(I) (21) Tại Sàmagàma

1.Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Sakka, tại Sàmagàma, gần hồ sen. Rồi một Thiên nhân, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng hồ sen, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, vị Thiên nhân ấy bạch Thế Tôn:

- Có ba pháp này, bạch Thế Tôn, đưa đến Tỷ-kheo thối đọa. Thế nào là ba? Ưa thích công việc, ưa thích nói chuyện, ưa thích ngủ nghỉ. Ba pháp này, bạch Thế Tôn, đưa đến Tỷ-kheo thối đọa.

Vị Thiên nhân ấy nói như vậy. Bậc Ðạo Sư chấp nhận. Vị Thiên nhân ấy, với ý nghĩ: "Bậc Ðạo Sư đã chấp nhận ta", đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi biến mất tại chỗ.

2.Rồi Thế Tôn, sau khi đêm ấy đã mãn, gọi các Tỷ-kheo:

- Này các Tỷ-kheo, đêm nay, một Thiên nhân, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng hồ sen, đi đến Ta; sau khi đến, vị ấy đảnh lễ Ta rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Thiên nhân ấy nói với Ta: "Bạch Thế Tôn, có ba pháp này, bạch Thế Tôn, đưa đến Tỷ-kheo thối đọa. Thế nào là ba? Ưa thích công việc, ưa thích nói chuyện, ưa thích ngủ nghỉ. Ba pháp này, bạch Thế Tôn, đưa đến Tỷ-kheo thối đọa". Này các Tỷ-kheo, Thiên nhân ấy nói như vậy. Nói như vậy xong, vị ấy đảnh lễ Ta, thân bên hữu hướng về Ta rồi biến mất tại chỗ. Này các Tỷ-kheo, thật không được gì cho các Thầy, thật không khéo được gì cho các Thầy, vì rằng các Thiên nhân ấy biết được các pháp dắt dẫn các Thầy thối đọa trong các thiện pháp. Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng ba pháp khác đưa đến thối đọa, hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói.

- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

3.- Này các Tỷ-kheo, thế nào là ba pháp đưa đến thối đọa? Ưa hội chúng, ác ngôn, ác bạn hữu. Ba pháp này, này các Tỷ-kheo đưa đến thối đọa.

4.Này các Tỷ-kheo, những ai trong quá khứ đã thối đọa trong các thiện pháp, tất cả đều vì sáu pháp này, sẽ bị thối đọa trong các thiện pháp. Này các Tỷ-kheo, những ai trong tương lai sẽ bị thối đọa trong các thiện pháp, tất cả đều vì sáu pháp này, sẽ bị thối đọa trong các thiện pháp. Này các Tỷ kheo, những ai trong hiện tại bị thối đọa trong các thiện pháp, tất cả đều vì sáu pháp này, bị thối đọa trong các thiện pháp.

(II) (22) Không Thối Ðọa

1.- Này các Tỷ-kheo, có sáu pháp không thối đọa này, Ta sẽ thuyết, hãy lắng nghe.

2.Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sáu pháp không thối đọa?

Không ưa công việc, không ưa nói chuyện, không ưa ngủ nghỉ, không ưa hội chúng, thiện ngôn, thiện bạn hữu.

Này các Tỷ-kheo, có sáu pháp không thối đọa này.

3.Này các Tỷ-kheo, những ai trong thời quá khứ không bị thối đọa, trong các thiện pháp, tất cả đều nhờ sáu pháp này, không bị thối đọa trong các thiện pháp. Này các Tỷ-kheo, những ai trong thời vị lai sẽ không bị thối đọa trong các thiện pháp, tất cả đều nhờ sáu pháp này, sẽ không bị thối đọa trong các thiện pháp. Này các Tỷ-kheo, những ai trong thời hiện tại không bị thối đọa trong các thiện pháp, tất cả đều nhờ sáu pháp này, không bị thối đọa trong các thiện pháp.

(III) (23) Sợ Hãi

1.- Sợ hãi, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với các dục. Khổ, này các Tỷ-kheo, là đồng nghiệp với các dục. Bệnh, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với các dục. Cục bướu, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với các dục. Tham dính, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với các dục. Bùn lầy, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với các dục.

2.Và này các Tỷ-kheo, vì sao sợ hãi là đồng nghĩa với các dục?

Này các Tỷ-kheo, say đắm bởi tham dục, bị trói buộc bởi các tham ước muốn, ngay trong hiện tại không thoát khỏi sợ hãi, đời sau cũng không thoát khỏi sợ hãi. Do vậy, sợ hãi là đồng nghĩa với các dục.

3.Này các Tỷ-kheo, vì sao khổ... bệnh... cục bướu... tham dính... bùn lầy là đồng nghĩa với các dục?

Này các Tỷ-kheo, say đắm bởi tham dục, bị trói buộc bởi tham dục, ngay trong hiện tại không thoát khỏi bùn lầy, đời sau cũng không thoát khỏi bùn lầy. Do vậy bùn lầy là đồng nghĩa với các dục.

Sợ hãi và khổ đau,
Bệnh hoạn và cục bướu,
Cả hai tham dính bùn,
Ðược gọi là các dục,
Tại đấy kẻ phàm phu,
Tham đắm và chấp trước,
Thấy sợ trong chấp thủ,
Nguồn gốc của tử sanh,
Không chấp thủ, giải thoát,
Ðoạn tận được sanh tử,
Chúng đạt được an ổn,
Ðược hiện tại tịnh lạc,
Vượt sợ hãi oán thù,
Mọi đau khổ vượt qua.

(IV) (24) Núi Tuyết Sơn

1.- Thành tựu sáu pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có thể phá vỡ vua núi Tuyết sơn, còn nói gì vô minh hạ liệt. Thế nào là sáu?

2.Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo thiện xảo nhập được Thiền định, thiện xảo trú được Thiền định, thiện xảo xuất khỏi Thiền định, thiện xảo trong sự an lạc Thiền định, thiện xảo trong cảnh giới Thiền định, thiện xảo trong sự dẫn khởi đến Thiền định.

Thành tựu sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có thể phá vỡ vua núi Tuyết sơn, còn nói gì vô minh hạ liệt.

(V) (25) Tùy Niệm Xứ

1.- Này các Tỷ-kheo, có sáu Tùy niệm xứ này. Thế nào là sáu?

2.Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử tùy niệm Như Lai: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán... Phật, Thế Tôn". Khi nào, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử tùy niệm Như Lai, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối, trong khi ấy, tâm được chánh trực, ra khỏi, giải thoát, xuất khỏi tham. Tham, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với năm dục trưởng dưỡng. Do lấy cái này làm đối tượng, này các Tỷ-kheo, ở đây một số các loài hữu tình được thanh tịnh.

3.Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử tùy niệm Pháp: "Pháp được Thế Tôn khéo thuyết... được người trí tự mình giác hiểu". Khi nào, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử tùy niệm Pháp, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối, trong khi ấy, tâm được chánh trực... các loài hữu tình được thanh tịnh.

4.Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử niệm Tăng: "Diệu hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn... là ruộng phước vô thượng ở đời". Khi nào, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử niệm Tăng... các loài hữu tình được thanh tịnh.

5.Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử tùy niệm giới: "Giới không bị bể vụn... đưa đến Thiền định". Khi nào, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử tùy niệm giới, trong khi ấy tâm không bị tham chi phối... các loài hữu tình được thanh tịnh.

6.Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử tự mình tùy niệm thí của mình: "Thật là được lợi cho ta! Thật là khéo được lợi cho ta... trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối... các loài hữu tình được thanh tịnh".

7.Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử tùy niệm Thiên: "Có bốn Thiên vương, có chư Thiên cõi Trời Ba mươi ba, có chư Thiên Yàma, có chư Thiên Tusità (Ðâu-suất), có chư Thiên Hóa Lạc Thiên, có chư Thiên Tha hóa Tự tại, có chư Thiên Phạm chúng, có chư Thiên cao hơn nữa. Ðầy đủ với lòng tin như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Lòng tin như vậy cũng có đầy đủ ở nơi ta. Ðầy đủ với giới, với nghe pháp, với thí, với tuệ như vậy, chư Thiên ấy, sau khi chết ở chỗ này, được sanh tại chỗ kia. Tuệ như vậy cũng có đầy đủ ở nơi ta". Khi vị ấy niệm tín, giới, nghe pháp, thí và tuệ của tự mình và chư Thiên ấy, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối, trong khi ấy, tâm vị ấy được chánh trực, ra khỏi, giải thoát, xuất khỏi tham. Tham, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với năm dục trưởng dưỡng. Do lấy cái này làm đối tượng, này các Tỷ-kheo, ở đây, một số các loài hữu tình được thanh tịnh.

Này các Tỷ-kheo, đây là sáu Tùy niệm xứ.

(VI) (26) Kaccàna

1.Tại đấy, Tôn giả Mahàkaccàna gọi các Tỷ-kheo:

- Chư Hiền giả Tỷ-kheo!

- Thưa vâng, Hiền giả.

Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Mahàkaccàna. Tôn giả Mahàkaccàna nói như sau:

2.- Thật vi diệu thay, chư Hiền giả! Thật hy hữu thay, chư Hiền giả! Thế Tôn, bậc Trí giả, bậc Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, đã chứng ngộ và đạt được sự mở rộng khỏi bị trói buộc, nhờ vậy, các loài hữu tình được thanh tịnh, vượt khỏi sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là sáu Tùy niệm xứ. Thế nào là sáu?

3.Ở đây, này các Hiền giả, Thánh đệ tử niệm Như Lai: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán... Phật, Thế Tôn". Này chư Hiền, trong khi Thánh đệ tử niệm Như Lai, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân hận chi phối, tâm không bị si chi phối, trong khi ấy, tâm được chánh trực, ra khỏi, giải thoát, xuất khỏi tham. Tham, này chư Hiền, là đồng nghĩa với năm dục trưởng dưỡng. Thánh đệ tử ấy, này chư Hiền, trong tất cả thời, sống với tâm đồng đẳng với hư không, rộng lớn quảng đại, vô lượng, không hận, không sân. Này chư Hiền, lấy cái này làm đối tượng, ở đây một số loài hữu tình được thanh tịnh.

4.Lại nữa, này chư Hiền, vị Thánh đệ tử niệm Pháp: "Pháp được Thế Tôn khéo thuyết... được các người có trí tự mình giác hiểu". Này chư Hiền, trong khi Thánh đệ tử niệm Pháp, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si phối, trong khi ấy, tâm được chánh trực, ra khỏi, giải thoát, xuất khỏi tham. Tham, này chư Hiền, là đồng nghĩa với năm dục trưởng dưỡng. Thánh đệ tử ấy, trong tất cả thời, sống với tâm đồng đẳng với hư không, rộng lớn, quảng đại, vô lượng, không hận, không sân. Này chư Hiền, lấy cái này làm đối tượng, ở đây một số loài hữu tình được thanh tịnh.

5-8. Lại nữa, này chư Hiền, vị Thánh đệ tử niệm Tăng: "Diệu hạnh là chúng đệ tử Thế Tôn... là ruộng phước vô thượng ở đời... niệm các giới... niệm thí... niệm chư Thiên..." Thánh đệ tử, này chư Hiền, trong khi niệm chư Thiên, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối, trong khi ấy, tâm được chánh trực, ra khỏi, giải thoát, xuất khỏi tham. Tham, này chư Hiền, là đồng nghĩa với các dục trưởng dưỡng. Thánh đệ tử ấy, trong tất cả thời, sống với tâm đồng đẳng với hư không, rộng lớn, quảng đại, vô lượng, không hận, không sân. Này chư Hiền, lấy tư tưởng này làm đối tượng, ở đây, một số loài hữu tình được thanh tịnh.

Thật vi diệu thay, này chư Hiền! Thật hy hữu thay, này chư Hiền, Thế Tôn, bậc Trí giả, bậc Kiến giả, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, đã chứng ngộ và đạt được sự mở rộng khỏi bị trói buộc, nhờ vậy các loài hữu tình được thanh tịnh vượt khỏi sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là sáu Tùy niệm xứ.

(VII) (27) Các Thời Gian (1)

1.Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

- Có bao nhiêu thời gian để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý?

2.- Có sáu thời gian, này Tỷ-kheo, để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý. Thế nào là sáu?

3.Ở đây, này Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo sống với tâm bị dục tham chi phối, bị dục tham ám ảnh, vị ấy không như thật rõ biết dục tham đang khởi lên, trong khi ấy, sau khi đến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý, vị ấy cần được nói như sau: "Thưa Hiền giả, tôi sống với tâm bị dục tham chi phối, bị dục tham ám ảnh, tôi không như thật rõ biết xuất ly khỏi dục tham. Lành thay, nếu Tôn giả thuyết pháp cho tôi để đoạn tận dục tham". Và Tỷ-kheo đã được tu tập về ý thuyết pháp để đoạn tham. Này Tỷ-kheo, đây là thời thứ nhất để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý.

4.Lại nữa, này Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo sống với tâm bị sân chi phối, bị sân ám ảnh, không như thật rõ biết xuất ly khỏi sân được khởi lên, trong khi ấy, sau khi đến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý, vị ấy cần được nói như sau: "Thưa Hiền giả, tôi sống với tâm bị dục sân chi phối, bị dục sân ám ảnh, tôi không như thật rõ biết xuất ly khỏi sân. Lành thay, nếu Tôn giả thuyết pháp cho tôi để đoạn tận sân". Và Tỷ-kheo đã được tu tập về ý thuyết pháp để đoạn sân. Này Tỷ-kheo, đây là thời thứ hai để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý.

5-7. Lại nữa, này Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo sống với tâm bị hôn trầm thụy miên chi phối, bị hôn trầm thụy miên ám ảnh... bị trạo hối chi phối, bị trạo hối ám ảnh... bị nghi chi phối, bị nghi ám ảnh, không như thật rõ biết xuất ly khỏi nghi được khởi lên, trong khi ấy, sau khi đến, Tỷ-kheo đã được tu tập về ý, vị ấy cần được nói như sau: "Thưa Hiền giả, tôi sống với tâm bị nghi chi phối, bị tâm bị nghi ám ảnh. Tôi không như thật rõ biết xuất ly khỏi nghi. Lành thay, nếu Tôn giả thuyết pháp cho tôi để đoạn tận nghi". Và Tỷ-kheo đã được tu tập về ý thuyết pháp để đoạn tận nghi. Này Tỷ-kheo, đây là thời thứ năm để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý.

8.Lại nữa, này Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo y cứ nơi tướng nào, do tác ý tướng ấy, các lậu hoặc được đoạn diệt, không có gián đoạn, vị ấy không biết, không thấy tướng ấy, trong khi ấy, sau khi đi đến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý, vị ấy cần được nói như sau: "Thưa Hiền giả, y cứ nơi tướng nào, do tác ý tướng ấy các lậu hoặc được đoạn diệt, không có gián đoạn, tôi không biết không thấy tướng ấy. Lành thay, nếu Tôn giả thuyết pháp cho tôi để đoạn diệt các lậu hoặc". Và Tỷ-kheo đã được tu tập về ý thuyết pháp để đoạn diệt các lậu hoặc. Này Tỷ-kheo, đây là thời thứ sáu để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý.

Ðây là sáu thời gian, này Tỷ-kheo, để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý.

(VIII) (28) Các Thời Gian (2)

1.Một thời, rất nhiều Tỷ-kheo trú tại Bàrànasi, chỗ chư Thiên đọa xứ, vườn Lộc Uyển. Sau khi ăn xong, trên con đường đi khất thực trở về, các vị Tỷ-kheo ngồi tụ họp lại trong căn nhà hình tròn, và câu chuyện sau đây được khởi lên:

- Này chư Hiền, thời giờ nào để đi đến yết kiến vị Tỷ-kheo đã được tu tập về ý?

2.Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo bạch với các Tỷ-kheo trưởng lão:

- Thưa chư Hiền, khi nào vị Tỷ-kheo đã được tu tập về ý, sau buổi ăn trưa, trên con đường khất thực trở về, sau khi rửa chân, đã ngồi xuống, kiết-già, lưng thẳng, an trú niệm trước mặt, đấy là thời để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý.

3.Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo khác nói với Tỷ-kheo ấy:

- Thưa Hiền giả, đây không phải thời để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý. Này Hiền giả, trong khi Tỷ-kheo được tu tập về ý, sau bữa ăn, trên con đường khất thực trở về, sau khi rửa chân, ngồi kiết-già, lưng thẳng, để niệm trước mặt, bị mệt mỏi vì đi bộ, trong khi ấy, không cảm thấy khinh an, bị mệt mỏi vì ăn uống, trong khi ấy, không cảm thấy khinh an. Do vậy, không phải thời để đi đến yết kiến Tỷ-kheo được tu tập về ý. Này Hiền giả, trong khi Tỷ-kheo được tu tập về ý, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, dưới bóng của tịnh xá, ngồi kiết-già, lưng thẳng, để niệm trước mặt, thời ấy chính là thời để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý.

4.Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo khác nói với vị Tỷ-kheo ấy:

- Thời ấy không phải thời để đi yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý. Thưa Hiền giả, trong khi Tỷ-kheo được tu tập về ý, vào buổi chiều từ Thiền tịnh đứng dậy, dưới bóng ngôi tịnh xá, ngồi kiết-già, lưng thẳng, để niệm trước mặt, định tướng gì vị ấy tác ý ban ngày, định tướng ấy trong khi ấy được hiện hành. Do vậy, đây không phải là thời để đi yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý. Này Hiền giả, Tỷ-kheo được tu tập về ý, sau khi đêm vừa mãn, mới thức dậy, ngồi kiết-già, lưng thẳng, để niệm trước mặt. Khi ấy là thời để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý.

5.Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo khác nói với Tỷ-kheo ấy:

- Khi ấy không phải thời để đi đến yết kiến Tỷ-kheo được tu tập về ý. Này Hiền giả, trong khi Tỷ-kheo được tu tập về ý, sau khi đêm đã mãn, thức dậy, ngồi kiết-già, lưng thẳng, để niệm trước mặt, trong khi ấy, thân thể đầy nhựa sống, vị ấy cảm giác thoải mái, tác ý đến lời dạy của các đức Phật. Do vậy, khi ấy không phải là thời để yết kiến Tỷ-kheo được tu tập về ý.

6.Ðược nói vậy, Tôn giả Mahà Kaccàna nói với các Tỷ-kheo trưởng lão ấy:

- Thưa các Hiền giả, tôi tự thân nghe từ Thế Tôn, tự thân lãnh thọ như sau: Có sáu thời này, Tỷ-kheo nên đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý. Thế nào là sáu?

7-8. Mahà Kaccàna (lặp lại kinh 27 ở trên).

- Thưa chư Hiền, chính tôi tự thân nghe từ Thế Tôn, tự thân lãnh thọ như sau: Có sáu thời này, Tỷ-kheo cần đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý.

(IX) (29) Udàyi

1.Rồi Thế Tôn gọi Tôn giả Udàyi:

- Này Udàyi, có bao nhiêu chỗ để tùy niệm?

Ðược nói vậy, Tôn giả Udàyi giữ im lặng. Lần thứ hai, Thế Tôn bảo Tôn giả Udàyi:

- Có bao nhiêu chỗ để tùy niệm?

Lần thứ hai, Tôn giả Udàyi giữ im lặng. Lần thứ ba, Thế Tôn bảo Tôn giả Udàyi:

- Có bao nhiêu chỗ để tùy niệm? Lần thứ ba, Tôn giả Udàyi giữ im lặng. Rồi Tôn giả Ananda nói với Tôn giả Udàyi:

- Này Hiền giả Udàyi, Thế Tôn gọi Hiền giả!

- Thưa Hiền giả Ananda, tôi có nghe Thế Tôn gọi. Bạch Thế Tôn, khi Tỷ-kheo nhớ đến nhiều đời trước ở quá khứ như một đời, hai đời... vị ấy nhớ nhiều đời trước với các nét đại cương và các chi tiết. Bạch Thế Tôn, đây là chỗ để tùy niệm.

Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda:

- Ta đã biết, này Ananda, kẻ ngu Udàyi này không sống chuyên tâm vào tăng thượng tâm. Này Ananda, có bao nhiêu chỗ để tùy niệm?

- Bạch Thế Tôn, có năm chỗ để tùy niệm. Thế nào là năm?

2.Ở đây, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo ly dục, ly pháp bất thiện... chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Bạch Thế Tôn, đây là chỗ để tùy niệm, như vậy tu tập, như vậy làm cho sung mãn, đưa đến hiện tại lạc trú.

3.Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo tác ý với tưởng ánh sáng, trú vào tưởng ban ngày. Ngày như thế nào thời đêm như vậy. Ðêm như thế nào thời ngày như vậy. Như vậy, với tâm rộng mở, không có hạn chế, vị ấy tu tập tâm với ánh sáng, chiếu sáng. Bạch Thế Tôn, đây là chỗ để tùy niệm, tu tập như vậy, làm cho sung mãn, đưa đến chứng đắc tri kiến.

4.Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo quán sát thân này từ bàn chân trở lên trên, từ đảnh tóc trở xuống, được da bọc và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt. Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm, mũ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mủ, nước ở khớp xương, nước tiểu. Bạch Thế Tôn, đây là chỗ để tùy niệm, tu tập như vậy, làm sung mãn như vậy, đưa đến đoạn tận tham dục.

5.Lại nữa, bạch Thế Tôn, ví như vị Tỷ-kheo thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa, một ngày hay hai ngày, ba ngày, thi thể ấy trương phồng lên, xanh ứ lại, thối ra mủ chảy. Tỷ-kheo ấy đem so sánh với thân này như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy". Ví như vị ấy thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa, bị các loại quạ ăn; hay bị các loài diều hâu ăn; hay bị các chim kên ăn; hay bị các loài chó ăn; hay bị các loài dã can ăn; hay bị các loài côn trùng ăn. Tỷ-kheo ấy đem so sánh với thân này như sau: "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy". Ví như vị ấy thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa, với các xương còn liên kết với nhau, còn dính thịt và máu, còn được các đường gân cột lại; với các bộ xương còn liên kết với nhau, không còn dính thịt, nhưng còn dính máu, còn được các đường gân cột lại; với các bộ xương còn liên kết với nhau, không còn thịt và máu, còn được các đường gân cột lại; chỉ còn xương không dính lại với nhau, rải rác chỗ này chỗ kia. Ở đây, là xương tay, ở đây là xương chân, ở đây là xương ống, ở đây là xương bắp vế, ở đây là xương mông, ở đây là xương sống, ở đây là đầu. Tỷ-kheo ấy đem so sánh với thân này như sau: "Thân này bản chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy". Hay ví như vị ấy thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa, chỉ còn toàn xương trắng màu vỏ ốc, chỉ còn một đống xương lâu hơn một năm, chỉ còn là xương thối trở thành bột. Tỷ-kheo ấy đem so sánh với thân này như sau:: "Thân này bản chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy". Ðây là chỗ để tùy niệm, bạch Thế Tôn, được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, đưa đến nhổ tận gốc kiêu mạn "Tôi là".

6.Lại nữa, bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo bỏ lạc, bỏ khổ... chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Ðây là chỗ để tùy niệm, bạch Thế Tôn, được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, đưa đến sự thể nhập hoàn toàn các giới sai khác nhau.

Bạch Thế Tôn, đây là năm chỗ để tùy niệm.

- Lành thay, lành thay, này Ananda! Ðây là chỗ tùy niệm thứ sáu, hãy thọ trì ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo chánh niệm đi ra, chánh niệm đi vào, chánh niệm ngồi, chánh niệm nằm, chánh niệm trong khi làm việc. Này Ananda, đây là chỗ để tùy niệm, như vậy tu tập, như vậy làm cho sung mãn, được đưa đến chánh niệm tỉnh giác.

(X) (30) Trên Tất Cả

1.- Này các Tỷ-kheo, có sáu pháp vô thượng này. Thế nào là sáu?

2.Thấy vô thượng, nghe vô thượng, lợi đắc vô thượng, học tập vô thượng, phục vụ vô thượng, tùy niệm vô thượng. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thấy vô thượng?

3.Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người đi xem voi báu, đi xem ngựa báu, đi xem châu báu, hay đi xem các vật lớn nhỏ, hay đi xem Sa-môn, hay Bà-la-môn có tà kiến, có tà hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây có phải là thấy không? Ta nói rằng: Ðây là không thấy". Sự thấy ấy, này các Tỷ-kheo, là hạ liệt, là hèn hạ, là phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, ai đi yết kiến Thế Tôn hay đệ tử Thế Tôn, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín, thời này các Tỷ-kheo, đây là thấy vô thượng, đưa đến thanh tịnh cho các loài chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là đi yết kiến Như Lai hay đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thấy vô thượng, đây là thấy vô thượng. Còn nghe vô thượng là gì?

4.Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người đi nghe tiếng trống, đi nghe tiếng sáo, đi nghe tiếng ca, hay đi nghe tiếng cao thấp khác nhau, hay đi nghe pháp các Sa-môn hay Bà-la-môn có tà kiến, tà hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây có phải là nghe không? Ta nói rằng: "Ðây là không nghe". Sự nghe ấy, này các Tỷ-kheo, là hạ liệt, là hèn hạ, là phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, ai đi đến để nghe pháp của Như Lai hay của đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín, thời này các Tỷ-kheo, đây là sự nghe vô thượng, đưa đến thanh tịnh cho các loài chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là đi nghe pháp của Như Lai hay của đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là nghe vô thượng, đây là thấy vô thượng, nghe vô thượng. Còn lợi đắc vô thượng là gì?

5.Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người được con, được vợ, được tài sản, được các vật cao thấp khác nhau, được lòng tin vào các Sa-môn hay Bà-la-môn có tà kiến, tà hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây có lợi đắc hay không? Ta nói rằng: "Ðây là không lợi đắc". Lợi đắc ấy, này các Tỷ-kheo, là hạ liệt, là hèn hạ, là phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, ai được lòng tin vào Như Lai hay của đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín, thời này các Tỷ-kheo, đây là đắc lợi vô thượng, đưa đến thanh tịnh cho các loài chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là được lòng tin vào Như Lai hay của đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đắc lợi vô thượng, đây là thấy vô thượng, nghe vô thượng, đắc lợi vô thượng. Còn học tập vô thượng là gì?

6.Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người học tập về voi, học tập về ngựa, học tập về xe, học tập về cung pháp, học tập về kiếm pháp, học tập về các nghề cao thấp sai biệt hay học tập theo các Sa-môn hay Bà-la-môn có tà kiến, tà hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây là có học tập hay không? Ta nói rằng: "Ðây là không học tập". Học tập ấy, này các Tỷ-kheo, là hạ liệt, là hèn hạ, là phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, ai học tập Tăng thượng giới, học tập tăng thượng định, học tập tăng thượng tuệ trong Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín, này các Tỷ-kheo, đây là học tập vô thượng, đưa đến thanh tịnh cho các loài chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là học tập Tăng thượng giới, học tập tăng thượng định, học tập tăng thượng tuệ trong Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là học tập vô thượng, đây là thấy vô thượng, nghe vô thượng, lợi đắc vô thượng, học tập vô thượng. Còn phục vụ vô thượng là như thế nào?

7.Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người phục vụ Sát-đế-ly, phục vụ Bà-la-môn, phục vụ gia chủ, phục vụ các người cao thấp sai biệt hay phục vụ Sa-môn hay Bà-la-môn có tà kiến, tà hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây là có phục vụ hay không? Ta nói rằng: "Ðây là không phục vụ". Phục vụ ấy, này các Tỷ-kheo, là hạ liệt, là hèn hạ, là phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, ai phục vụ Như Lai hay đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín, này các Tỷ-kheo, đây là phục vụ vô thượng, đưa đến thanh tịnh cho các loài chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là phục vụ Như Lai hay đệ tự Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là phục vụ vô thượng, đây là thấy vô thượng, nghe vô thượng, lợi đắc vô thượng, học tập vô thượng, phục vụ vô thượng. Và thế nào là tùy niệm vô thượng?

8.Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tùy niệm được con, tùy niệm được vợ, tùy niệm được tài sản, tùy niệm được cao thấp sai biệt hay phục vụ Sa-môn hay Bà-la-môn có tà kiến, tà hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây là có tùy niệm hay không? Ta nói rằng: "Ðây là không tùy niệm". Tùy niệm ấy, này các Tỷ-kheo, là hạ liệt, là hèn hạ, là phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, ai tùy niệm Như Lai hay đệ tử Như Lai, với lòng tin an trú, với lòng ái mộ an trú, nhứt hướng thuần tín, này các Tỷ-kheo, tùy niệm ấy là vô thượng, đưa đến thanh tịnh cho các loài chúng sanh, vượt qua sầu bi, chấm dứt khổ ưu, đạt được chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn, tức là tùy niệm Như Lai hay đệ tử Như Lai, với lòng tin được an trú, với lòng ái mộ được an trú, nhứt hướng thuần tín. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tùy niệm vô thượng.

Này các Tỷ-kheo, có sáu tùy niệm này:

Ai được thấy tối thắng,
Và được nghe vô thượng,
Ðược lợi đắc vô thượng,
Vui học tập vô thượng,
An trú trong phục vụ,
Tu tập chuyên tùy niệm,
Liên hệ đến viễn ly,
Ðạt an ổn, bất tử,
Hoan hỷ, không phóng dật,
Thận trọng, hộ trì giới,
Khi thời đã chín muồi
Ðau khổ được đoạn tận.



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada