Với tính chất triển khai của ba loại tâm, tuệ về sự thâm nhập các hành vi của thức có bản chất khác nhau hoặc giống nhau bằng năng lực tự tin của các quyền là trí biết được tâm là (có ý nghĩa) thế nào?

Vị tỳ khưu trong Giáo Pháp này tu tập về nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do ước muốn ... định do tinh tấn ... định do nhận thức ... định do thẩm xét và các tạo tác do nỗ lực. Vị ấy làm cho tâm phát triển trọn vẹn, thuần hóa toàn diện, thành nhu nhuyến, có thể sử dụng được ở bốn nền tảng của thần thông này. Sau khi đã làm cho tâm phát triển trọn vẹn, thuần hóa toàn diện, thành nhu nhuyến, có thể sử dụng được ở bốn nền tảng của thần thông này, vị ấy biết rõ như vầy: ‘Đây là sắc được sanh khởi do hỷ quyền, đây là sắc được sanh khởi do ưu quyền, đây là sắc được sanh khởi do xả quyền.’

Với tâm được phát triển, hoàn toàn trong sạch, tinh khiết như thế, vị ấy quả quyết, hướng dẫn tâm vào trí biết được tâm. Sau khi xem xét, vị ấy nhận biết tâm của các chúng sanh khác của các cá nhân khác bằng tâm. (Vị ấy) nhận biết tâm có tham ái là: ‘Tâm có tham ái,’ hoặc nhận biết tâm lìa khỏi tham ái là: ‘Tâm lìa khỏi tham ái,’ hoặc nhận biết tâm có sân, ... tâm lìa khỏi sân ... tâm có si ... tâm lìa khỏi si, ... tâm bị thâu hẹp ... tâm bị tán loạn ... tâm đại hành[5] ... tâm không đại hành ... tâm vô thượng ... tâm không vô thượng ... tâm định tĩnh ... tâm không định tĩnh ... tâm giải thoát ..., hoặc nhận biết tâm không giải thoát là: ‘Tâm không giải thoát.’

Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Với tính chất triển khai của ba loại tâm, tuệ về sự thâm nhập các hành vi của thức có bản chất khác nhau hoặc giống nhau bằng năng lực tự tin của các quyền là trí biết được tâm.”

Phần giải thích ‘Trí biết được tâm.’



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada