[Duyên khởi ở Sāvatthi]
Này các tỳ khưu, đây là bốn sự lầm lạc của tưởng, lầm lạc của tâm, lầm lạc của kiến. Bốn là gì? Này các tỳ khưu, về vô thường (quan niệm) là ‘Thường’ là sự lầm lạc của tưởng, lầm lạc của tâm, lầm lạc của kiến. Này các tỳ khưu, về khổ não (quan niệm) là ‘Lạc’ là sự lầm lạc của tưởng, lầm lạc của tâm, lầm lạc của kiến. Này các tỳ khưu, về vô ngã (quan niệm) là ‘Ngã’ là sự lầm lạc của tưởng, lầm lạc của tâm, lầm lạc của kiến. Này các tỳ khưu, về bất tịnh (quan niệm) là ‘Tịnh’ là sự lầm lạc của tưởng, lầm lạc của tâm, lầm lạc của kiến. Này các tỳ khưu, đây là bốn sự lầm lạc của tưởng, lầm lạc của tâm, lầm lạc của kiến.
Này các tỳ khưu, đây là bốn sự không lầm lạc của tưởng, không lầm lạc của tâm, không lầm lạc của kiến. Bốn là gì? Này các tỳ khưu, về vô thường (quan niệm) là ‘Vô thường’ là sự không lầm lạc của tưởng, không lầm lạc của tâm, không lầm lạc của kiến Này các tỳ khưu, về khổ não (quan niệm) là ‘Khổ não’ là sự không lầm lạc của tưởng, không lầm lạc của tâm, không lầm lạc của kiến Này các tỳ khưu, về vô ngã (quan niệm) là ‘Vô ngã’ là sự không lầm lạc của tưởng, không lầm lạc của tâm, không lầm lạc của kiến Này các tỳ khưu, về bất tịnh (quan niệm) là ‘Bất tịnh’ là sự không lầm lạc của tưởng, không lầm lạc của tâm, không lầm lạc của kiến Này các tỳ khưu, bốn điều này không lầm lạc của tưởng, không lầm lạc của tâm, không lầm lạc của kiến.
1.Vô thường tưởng là thường
khổ não tưởng là lạc,
vô ngã cho là ngã,
bất tịnh tưởng là tịnh,
tà kiến đánh bại chúng
tưởng quấy, tâm rối loạn.
2.Bị Ma vương buộc ách,
trói buộc không an ổn,
chúng sanh bị luân hồi
đi đến sanh lão tử.
3.Khi chư Phật quang minh
hiện khởi ở thế gian
giảng giải Giáo Pháp này
đưa đến vắng lặng khổ.
4.Bậc trí nghe theo Phật
thành tựu tâm, thấy được
vô thường là vô thường,
khổ não là khổ não,
Vô ngã là vô ngã,
bất tịnh là bất tịnh,
nắm giữ chánh tri kiến,
xa lìa tất cả khổ.
Đối với người được thành tựu về kiến, bốn sự lầm lạc này được dứt bỏ hay chưa được dứt bỏ? Một số được dứt bỏ, một số chưa được dứt bỏ. Sự lầm lạc của tưởng, lầm lạc của tâm, lầm lạc của kiến về vô thường (quan niệm) là ‘Thường’ được dứt bỏ. Về khổ não (quan niệm) là ‘Lạc,’ tưởng như thế có sanh lên, tâm như thế có sanh lên, còn sự lầm lạc của kiến được dứt bỏ. Sự lầm lạc của tưởng, lầm lạc của tâm, lầm lạc của kiến về vô ngã (quan niệm) là ‘Ngã’ được dứt bỏ. Về bất tịnh (quan niệm) là ‘Tịnh,’ tưởng như thế có sanh lên, tâm như thế có sanh lên, còn sự lầm lạc của kiến được dứt bỏ.
Về hai sự việc (vô thường, vô ngã), có sáu sự lầm lạc được dứt bỏ. Về hai sự việc (khổ não, bất tịnh), có hai sự lầm lạc được dứt bỏ, bốn sự lầm lạc chưa được dứt bỏ. Về bốn sự việc, có tám sự lầm lạc được dứt bỏ, bốn sự lầm lạc chưa được dứt bỏ.
Phần Giảng về Sự Lầm Lạc được đầy đủ.
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada