Tuệ về việc xác định chín pháp là trí về tính chất khác biệt của các pháp là (có ý nghĩa) thế nào?

Xác định các pháp là (có ý nghĩa) thế nào? Về các pháp dục giới, (hành giả) xác định thiện, xác định bất thiện, xác định vô ký. Về các pháp sắc giới, (hành giả) xác định thiện, xác định vô ký. Về các pháp vô sắc giới, (hành giả) xác định thiện, xác định vô ký. Về các pháp không bị lệ thuộc, (hành giả) xác định thiện, xác định vô ký.

Về các pháp dục giới, xác định thiện, xác định bất thiện, xác định vô ký là (có ý nghĩa) thế nào? Về mười phương thức của nghiệp thiện, (hành giả) xác định là thiện. Về mười phương thức của nghiệp bất thiện, (hành giả) xác định là bất thiện. Về sắc, nghiệp quả, và duy tác, (hành giả) xác định là vô ký. Về các pháp dục giới, xác định thiện, xác định bất thiện, xác định vô ký là (có ý nghĩa) như thế.

Về các pháp sắc giới, xác định thiện, xác định vô ký là (có ý nghĩa) thế nào? Về bốn thiền của vị hiện ở thế gian này, (hành giả) xác định là thiện. Về bốn thiền của vị đã tái sanh đến nơi ấy, (hành giả) xác định là vô ký. Về các pháp sắc giới, xác định thiện, xác định vô ký là (có ý nghĩa) như thế.

Về các pháp vô sắc giới, xác định thiện, xác định vô ký là (có ý nghĩa) thế nào? Về bốn sự chứng đạt vô sắc giới của vị hiện ở thế gian này, (hành giả) xác định là thiện. Về bốn sự chứng đạt vô sắc giới của vị đã tái sanh đến nơi ấy, (hành giả) xác định là vô ký. Về các pháp vô sắc giới, xác định thiện, xác định vô ký là (có ý nghĩa) như thế.

Về các pháp không bị lệ thuộc, xác định thiện, xác định vô ký là (có ý nghĩa) thế nào? Về bốn Thánh Đạo, (hành giả) xác định là thiện. Về bốn Quả tương ứng và Niết Bàn, (hành giả) xác định là vô ký. Về các pháp không bị lệ thuộc, xác định thiện, xác định vô ký là (có ý nghĩa) như thế. Như vậy là xác định các pháp.

Chín cội nguồn của sự hân hoan: Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý về vô thường. Khi (hành giả) được hân hoan, hỷ sanh khởi. Khi tâm có hỷ, thân trở nên tịnh. Khi thân được tịnh, (hành giả) nhận biết lạc. Khi có lạc, tâm được định. Khi tâm được định, (hành giả) nhận biết và thấy đúng theo thực thể. Khi nhận biết và thấy đúng theo thực thể, (hành giả) nhàm chán. Khi nhàm chán, (hành giả) ly tham ái. Do ly tham ái, (hành giả) được giải thoát. Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý về khổ não, ...(như trên)... Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý về vô ngã, ...(như trên)... 

Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý về sắc là vô thường. ...(nt)... Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý về sắc là khổ não. ...(nt)... Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý về sắc là vô ngã. ...(nt)... Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý về thọ ... tưởng ... các hành ... thức ... mắt ... lão tử là vô thường. ...(nt)... Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý về lão tử là khổ não. ...(nt)... Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý về lão tử là vô ngã. Khi (hành giả) được hân hoan, hỷ sanh khởi. Khi tâm có hỷ, thân trở nên tịnh. Khi thân được tịnh, (hành giả) nhận biết lạc. Khi có lạc, tâm được định. Khi tâm được định, (hành giả) nhận biết và thấy đúng theo thực thể. Khi nhận biết và thấy đúng theo thực thể, (hành giả) nhàm chán. Khi nhàm chán, (hành giả) ly tham ái. Do ly tham ái, (hành giả) được giải thoát. Đây là chín cội nguồn của sự hân hoan.

Chín cội nguồn của sự tác ý đúng đường lối: Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý đúng đường lối về vô thường. Khi (hành giả) được hân hoan, hỷ sanh khởi. Khi tâm có hỷ, thân trở nên tịnh. Khi thân được tịnh, (hành giả) nhận biết lạc. Khi có lạc, tâm được định, do tâm được định, (hành giả) nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là Khổ,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là nhân sanh Khổ,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là sự diệt tận Khổ,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ.’

Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý đúng đường lối về khổ não. Khi (hành giả) được hân hoan, hỷ sanh khởi. Khi tâm có hỷ, thân trở nên tịnh. Khi thân được tịnh, (hành giả) nhận biết lạc. Khi có lạc, tâm được định, do tâm được định, (hành giả) nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là Khổ,’ ... ‘Đây là nhân sanh Khổ,’ ... ‘Đây là sự diệt tận Khổ,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ.’

Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý đúng đường lối về vô ngã. ...(nt)... Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý đúng đường lối về sắc là vô thường. ...(nt)... Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý đúng đường lối về sắc là khổ não. ...(nt)... Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý đúng đường lối về sắc là vô ngã. ...(nt)... Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý đúng đường lối về thọ ... tưởng ... các hành ... thức ... mắt ... lão tử là vô thường. ...(nt)... Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý đúng đường lối về lão tử là khổ não. ...(nt)... Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý đúng đường lối về lão tử là vô ngã. Khi (hành giả) được hân hoan, hỷ sanh khởi. Khi tâm có hỷ, thân trở nên tịnh. Khi thân được tịnh, (hành giả) nhận biết lạc. Khi có lạc, tâm được định. Khi tâm được định, (hành giả) nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là Khổ,’ ... ‘Đây là nhân sanh Khổ,’ ... ‘Đây là sự diệt tận Khổ,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ.’ Đây là 9 cội nguồn của sự tác ý đúng đường lối.

Chín tính chất khác biệt: Tùy thuận vào tính chất khác biệt của giới (như mắt, tai, v.v...), tính chất khác biệt của xúc được sanh lên. Tùy thuận vào tính chất khác biệt của xúc, tính chất khác biệt của thọ được sanh lên. Tùy thuận vào tính chất khác biệt của thọ, tính chất khác biệt của tưởng được sanh lên. Tùy thuận vào tính chất khác biệt của tưởng, tính chất khác biệt của tư được sanh lên. Tùy thuận vào tính chất khác biệt của tư, tính chất khác biệt của ước muốn được sanh lên. Tùy thuận vào tính chất khác biệt của ước muốn, tính chất khác biệt của trạng thái bực bội được sanh lên. Tùy thuận vào tính chất khác biệt của trạng thái bực bội, tính chất khác biệt của tầm cầu được sanh lên. Tùy thuận vào tính chất khác biệt của tầm cầu, tính chất khác biệt của sự thành tựu được sanh lên. Đây là chín tính chất khác biệt.

Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về việc xác định chín pháp là trí về tính chất khác biệt của các pháp.”



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada