[60] 1. Đêm là dài đối với người đang thức, một do-tuần là dài đối với người bị mệt mỏi, luân hồi là dài đối với những kẻ ngu không nhận biết Diệu Pháp.

[61] 2. Trong khi du hành, nếu không đạt được người giỏi hơn (hoặc) tương đương so với bản thân, nên vững chãi thực hiện việc du hành một mình; không có tình bạn hữu ở kẻ ngu.

[62] 3. ‘Tôi có các con trai, tôi có tài sản,’ (nghĩ thế) kẻ ngu bị sầu khổ. Chính bản thân của mình còn không có, từ đâu mà có các con trai, từ đâu mà có tài sản?

[63] 4. Người ngu nào biết được sự ngu dốt (của mình), do việc ấy người ấy cũng là sáng suốt. Còn kẻ ngu (nào) có sự tự hào là sáng suốt, chính kẻ ấy được gọi là ‘ngu.’

[64] 5. Kẻ ngu nếu thân cận bậc trí cho đến trọn đời mà kẻ ấy không nhận thức được Giáo Pháp thì giống như cái muỗng (không biết được) vị của món xúp.

[65] 6. Người hiểu biết nếu thân cận bậc trí dầu chỉ phút chốc mà mau chóng nhận thức được Giáo Pháp thì giống như cái lưỡi (biết được) vị của món xúp.

[66] 7. Trong khi làm nghiệp ác là việc làm có quả báo đắng cay, những kẻ ngu có trí tồi cư xử đối với bản thân như là (cư xử đối với) kẻ thù.

[67] 8. Việc gì sau khi làm mà bị hối hận, và nhận lãnh quả thành tựu của việc ấy với khuôn mặt đầy nước mắt, khóc lóc, thì việc làm ấy đã được làm một cách không tốt đẹp.

[68] 9. Còn việc gì sau khi làm mà không bị hối hận, và nhận lãnh quả thành tựu của việc ấy được vừa lòng thích ý, thì việc làm ấy đã được làm một cách tốt đẹp.

[69] 10. Cho đến khi nào điều ác chưa được chín muồi thì kẻ ngu còn nghĩ về nó như là mật ngọt, nhưng đến khi điều ác được chín muồi thì kẻ ngu đọa vào khổ đau.

[70] 11. Kẻ ngu có thể thọ dụng vật thực bằng đầu ngọn cỏ kusa theo từng tháng một, kẻ ấy không giá trị bằng một phần mười sáu so với những người đã hiểu được Giáo Pháp.

[71] 12. Ví như sữa không trở chua ngay lập tức, nghiệp ác đã làm không trổ quả liền liền, nó theo đuổi kẻ ngu, đốt nóng, ví như ngọn lửa đã được phủ tro.

[72] 13. Trạng thái được nổi tiếng sanh lên cho kẻ ngu cũng chỉ đem lại điều bất lợi, nó làm vỡ tan cái đầu (trí tuệ) và hủy hoại phần thánh thiện của kẻ ngu này.

[73] 14. (Kẻ ngu) có thể ước ao sự tiến bộ không có thực, sự nổi bật trong số các vị tỳ khưu, quyền hành ở các trú xứ, và sự cúng dường ở các gia đình khác.

[74] 15. ‘Mong sao cả hai hàng tại gia và xuất gia đều nghĩ rằng việc đã được làm bởi chính ta, mong sao họ đều chịu sự điều khiển của chính ta trong mọi công việc lớn nhỏ,’ suy nghĩ của kẻ ngu là thế ấy, lòng ham muốn và ngã mạn của kẻ ấy tăng trưởng.

[75] 16. Phương thức đưa đến lợi lộc là cái khác, còn đường lối đi đến Niết Bàn là cái khác, sau khi biết rõ điều này như thế, vị tỳ khưu đệ tử của đức Phật chớ nên thích thú sự tôn vinh, nên thực hành hạnh độc cư.

Phẩm Kẻ Ngu là thứ năm.

 

[1] tiṇṇamaññataraṃ yāmaṃ: Chú giải giải thích là một trong ba giai đoạn của cuộc đời, chứ không phải một trong ba canh của đêm (DhA. iii, 138).

[2] Không ghi theo nghĩa thông thường của seti là ‘nằm, ngủ.’ Chú Giải giải thích từ seti là viharati: ‘sống, sinh hoạt’ (DhA. iii, 165).

[3] Theo Chú Giải, bệnh (ātura) ở đây có nghĩa là ô nhiễm (kilesa), không bệnh nghĩa là không có ô nhiễm (DhA. iii, 257).

[4] atidhonacārinaṃ: ‘kẻ có sự thọ dụng bốn món vật dụng thiếu sự quán xét’ ý nghĩa này được ghi theo lời giải thích của Chú Giải (DhA. iii, 344).

[5] Ba mươi sáu dòng chảy: nói đến sáu ái liên quan nội phần và sáu ái liên quan ngoại phần, ở vào ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai (DhA. iv, 48).

[6] Các chú thích ở trong ngoặc đơn được thêm vào căn cứ theo Chú Giải (DhA. iv, 108).

[7] Về cả hai pháp: nói đến samathavipassanā, chỉ tịnh và minh sát (DhA. iv, 140).

[8] Các chú thích ở trong ngoặc đơn được thêm vào căn cứ theo Chú Giải (DhA. iv, 160).



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada