Tuệ về ý nghĩa biết toàn diện là trí về Khổ, tuệ về ý nghĩa dứt bỏ là trí về nhân sanh (Khổ), tuệ về ý nghĩa tác chứng là trí về sự diệt tận (Khổ), tuệ về ý nghĩa tu tập là trí về Đạo là (có ý nghĩa) thế nào?
Đối với Khổ là ý nghĩa áp bức, là ý nghĩa tạo tác, là ý nghĩa nóng nảy, là ý nghĩa chuyển biến, là ý nghĩa biết toàn diện.
Đối với nhân sanh (Khổ) là ý nghĩa (nghiệp) tích lũy, là ý nghĩa căn nguyên, là ý nghĩa ràng buộc, là ý nghĩa vướng bận, là ý nghĩa dứt bỏ.
Đối với sự diệt tận (Khổ) là ý nghĩa xuất ly, là ý nghĩa viễn ly, là ý nghĩa vô vi, là ý nghĩa bất tử, là ý nghĩa tác chứng.
Đối với Đạo là ý nghĩa dẫn xuất, là ý nghĩa chủng tử, là ý nghĩa nhận thức, là ý nghĩa pháp chủ đạo, là ý nghĩa tu tập.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về ý nghĩa biết toàn diện là trí về Khổ; Tuệ về ý nghĩa dứt bỏ là trí về nhân sanh (Khổ); Tuệ về ý nghĩa tác chứng là trí về sự diệt tận (Khổ); Tuệ về ý nghĩa tu tập là trí về Đạo.”
Trí về Khổ, trí về nhân sanh Khổ, trí về sự diệt tận Khổ, trí về sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ là (có ý nghĩa) thế nào?
Trí của vị có dự phần ở Đạo cũng là trí về Khổ, đây cũng là trí về nhân sanh Khổ, đây cũng là trí về sự diệt tận Khổ, đây cũng là trí về sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ.
Trong trường hợp ấy, trí về Khổ là gì? Điều gì sanh lên có liên quan đến Khổ: sự nhận biết (của trí), sự nhận biết (của tuệ), sự chọn lọc, sự tuyển lựa, sự chọn lọc pháp, sự suy xét, sự khảo cứu, sự khảo sát, sự thông thái, sự rành rẽ, sự khôn ngoan, sự sáng suốt, sự suy nghĩ, sự nghiên cứu, sự uyên thâm, sự mẫn tiệp, sự lãnh đạo, sự minh sát, sự tỉnh giác, sự sắc sảo, tuệ, tuệ quyền, tuệ lực, tuệ là vũ khí, tuệ là thành trì, tuệ là ánh sáng, tuệ là hào quang, tuệ là ngọn đèn, tuệ là báu vật, sự vô si, sự chọn lọc pháp, chánh kiến, (mỗi một) điều ấy được gọi là trí về Khổ. Điều gì sanh lên có liên quan đến nhân sanh Khổ: ...(nt)... Điều gì sanh lên có liên quan đến sự diệt tận Khổ: ...(nt)... Điều gì sanh lên có liên quan đến sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ: ...(nt)... sự vô si, sự chọn lọc pháp, chánh kiến, (mỗi một) điều ấy được gọi là trí về sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Trí về Khổ, trí về nhân sanh Khổ, trí về sự diệt tận Khổ, trí về sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ.”
Phần giải thích ‘Hai nhóm bốn của trí về chân lý.’
Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada