Hành vi: Có tám hành vi: hành vi của oai nghi, hành vi của xứ, hành vi của niệm, hành vi của định, hành vi của trí, hành vi của Đạo, hành vi của sự đạt đến, và hành vi vì lợi ích của thế gian.
Hành vi của oai nghi: liên quan đến bốn oai nghi.
Hành vi của xứ: liên quan đến sáu nội ngoại xứ.
Hành vi của niệm: liên quan đến bốn sự thiết lập niệm.
Hành vi của định: liên quan đến bốn thiền.
Hành vi của trí: liên quan đến bốn Chân Lý cao thượng.
Hành vi của Đạo: liên quan đến bốn Thánh Đạo.
Hành vi của sự đạt đến: liên quan đến bốn Quả vị Sa-môn.
Hành vi vì lợi ích của thế gian: liên quan đến các đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác, liên quan một phần đến các vị Phật Độc Giác, liên quan một phần đến các vị Thinh Văn.
Hành vi của oai nghi là của các vị đã thành tựu ước nguyện. Hành vi của xứ là của các vị có sự hộ trì các căn. Hành vi của niệm là của các vị an trú vào sự không buông lung. Hành vi của định là của các vị gắn bó vào thắng tâm. Hành vi của trí là của các vị đã thành tựu sự giác ngộ. Hành vi của Đạo là của các vị thực hành đúng đắn. Hành vi của sự đạt đến là thuộc về các Quả đã được chứng đạt. Hành vi vì lợi ích của thế gian là của các đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác, là của các vị Phật Độc Giác một phần, là của các vị Thinh Văn một phần. Đây là tám hành vi.
Có tám hành vi khác nữa: Trong khi cương quyết là hành xử với tín, trong khi ra sức là hành xử với tấn, trong khi thiết lập là hành xử với niệm, trong khi hành động không tản mạn là hành xử với định, trong khi là nhận biết là hành xử với tuệ, trong khi nhận thức là hành xử với thức. ‘Ở vị thực hành như thế, các thiện pháp được thể hiện’ là hành xử với hành vi của xứ. ‘Vị thực hành như thế đạt đến sự thù thắng’ là hành xử với hành vi của sự thù thắng. Đây là tám hành vi.
Có tám hành vi khác nữa: Hành vi nhận thấy của chánh kiến, hành vi gắn chặt (tâm vào cảnh) của chánh tư duy, hành vi gìn giữ của chánh ngữ, hành vi nguồn sanh khởi của chánh nghiệp, hành vi trong sạch của chánh mạng, hành vi ra sức của chánh tinh tấn, hành vi thiết lập của chánh niệm, hành vi không tản mạn của chánh định. Đây là tám hành vi.
Phần Giảng về Hành Vi được đầy đủ.
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada