Với sự xác định cả thân lẫn tâm là một, tuệ về ý nghĩa của sự thành tựu do năng lực của sự chú nguyện lạc tưởng và khinh tưởng là trí về thể loại của thần thông là (có ý nghĩa) thế nào?

Vị tỳ khưu trong Giáo Pháp này tu tập về nền tảng của thần thông[3] hội đủ (các yếu tố) định do ước muốn và các tạo tác do nỗ lực,[4] ... hội đủ (các yếu tố) định do tinh tấn và các tạo tác do nỗ lực, ... hội đủ (các yếu tố) định do nhận thức và các tạo tác do nỗ lực, tu tập về nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do thẩm xét và các tạo tác do nỗ lực. Vị ấy làm cho tâm phát triển trọn vẹn, thuần hóa toàn diện, thành nhu nhuyến, có thể sử dụng được ở bốn nền tảng của thần thông này. Sau khi đã làm cho tâm phát triển trọn vẹn, thuần hóa toàn diện, thành nhu nhuyến, có thể sử dụng được ở bốn nền tảng của thần thông này, vị ấy kết hợp thân với tâm, kết hợp tâm với thân, uốn nắn tâm theo tác động của thân, uốn nắn thân theo tác động của tâm, chú nguyện tâm theo tác động của thân, chú nguyện thân theo tác động của tâm. Sau khi đã uốn nắn tâm theo tác động của thân, sau khi đã uốn nắn thân theo tác động của tâm, sau khi đã chú nguyện tâm theo tác động của thân, sau khi đã chú nguyện thân theo tác động của tâm, vị ấy nhập vào lạc tưởng và khinh tưởng ở thân rồi an trú. Với tâm được tu tập, được hoàn toàn trong sạch, được tinh khiết như thế, vị ấy quả quyết, hướng dẫn tâm vào trí thuộc về thần thông. Vị ấy kinh nghiệm nhiều thể loại thần thông: là một hóa thành nhiều, là nhiều hóa thành một, hiện ra, biến mất, đi xuyên qua vách nhà, qua tường thành, qua núi non không bị chướng ngại như là ở khoảng không, trồi lên và chìm xuống vào trong trái đất như ở trong nước, đi ở trên nước mà không làm chao động như ở trên đất, di chuyển với thế kiết già ở trên hư không như loài chim có cánh, bằng bàn tay sờ đến chạm vào ngay cả mặt trăng và mặt trời này (là những vật) có đại thần lực như thế có đại oai lực như thế. Bằng thân vị ấy thể hiện sự tác động đến tận cõi Phạm Thiên.

Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Với sự xác định cả thân lẫn tâm là một, tuệ về ý nghĩa của sự thành tựu do năng lực của sự chú nguyện lạc tưởng và khinh tưởng là trí về thể loại của thần thông.”

Phần giải thích ‘Trí về các sự thành tựu.’



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada