệp ác.

[128] 13. Không phải ở bầu trời, không phải ở giữa biển khơi, không phải đã đi vào khe của những ngọn núi, không tìm thấy khu vực ấy ở trên trái đất, nơi mà người đứng ở đó thì Tử Thần không thể khống chế.

Phẩm Ác là thứ chín.

 

[1] tiṇṇamaññataraṃ yāmaṃ: Chú giải giải thích là một trong ba giai đoạn của cuộc đời, chứ không phải một trong ba canh của đêm (DhA. iii, 138).

[2] Không ghi theo nghĩa thông thường của seti là ‘nằm, ngủ.’ Chú Giải giải thích từ seti là viharati: ‘sống, sinh hoạt’ (DhA. iii, 165).

[3] Theo Chú Giải, bệnh (ātura) ở đây có nghĩa là ô nhiễm (kilesa), không bệnh nghĩa là không có ô nhiễm (DhA. iii, 257).

[4] atidhonacārinaṃ: ‘kẻ có sự thọ dụng bốn món vật dụng thiếu sự quán xét’ ý nghĩa này được ghi theo lời giải thích của Chú Giải (DhA. iii, 344).

[5] Ba mươi sáu dòng chảy: nói đến sáu ái liên quan nội phần và sáu ái liên quan ngoại phần, ở vào ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai (DhA. iv, 48).

[6] Các chú thích ở trong ngoặc đơn được thêm vào căn cứ theo Chú Giải (DhA. iv, 108).

[7] Về cả hai pháp: nói đến samathavipassanā, chỉ tịnh và minh sát (DhA. iv, 140).

[8] Các chú thích ở trong ngoặc đơn được thêm vào căn cứ theo Chú Giải (DhA. iv, 160).



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada