Tuệ về ý nghĩa của việc nhìn thấy các hiện tướng của sắc có bản chất khác nhau hoặc giống nhau nhờ vào năng lực của ánh sáng là trí về thiên nhãn là (có ý nghĩa) thế nào?

Vị tỳ khưu trong Giáo Pháp này tu tập về nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do ước muốn ... định do tinh tấn ... định do nhận thức ... định do thẩm xét và các tạo tác do nỗ lực. Vị ấy làm cho tâm phát triển trọn vẹn, thuần hóa toàn diện, thành nhu nhuyến có thể sử dụng ở bốn nền tảng của thần thông này. Sau khi làm cho tâm phát triển trọn vẹn, thuần hóa toàn diện, thành nhu nhuyến có thể sử dụng ở bốn nền tảng của thần thông này, vị ấy chú ý đến tưởng về ánh sáng, chú nguyện tưởng về ban ngày: ‘Ban ngày thế nào, ban đêm thế ấy, ban đêm thế nào, ban ngày thế ấy.’ Với tâm được mở ra và không bị che lấp như thế, vị ấy phát triển tâm có ánh sáng.

Với tâm được phát triển, hoàn toàn trong sạch, tinh khiết như thế, vị ấy quả quyết, hướng dẫn tâm đến trí về sự sanh tử của chúng sanh. Bằng thiên nhãn thanh tịnh vượt trội loài người, vị ấy nhìn thấy chúng sanh trong khi chết đi rồi sanh lại (trở thành) hạ tiện, cao quý, đẹp đẽ, xấu xí, và nhận biết rằng chúng sanh đều đi theo nghiệp tương ứng đến chốn an vui, (hay) đọa vào cõi khổ: ‘Quả vậy, những chúng sanh đang hiện hữu này có thân ác hạnh, có khẩu ác hạnh, có ý ác hạnh, vu khống các bậc Thánh, theo tà kiến, tán thành hành động do tà kiến, khi tan rã thân xác và chết đi, họ bị sanh vào bất hạnh, cõi khổ, đọa xứ, địa ngục. Trái lại, những chúng sanh đang hiện hữu này có thân thiện hạnh, có khẩu thiện hạnh, có ý thiện hạnh, không vu khống các bậc Thánh, theo chánh kiến, tán thành hành động do chánh kiến, khi tan rã thân xác và chết đi, họ được sanh vào chốn an vui, cõi trời, loài người.’ Như thế, bằng thiên nhãn thuần tịnh vượt trội loài người, vị ấy nhìn thấy chúng sanh trong khi chết đi rồi sanh lại (trở thành) hạ tiện, cao quý, đẹp đẽ, xấu xí, và biết rõ rằng chúng sanh đều đi theo nghiệp tương ứng đến chốn an vui, (hay) đọa vào cõi khổ.

Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về ý nghĩa của việc nhìn thấy các hiện tướng của sắc có bản chất khác nhau hoặc giống nhau nhờ vào năng lực của ánh sáng là trí về thiên nhãn.”

Phần giải thích ‘Trí về thiên nhãn.’



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada