Tuệ làm sáng tỏ các pháp khác biệt là trí về sự trực nhận ý nghĩa là (có ý nghĩa) thế nào?

Các pháp khác biệt: là năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, các pháp thiện, các pháp bất thiện, các pháp vô ký, các pháp dục giới, các pháp sắc giới, các pháp vô sắc giới, các pháp không bị lệ thuộc.

Sự làm sáng tỏ: (Hành giả) làm sáng tỏ sắc là vô thường, làm sáng tỏ sắc là khổ não, làm sáng tỏ sắc là vô ngã, làm sáng tỏ thọ ...(như trên)... tưởng ...(như trên)... các hành ...(như trên)... thức ...(như trên)... mắt ...(như trên)... làm sáng tỏ lão tử là vô thường, làm sáng tỏ lão tử là khổ não, làm sáng tỏ lão tử là vô ngã.

Việc trực nhận ý nghĩa: Trong khi dứt bỏ ước muốn trong các dục, hành giả trực nhận ý nghĩa của thoát ly; trong khi dứt bỏ sân độc, trực nhận ý nghĩa của không sân độc; trong khi dứt bỏ sự lờ đờ buồn ngủ, trực nhận ý nghĩa của sự nghĩ tưởng đến ánh sáng; trong khi dứt bỏ phóng dật, trực nhận ý nghĩa của sự không tản mạn; trong khi dứt bỏ hoài nghi, trực nhận ý nghĩa của sự xác định pháp; trong khi dứt bỏ vô minh, trực nhận ý nghĩa của trí; trong khi dứt bỏ sự không hứng thú, trực nhận ý nghĩa của hân hoan; trong khi dứt bỏ các pháp ngăn che, trực nhận ý nghĩa của sơ thiền; trong khi dứt bỏ tất cả phiền não, trực nhận ý nghĩa của Đạo A-la-hán.

Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ làm sáng tỏ các pháp khác biệt là trí về sự trực nhận ý nghĩa.”

Phần giải thích ‘Trí về sự trực nhận ý nghĩa.’



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada