Tuệ về việc quán xét phiền não đã được cắt lìa là trí về giải thoát là (có ý nghĩa) thế nào?

Nhờ vào Đạo Nhập Lưu, sự nhận thức sai trái về thân, sự hoài nghi, sự bám víu vào giới và nghi thức, tà kiến ngủ ngầm, hoài nghi ngủ ngầm là các tùy phiền não thuộc tâm của hành giả được đoạn trừ hoàn toàn. Tâm được giải thoát, được hoàn toàn giải thoát khỏi năm tùy phiền não này và các sự xâm nhập (của chúng). Việc giải thoát ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về việc quán xét phiền não đã được cắt lìa là trí về giải thoát.”

Nhờ vào Đạo Nhất Lai, sự ràng buộc của ái dục và sự ràng buộc của bất bình có tính chất thô thiển, ái dục ngủ ngầm và bất bình ngủ ngầm là các tùy phiền não có tính chất thô thiển thuộc tâm của hành giả được đoạn trừ hoàn toàn. Tâm được giải thoát, được hoàn toàn giải thoát khỏi bốn tùy phiền não này và các sự xâm nhập (của chúng). Việc giải thoát ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về việc quán xét phiền não đã được cắt lìa là trí về giải thoát.”

Nhờ vào Đạo Bất Lai, sự ràng buộc của ái dục và sự ràng buộc của bất bình có tính chất vi tế, ái dục ngủ ngầm và bất bình ngủ ngầm có tính chất vi tế là các tùy phiền não thuộc tâm của hành giả được đoạn trừ hoàn toàn. Tâm được giải thoát, được hoàn toàn giải thoát khỏi bốn tùy phiền não này và các sự xâm nhập (của chúng). Việc giải thoát ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về việc quán xét phiền não đã được cắt lìa là trí về giải thoát.”

Nhờ vào Đạo A-la-hán, ái sắc, ái vô sắc, ngã mạn, phóng dật, vô minh, ngã mạn ngủ ngầm, hữu ngủ ngầm, vô minh ngủ ngầm là các tùy phiền não thuộc tâm của hành giả được đoạn trừ hoàn toàn. Tâm được giải thoát, được hoàn toàn giải thoát khỏi tám tùy phiền não này và các sự xâm nhập (của chúng). Việc giải thoát ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về việc quán xét phiền não đã được cắt lìa là trí về giải thoát.”

Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về việc quán xét phiền não đã được cắt lìa là trí về giải thoát.”

Phần giải thích ‘Trí về giải thoát.’

 



Phiên bản thư viện demo v4.5 [Tipiṭaka Tiếng Việt] Theravada